QUAN HỆ THẦY TRÒ TRONG THỜI HIỆN ĐẠI (kỳ 1)
QUAN HỆ THẦY TRÒ TRONG THỜI HIỆN ĐẠI (kỳ 2)
5. Vài điều cần nhìn lại
a. Thầy
b. Đệ tử
Kết luận
QUAN HỆ THẦY TRÒ TRONG THỜI HIỆN ĐẠI (kỳ 2)
5. Vài điều cần nhìn lại
Quan hệ thầy
trò trong Phật giáo không đơn thuần là mối quan hệ trực tiếp giữa hai con
người, hoặc hai thế hệ kế tiếp mà là sự trao truyền kiến thức, kinh nghiệm và
cảm hứng tu tập thông qua một chuỗi tiếp nối dài lâu của nhiều thế hệ được kết
tụ vào trong người thầy để rồi truyền trao cho người đệ tử. Thông qua quan hệ
thầy-trò, giá trị và hiệu quả giáo dục thiền môn – một mô hình giáo dục căn bản
và truyền thống nhất của đạo Phật được thể hiện. Trước sự thay đổi của môi
trường xã hội, mối quan hệ thầy-trò theo đó cũng có nhiều thay đổi như một hệ
quả tất yếu. Để có thể duy trì và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp
trong mối quan hệ này, cả thầy lẫn đệ tử cần có sự thay đổi để thích nghi với
nhu cầu thời đại.
a. Thầy
Như đã nói
ở trên, trong thời đại ngày nay, người thầy không phải là người duy nhất cung
cấp nguồn tri thức cho đệ tử khi môi trường tiếp xúc của người đệ tử thời nay
không chỉ giới hạn trong khuôn viên một ngôi chùa mà là môi trường học đường
rộng lớn và không gian của mạng internet thênh thang. Do đó, muốn tình thầy-trò
gắn kết và người thầy có vị trí quan trọng trong lòng người đệ tử thì người
thầy cần “làm mới” mình để kịp thời đáp ứng với nhu cầu thời đại. Điều quan
trọng là người thầy cần cho người đệ tử những gì không thể tìm được ở các
trường Phật học, ở không gian ảo của internet và ở những bài pháp bài kinh. Đó
là sự thấu hiểu, cảm thông và phương pháp tháo gỡ những khó khăn, gút mắc trong
đời sống tu tập một cách thực tế và cụ thể. Làm thế nào để người đệ tử của mình
dù đi học khắp nơi, tiếp xúc nhiều người, tìm đọc từ nhiều nguồn tài liệu, vẫn
còn tha thiết muốn quay về ngồi bên thầy để lắng nghe những lời dạy dỗ vốn được chiết xuất từ một đời tu tập
và trải nghiệm qua những bài học sống động trong cuộc sống đời thường là thành
công của người thầy vậy.
Làm được
điều này, người thầy ấy đã làm đúng vai trò của một người hướng đạo đúng nghĩa
như đức Phật đã làm. Đức Phật dạy rằng, các nhà buôn đường biển đem theo một
con chim để tìm bờ, khi họ đi tàu ra biển. Khi chiếc tàu ra xa, không thấy bờ,
họ thả con chim đi tìm bờ. Con chim bay về hướng Đông, bay về hướng Tây, bay về
hướng Bắc, bay về hướng Nam, bay về hướng Trên, bay về hướng Gió. Nếu nó thấy
bờ xung quanh, nó liền bay luôn. Nếu nó không thấy bờ xung quanh, nó bay trở
lui về tàu (Tăng chi bộ kinh, chương VI, phẩm V, kinh 54: Dhammika; Trường Bộ Kinh
số 11: Kinh Kevaddha). Cũng vậy, nếu người thầy đáp ứng được nhu cầu tu
học pháp cho người đệ tử chân chánh xuất gia, nơi ấy là bến đỗ bình an cho
người đệ tử hướng về.
Để làm tròn
bổn phận của mình, người thầy cần chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần cũng
như tâm linh cho đệ tử mình. Không nuông chìu đệ tử quá đáng nhưng cũng đừng để
những học trò của mình phải sống trong thiếu thốn về những nhu cầu tối thiểu
của một người xuất gia. Khi người thầy dành cho đệ tử mình đầy đủ điều kiện vật
chất và đáp ứng nhu cầu học pháp, thì đó là nơi an trú lý tưởng nhất cho một
người xuất gia giải thoát theo tinh thần bài kinh Khu rừng (Trung
bộ kinh số 17).
Một điều
cần lưu ý nữa, như đã nêu ở trên, do điều kiện khách quan, thầy thì Phật sự
nhiều, trò thì phần lớn thời gian dành cho giáo dục học đường, quỹ thời gian
thầy dành cho đệ tử không nhiều. Do đó, mỗi khi có thời gian bên đệ tử, hãy
dành trọn vẹn tâm ý cho việc đào tạo một con người, một thế hệ kế thừa. Người thầy
phải thật sự quan tâm, hiểu và thương đệ tử thì đáp lại, đệ tử cũng sẽ theo
thầy hết lòng học hỏi. Khi cảm nhận được tâm chân thành, từ ái và bao dung của thầy,
người đệ tử không đem tâm “đối phó” để đối đãi với Thầy. Nhờ đó, tình thầy-trò
thêm nhiều lợi ích, bởi vì khi đối phó nhau, cả thầy và trò đều mỏi mệt và căng
thẳng, từ đó, mọi ý nghĩa tốt đẹp trong mối quan hệ này đều mất đi. Khi mối
quan hệ thầy-trò được xây dựng trên nền tảng của hiểu và thương thì mối quan hệ
giữa thầy và trò như hai bình thông nhau. Có thông nhau mới hiểu, thấu cảm và
chia sẻ được nhiều thứ. Nhờ đó, sự cho-nhận diễn ra tự nhiên, hiệu quả và nhẹ
nhàng cho cả đôi bên.
Thêm vào
đó, muốn dạy đệ tử hiệu quả, người thầy còn phải hiểu rõ tâm lý lứa tuổi, tâm
tánh riêng của từng người học trò để nương theo đó mà uốn nắn. Dạy dỗ đệ tử là
quá trình uốn nắn trong tình thương yêu và nâng đỡ, chứ không thể áp đặt bằng
quyền lực của người thầy mà có hiệu quả. Làm được những điều trên, người thầy
có tác động tích cực đến học trò trong buổi đàu xuất gia, để tâm hồn trong sáng
ban đầu, chí hướng thoát ly cuộc sống thế tục được nuôi dưỡng tốt đẹp. Một
người thầy như vậy là hình ảnh lý tưởng về thế hệ đi trước, để người học trò
đặt trọn niềm tin tưởng, lấy đó là hình mẫu để nỗ lực, tinh tấn trên con đường
tu học.
b. Đệ tử
Trong thời
đại ngày nay, người đệ tử có cơ hội tiếp xúc nhiều người, khi sớm vào học các
trường Phật học và thông qua các phương tiện kỹ thuật số mà tiếp cận giáo pháp
cũng nhiều hơn. Do đó, nếu không tự xét mình mà xét thầy theo ý chủ quan và
thiển cận của mình, tâm lý “đứng núi này trông núi nọ” rất dễ xuất hiện ở những
người mới bước chân vào con đường xuất gia. Họ có xu hướng so sánh thầy mình
với nhiều người khác và luôn tìm điểm chưa tốt ở thầy rồi sanh tâm phiền não.
Một sự thật mà nhiều người không nhận ra là tất cả mọi người đều trên con đường
tu tập để hoàn thiện mình, kể cả thầy của mình cũng vậy. Do đó, những điều
người đệ tử xét nét thầy có thể là những vụng về mà thầy chưa chuyển hóa được,
hoặc ở góc độ đệ tử, người ấy chưa hiểu hết lý do sau mỗi việc làm của thầy.
Một điều
cần lưu ý nữa là khi tiếp xúc với thầy mỗi ngày, người đệ tử có dịp quan sát
thầy nhiều hơn và từ đó cũng thấy ra những vấn đề chưa hoàn thiện ở thầy. Trong
khi đó, ở những người khác, điều này vẫn tồn tại như một sự thật không thể phủ
nhận, nhưng vì ít có thời gian và điều kiện tiếp xúc, nên người đệ tử chưa thấy
hết tất cả những góc khuất ở họ, nên dễ sanh tâm “thần tượng” người khác và đem
tâm so sánh với thầy mình. Vả lại, chỉ có thầy là người dõi theo từng bước chân
của đệ tử trên con đường tu học, là người chịu trách nhiệm trực tiếp và nặng nề
nhất trong việc giáo dưỡng, nên thầy thường nhắc nhở, thậm chí khiển trách để
đưa người đệ tử vào nếp sống quy củ của thiền môn. Thế nhưng, hiểu biết non nớt
của người đệ tử không đủ để tiếp nhận và tiêu hóa những lời chỉ dạy chân tình
này. Do đó, thay vì khởi tâm biết ơn và tinh tấn, nhiều đệ tử khởi tâm buồn
giận thầy.
Mối quan hệ
thầy-trò không phải là đường một chiều từ trên đi xuống và người đệ tử chỉ biết
chấp nhận và cam chịu. Đệ tử có quyền đánh giá thầy để có thể trọn niềm tin
tưởng mà nương thầy tu học trọn đời. Nếu người thầy không thể hướng dẫn đệ tử
tu học theo chánh pháp, người đệ tử ấy có thể đi tìm thầy khác. Chính đức Phật
đã làm như vậy đối với hai vị thầy tâm linh Ālāra Kālāma và Uddaka Rāmaputta
trước khi Ngài thành tựu đạo quả giác ngộ. Ngài ra đi mà không phải “phản thầy”.
Ngài ra đi vì chí nguyện của Ngài lớn hơn những gì những vị thầy này có thể đáp
ứng, để rồi sau khi thành chánh giác, người đầu tiên đức Phật nghĩ đến để giáo
hóa chính là hai vị thầy của mình (Theo kinh Thánh Cầu, Trung bộ kinh số 26).
Tinh thần rời thầy ra đi nếu sự tu học pháp không được đáp ứng được đức Phật
khuyến khích (Trung bộ kinh số 17: Kinh khu rừng). Rời thầy ra đi để học hỏi
nhiều hơn và tu tập tiến bộ hơn là một điều tốt. Một người đệ tử chọn cách ra
đi như vậy vẫn trọn nghĩa thầy-trò, vẹn tình sư-đệ.
Người đệ tử
có thể dò xét, đánh giá một người mà mình dự định chọn làm thầy. Theo tỳ-kheo
Thanissaro, người đệ tử nên tìm kiếm một người thầy có hai đặc tính căn bản là:
trí tuệ và chánh trực, chứ không phải đặt cơ sở trên cảm tình cá nhân với những
gì được thể hiện hào nhoáng bên ngoài. Hai dấu hiệu để nhận biết người có trí
tuệ là người ấy phải là người biết ơn đối với những ai đã giúp đỡ họ, nhất là
những người họ thọ nhận đặc ân như cha mẹ và thầy tâm linh và người ấy sống và
hành động thuận theo sự vận hành của luật nhân-quả. Để biết một người có tâm
chánh trực cũng có hai dấu hiệu: có tâm tàm quý khi mắc phải lỗi lầm và luôn
công tâm, khách quan và thẳng thắn khi giải quyết các vấn đề. Một người thầy có
trí tuệ mới có khả năng hướng dẫn cho bạn cách xử lý các vấn đề trong cuộc sống
và tháo gỡ những gút mắc trong sự tu tập một cách hiệu quả. Một người thầy
chánh trực mới có thể giúp đệ tử sống chân chánh để an trú trong chánh pháp.
Nếu gặp một người không có đủ hai yếu tố này mà bạn dự định chọn làm thầy, tốt
nhất nên rời người ấy và đi tìm một người khác làm thầy, nếu bạn không muốn đổi
cuộc sống trong đạo để chuốc lấy ưu phiền khổ não. Trong Luật sa-di, sa-di-ni,
thiên oai nghi thứ hai: Thờ thầy cũng đã xác định rõ điều này, rằng “Như sư
thật bất minh, đương biệt cầu lương đạo” (nếu như gặp phải vị thầy vô trí,
người đệ tử có quyền tìm thầy tốt khác để nương tựa). Thế nhưng, điều quan
trọng là người đệ tử cũng phải trang bị cho mình những phẩm chất trí tuệ và
chánh trực thì mới có đủ khả năng đánh giá người khác có sở hữu những phẩm chất
này không để có thể chọn được người thầy tốt cho mình.
Kết luận
Trong bất
cứ thời đại nào, quan hệ thầy-trò trong đạo là một mối quan hệ đẹp để sự hoằng
truyền chánh pháp được tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác. Do vậy, thầy
cũng như đệ tử đều có bổn phận trách nhiệm của mình đối với đạo Pháp. Là người
thầy, cần phải thâm nhập kinh luật, gương mẫu trong hành trì, đầy đủ các đặc
tính trí tuệ và chánh trực, nuôi dạy đệ tử với tâm từ thì mới nên tiếp độ đệ
tử. Với trách nhiệm của người đi trước, đào tạo thế hệ kế thừa là một trong
những nhiệm vụ quan trọng của người xuất gia, nên người thầy cần ý thức nhận đệ
tử là hỗ trợ để nuôi dưỡng chí nguyện xuất gia của người ấy chứ không phải nhận
đệ tử cho có người để làm các công việc ở chùa. Về phía đệ tử, giữ vững lập
trường xuất gia của mình, biết quan sát và lựa chọn vị thầy nào phù hợp với mục
đích xuất gia tu học của mình để nương thân. Người đệ tử tốt là người luôn xét
mình với sự chánh niệm tỉnh giác để kịp thời điều chỉnh cách thực hành của mình
sao cho phù hợp với cách dạy của thầy. Lấy giới luật và giáo pháp làm cơ sở để
chọn thầy và làm nền tảng để trau luyện tự thân. Người đệ tử với mục đích thành
tựu giới thân huệ mạng – đặt cuộc sống mình vào trong giới luật với sự soi sáng
của trí tuệ là người đệ tử có thể phần nào đền đáp công ơn sâu dày của thầy tế
độ, góp phần duy trì mạng mạch chánh pháp.
Mối quan
hệ thầy-trò từ ngàn xưa mà cho đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị
với thời gian. Dù hoàn cảnh sống ở mỗi thời mỗi khác, phương tiện sinh hoạt và
phương cách học đạo và hành đạo cũng tùy duyên mà thay đổi. Tuy vậy, nếu làm
tốt bổn phận, trách nhiệm của mình, mối quan hệ thầy-trò trong mọi thời đại, ở
mọi nơi đều tốt đẹp, trong sáng và là biểu hiện của duyên lành. Điều này không
chỉ mang tới lợi ích hiện hữu mà còn đưa con người vào một vòng tròn của trách
nhiệm, tình nghĩa, duyên tốt và của hạnh lành của cả thầy và trò, làm sáng lên
một truyền thống tốt đẹp trong nhà đạo.