Sunday, March 10, 2019

KHÔNG CÓ GÌ LÀ MẶC ĐỊNH, HÃY TRÂN TRỌNG TẤT CẢ!


Trong cuộc sống, nếu bạn cứ một chiều sống cho người khác, làm tất cả những gì có thể, làm quần quật quên cả phần mình với khái niệm “hy sinh là hạnh phúc”, tất cả vì những người thân yêu của mình, nếu không khéo, đến một lúc nào đó, bạn sẽ nhận ra, bạn đã sai và góp phần “làm hư” những con người này! Cái “không khéo” tôi muốn nói ở đây là bạn đã không giúp họ cảm nhận và chấp nhận sự hy sinh của bạn dành cho họ, họ không biết trân quý những gì đang có mà đương nhiên coi đó là mặc định!

Con bạn có thể nhắc tới nhắc lui với ý niệm biết ơn một người bạn đã cho nó mượn tạm một khoản tiền nhỏ khi cần, nhưng bạn  chăm lo cho nó hết khoản này đến khoản khác suốt nhiều năm, thậm chí nhiều chục năm, nó chưa bao giờ biết khởi niệm biết ơn đối với cha mẹ mình. Bạn thử một lần sẽ thấy ngay, nếu bạn chưa kịp hoặc không thể đáp ứng điều con bạn cần, dù chỉ mọt lần, nó buồn bạn ngay, không tiếc lời phiền trách! Vì sao? Vì con bạn đã mặc định rằng, là cha mẹ, bạn phải lo cho con như thể đó là bổn phận của bạn, còn con, chỉ là đối tượng đón nhận mà không có bổn phận trách nhiệm gì! Với tâm lý “mặc định”, coi là đương nhiên, con cái thường mong chờ quá nhiều vào cha mẹ để rồi không vừa ý một tí, là tự cho mình “quyền” bất mãn, giận hờn hai đấng sanh thành.

Tương tự như vậy là mối quan hệ thầy-trò trong nhà đạo. Những người con nào coi cha mẹ làm mọi thứ cho con như một “mặc định” thì khi vào chùa, sẽ coi Thầy tế độ mình thay thế vai trò của cha mẹ ở nhà. Có cái gì sai sai ở đây nếu một người bước chân vào đời sống tu tập mà nghĩ như vậy; Bởi lẽ, theo nếp đạo, người đệ tử là người phải cung kính, phụng dưỡng, chăm nom Thầy mình để có cơ hội gần gũi, học hỏi, cũng là cơ hội để mình bòn phước gieo duyên để sống trong ân huệ của Thầy và được nuôi dưỡng trong nhà đạo. Trong khi Thầy mình bận rộn với bao công việc nặng nhọc, còn phải lo cho nhiều người, mà mình mong chờ một chiều rồi sanh tâm phiền não là tự mình hại mình mà thôi.
Các mối quan hệ khác, từ vợ chồng, anh chị em, bà con quyến thuộc, bạn bè, cho đến quan hệ chủ-thợ, người bán kẻ mua trong xã hội cũng vậy. Khi bạn coi những gì bạn đang nhận là “mặc định” phải thế, bạn không biết trân quý những gì đang có, mà coi là điều hiển nhiên, đương nhiên. Với nhận thức và thái độ này, trước sau khi bạn cũng làm cho mối quan hệ ấy xấu đi và đổ vỡ, để rồi sau đó, bạn nuối tiếc và ân hận thì mọi việc đã quá muộn màng.
Tôi khắc ghi lời nhắc nhở của cô Warden (người quản lý) ký túc xá sinh viên khi tôi còn học ở Ấn Độ. Sau một tuần ổn định chỗ ở trong ký túc xá, cô tổ chức một cuộc họp, phổ biến nội quy và nhắc nhở những điều cần thiết. Tôi ấn tượng nhất với câu nói của cô: “ký túc xá này là ngôi nhà của bạn. Tất cả mọi đồ dùng và dịch vụ ở đây là để cho bạn sử dụng, cho cuộc sống tiện nghi hơn, để các bạn học tốt hơn. Thế nhưng, đừng coi mọi thứ là mặc định dành cho mình, mà hãy trân trọng tất cả (don’t take it for granted, appreciate everything). Cô lặp lại cụm từ “don’t take it for granted, appreciate everything” rồi nói tiếp: “Hãy sử dụng trong ý niệm biết ơn để thấy mình xứng đáng được nhận những thứ này. Đèn, quạt không sử dụng cần tắt. Nhà cửa có người lau dọn mỗi ngày cho bạn nhưng không vì thế mà mặc tình xả rác. Nước dùng vừa phải, các bạn cứ dùng theo nhu cầu, tôi không muốn thấy bạn hạn chế sử dụng nước và điện, nhưng đừng phung phí. Nên nhớ, không có gì là mặc định sẵn cho các bạn cả!”
Trong ngót gần 10 năm chung sống và làm việc cùng cô Warden, tôi học được nhiều thứ, nhưng tôi vẫn ấn tượng nhất với câu “đừng coi mọi thứ là mặc định, hãy trân trọng tất cả. Hãy sử dụng trong ý niệm biết ơn để thấy mình xứng đáng được nhận những thứ này”. Đây là một quan điểm sống thuận với bản chất duyên sinh duyên khởi của tất cả trong vòng sống này. Nó đúng quá, nó hay quá và ý nghĩa thâm sâu vô cùng! Nếu ai cũng ý thức và sống đúng theo như vậy, cuộc đời này nhẹ nhàng và đẹp biết bao với những con người sống có tâm, có tình, biết nghĩ cho người khác.
Tôi vẫn thường nhắc mình ý tưởng trên và dần huân nó vào trong suy nghĩ của mình và hôm nay đủ duyên chia sẻ ở đây rằng “đừng coi mọi thứ là mặc định, hãy trân trọng tất cả. Hãy sử dụng trong ý niệm biết ơn để thấy mình xứng đáng được nhận những thứ này”.