Saturday, September 2, 2017

MƠ ƯỚC ĐỜI TÔI

Viết thay nỗi lòng một em bé mồ côi từ thuở mới lọt lòng!
Vu Lan đến…
Lòng người nao nao nghĩ nhớ về Mẹ với những tình cảm đẹp nhất và thiêng liêng nhất. Đúng rồi! có một câu danh ngôn của Bersot ngợi ca tình mẹ mà ai cũng thuộc nằm lòng “trong vũ trụ có lắm kỳ quan nhưng kỳ quan đẹp nhất là trái tim người Mẹ”. Mẹ là tất cả, là những gì hoàn hảo và thân thương nhất của một đời người. “Mẹ có nghĩa là bắt đầu; cho sự sống, tình yêu, hạnh phúc…”
Tôi hiểu trái tim người Mẹ phần nào qua bài kinh Báo hiếu, qua những vần thơ trữ tình nhẹ nhàng, qua những áng văn mượt mà đầy hình tượng, qua những khúc nhạc ngọt ngào sâu lắng ca ngợi tình Mẹ và cùng với chút kinh nghiệm thực tế ít ỏi của một con bé mười tám tuổi khi nhìn bạn bè mình đang bơi lội trong dòng sông tình Mẹ. Trên thực tế, chưa bao giờ tôi có cảm nhận đầy đủ về tình cảm thiêng liêng này. Dù rằng từ khi có mặt trên cuộc đời, tôi được chăm sóc và nuôi dạy như bao đứa trẻ khác, nhưng người chăm lo cho tôi không phải là Mẹ. Đây là điều rất khác giữa tôi và nhóm bạn cùng xóm: tôi không có một người Mẹ bên cạnh mình như hầu hết những đứa trẻ bình thường.

Khi tôi thắc mắc về sự có mặt của mình thì Cô tôi kể lại rằng, một buổi sáng sớm của 18 năm về trước, sư cô trụ trì ngôi làng quê tôi đã “nhặt” được một đứa bé đỏ hỏn, chừng 2 hoặc 3 ngày tuổi, đặt trên một chiếc khăn ngay ngoài cổng chùa. Đứa bé đó là tôi! Vì không muốn vướng bận và chi phối thời gian tu tập của một người xuất gia, sư cô trụ trì đã giao tôi cho Cô, một Phật tử thuần thành tu tại gia, nuôi giúp. Thế là Cô chọn luôn ngày ấy làm ngày sinh cho tôi. Cái “lý lịch” ngắn ngủi ấy tạo nên sự tò mò, thắc mắc lâu dài trong tâm hồn tôi mãi đến tận bây giờ.
Trong vòng tuần hoàn vô tận của vũ trụ, giọt mưa nhỏ còn biết được rằng Mẹ mình là mây, hạt bụi tí tẹo còn nhớ mình là con của đất và chiếc lá mỏng manh kia cũng hiểu rằng Mẹ mình là cây, còn tôi thì không. Tôi không biết tí gì về người đã giới thiệu tôi trên cuộc đời này. Nỗi khao khát đôi khi cháy bỏng cả tâm can: tôi muốn có Mẹ và mong mỏi được biết Mẹ, người đem tôi đến với cuộc sống này. Ấy là mơ ước lớn nhất của đời tôi. Dẫu rằng đây là một ước mơ chính đáng, nhưng với tôi, một con người tồn tại trên cõi sống không còn tí dấu vết liên quan, thì không dễ gì thực hiện được trong cõi sống chập chồng nhân duyên này. Tôi muốn tự mình cảm nhận được trái tim của Mẹ, như thơ văn nhạc họa đã tốn bao giấy mực để ngợi ca, nhưng ước mơ ấy cũng chỉ là mơ ước và niềm khát vọng cứ lớn dần theo tôi qua năm tháng thời gian.
Tiếng nói đầu đời của một đứa trẻ là tiếng gọi “Mẹ”, còn tôi thì không. Người đem tôi đến với cuộc đời đã từ chối tôi từ lúc tôi mới lọt lòng. Từ thuở học trường mầm non, nhìn bạn bè mình, tôi ao ước được một người phụ nữ có tóc xõa, hình ảnh một người Mẹ, đưa tôi đến lớp mà không phải là người cạo tóc mặc áo nâu sồng như Cô tôi. Trong “Miếng da lừa”, Balzac có viết “trên đời không có gì trọn vẹn hơn sự bất hạnh” và những người trong cuộc như tôi mới hiểu trọn vẹn nghĩa của từ này. Tôi cũng chẳng được gọi người nuôi nấng mình là “Mẹ” mà gọi bằng “Cô”. Vẫn biết gọi bằng gì cũng chỉ là cái vỏ ngôn từ, nó có giới hạn và mang tính quy ước tương đối. Tôi biết có người cũng không gọi đấng sinh thành mình là Mẹ nữa cơ mà. Thế nhưng, có lẽ tôi quá tha thiết với tiếng “Mẹ” thì phải, nên tôi ao ước được gọi tiếng này. Niềm ao ước ấy mãnh liệt đến cháy bỏng trong tim! Tôi cứ suy nghĩ, giá như có Mẹ, ý nghĩ đầu tiên trong ngày tôi sẽ nghĩ về Mẹ, tôi sẽ có một ngày bình thản, an lành và hạnh phúc. Mẹ sẽ là người đầu tiên để tôi nghĩ về trong từng ý niệm và hành động. Tôi sẽ nhớ đến câu thơ “ai còn Mẹ xin đừng làm Mẹ khóc; đừng để buồn lên mắt Mẹ nghe không” để tự nhắc mình không làm Mẹ buồn. Tôi vẫn thường tưởng tượng như thế và cảm thấy con tim rộn rã niềm vui!
Vì không có Mẹ, tôi thường nghĩ đến Mẹ với những gì đẹp nhất, thánh thiện nhất, trọn vẹn và tuyệt đối. Một làn gió mát nhẹ thoảng qua, tôi nghĩ đó là hơi thở của Mẹ. Một ánh trăng tròn dịu dàng tươi mát, tôi nghĩ đến khuôn mặt Mẹ. Nhìn bầu trời bao la, đất mênh mông, tôi nghĩ đến tình cảm dạt dào của mẹ, chỉ cho đi mà không mong nhận lại bao giờ. Đúng như câu thơ của Thanh Nguyên, “Mẹ có nghĩa là duy nhất; Một bầu trời, một mặt đất, một vầng trăng”. Mấy cành liễu yếu rung rinh nhè nhẹ trước sân, tôi nghĩ đến mái tóc mẹ xõa bay trong gió. Một áng mây chiều nhẹ nhàng vắt ngang lưng trời, tôi nghĩ đến bàn tay Mẹ ấm áp ôm choàng lấy tôi. Một dòng suối róc rách chảy, đó là tiếng Mẹ cười…Hình tượng Mẹ trong tôi là thế đấy, nguyên vẹn và trong veo. Càng thấy hình tượng Mẹ đẹp, tôi càng khát khao. Tôi sưu tầm rất nhiều thơ ca, truyện ngắn dài, nhạc và họa về Mẹ. Tôi rất tâm đắc bức thư họa chữ “Mẹ” trông thật hình tượng và cảm động của nhà thư pháp Chính Văn. Qua bức họa, tôi “thấy” dáng Mẹ cong oằn để cưu mang, che chở đứa con thơ. Mẹ trong văn chương lung linh huyền diệu quá, đẹp và cảm động lắm vì ngôn ngữ về Mẹ là ngôn ngữ tự trái tim dâng đầy cảm xúc.
Chữ Mẹ - Thư pháp Chính Văn

Tôi không bi quan, nhưng sóng đời dập dềnh xô dạt, cuộc đời tôi có những chặng đường được kết nối toàn các chuỗi ngày mưa miên man không dứt, có lẽ vì cảm giác thiếu Mẹ tạo nên. Tôi không dám nhìn cảnh một người Mẹ nào đó trìu mến, ngọt ngào với con mình. Ghen tỵ à? tủi phận chăng? Tôi không hiểu hết cảm xúc của mình. Tôi đang sống trong tình cảm dạt dào yêu thương của Cô, mà dường như bao nhiêu cũng không thể nào sánh với tình cảm của Mẹ hiền trong trí tưởng tượng của con thơ. Tôi không đủ can đảm để nhìn cảnh sum vầy ấm áp ấy khi tâm hồn tôi rét mướt và đơn côi trong giá lạnh vì thiếu đi lá chắn chở che của Mẹ. Có ai biết mắt tôi có màu gì không nhỉ? Màu u buồn của một tuổi thơ không có hoa và bướm; màu ảm đạm trong thiếu thốn tình cảm thiêng liêng của Mẹ; màu hổ phách của ráng chiều tà soi qua một tâm hồn cô quạnh; màu rất lạ không có tên gọi khi không có hơi ấm của Mẹ như bao bạn bè được Cha Mẹ chăm sóc yêu thương.
Tôi có mẫn cảm lắm không, lòng chạnh buồn, nước mắt chực trào ra khi bạn bè cùng lớp nói với nhau những lời như chúng có mắt giống Mẹ nhưng khuôn mặt thì giống Cha…Tôi thèm được biết tôi giống Mẹ điểm nào, giống Cha nét gì, không chỉ để “góp vui” vào câu chuyện với bạn bè. Tôi cũng chẳng có được một mảy may thông tin lớn nhỏ gì về họ tộc hai bên nội, ngoại của mình để rồi thấy hình thể mình có vương một chút gì na ná, giông giống với cô chú cậu dì như bao người khác. Tôi mang họ của người nuôi nấng tôi mà tôi gọi là “Cô” và rồi không biết chính xác Cha Mẹ tôi họ gì nữa. Không một dấu vết nào ngoài sự có mặt của bản thân tôi là duy nhất. Nếu người nào có Cha Mẹ bạc phận sớm giã từ cuộc đời, nấm mồ xanh, dù có hoang liêu rong phủ, cũng là niềm an ủi và là dấu ấn của một thời hạnh phúc đã trôi qua. Đến như thế cũng là một may mắn rồi. Dù sao, họ có cả một kho tàng kỷ niệm đẹp, nếu không muốn nói là rất đẹp của một thời có Mẹ có Cha. Nếu ai đó không ở vào hoàn cảnh của tôi chắc không bao giờ hiểu được tâm trạng này đâu nhỉ? những điều tôi thèm khát có thể quá ư tầm thường nhỏ nhen, và là lẽ đương nhiên đối với bao người khác, khi họ có dư dả những điều tôi thiếu thốn.
Tôi tập sống hài lòng với hiện tại, với những gì tôi may mắn có được mà khi ‘nhìn xuống’ tôi hiểu rằng không phải đứa trẻ nào muốn cũng có thể được như tôi. Tôi được nuôi nấng, dạy bảo, chu cấp những nhu yếu trong cuộc sống đời thường và được cắp sách đến trường như bao cô bé cùng tuổi khác. Song, đời sống tinh thần tôi lắm lúc nghèo nàn và hoang vu trống trải, nhiều khi nặng trĩu với những ý tưởng ngổn ngang. Với một vài người, tôi cũng có thể tâm sự những điều thầm kín, riêng tư nhưng trong trí tôi, những người này cũng không thể thay thế vị trí một người Mẹ. Tôi tin rằng, nếu có Mẹ, tôi có thể san sẻ tất cả, bộc bạch hết nỗi lòng mình để được hiểu và được cảm thông. Nếu có Mẹ, tôi sẽ vùi vào lòng Mẹ mà khóc mỗi khi thất bại, tôi sẽ vui cười sẻ chia trong những lúc thành công. Có Mẹ, tôi sẽ thật sự là tôi trong mọi lúc mà không cần đóng vai một người nào khác, đơn giản chỉ vì Mẹ có thể chấp nhận tôi dù con của Mẹ có thế nào đi nữa. Không có Mẹ, tôi đành giữ một góc sâu kín trong lòng cho những nỗi niềm riêng tư trú ẩn. Càng ngày, tôi trở nên kém tự tin, ít cởi mở và sống khép kín hơn khi bên mình không có một trái tim yêu thương và tấm lòng bao dung chở che của Mẹ. Khát vọng về tình Mẹ quá mãnh liệt trong tôi, nó ám ảnh, rưng rức trong tim như những con sóng ngầm cứ từng đợt ùa về trong tâm thức, trỗi dậy ở lúc này nhưng rồi dịu êm vào khi khác, không theo một chu kỳ nào trong dòng cảm xúc của tôi cả.
Trời Sài Gòn chiều nay, mưa thu không ồ ạt, không mạnh bạo như cơn mưa chiều hạ, nhưng nó day dứt trong chiều xám sẫm màu tim tím. Mưa tả tơi trên hàng cây, mưa len nhẹ trên phiến lá, mưa rũ buồn trên vách nhà, mưa nghiêng hạt lang thang trên đường phố, mưa xuyên thấu lòng cô quạnh của một người con lạc lõng vì thiếu hơi ấm trái tim một người Mẹ như tôi. Lòng chênh vênh giữa đất trời bao la thăm thẳm. Nhưng dù sao tôi cũng phải đi, đi giữa lòng cuộc đời, mưa gió tả tơi mà tâm hồn cô quạnh…
Trong cuộc đời này, tôi đã nhiều lần vấp ngã. Trong những lần ấy, tôi cố gắng vươn người chống đất đứng lên. Cũng có khi nhiều người đã giúp tôi vực dậy, lau khô nước mắt, băng bó những vết thương trên thân thể và trong cả tâm hồn. Vết thương trên cơ thể hay trong tâm hồn rồi cũng sẽ lành, nhưng tôi vẫn hằng mang nặng niềm ước ao có được bàn tay Mẹ ấm dịu lau nước mắt cho tôi, vỗ về xoa dịu vết thương cho tôi thì lòng tôi sẽ ấm áp hơn và chắc hẳn tôi sẽ có nghị lực, tràn đầy niềm tin và sức sống mãnh liệt hơn sau mỗi lần vấp ngã.
Tôi không biết có đứa trẻ mồ côi nào lại trách Mẹ mình khi được sinh ra trong thời hòa bình chẳng phải do loạn lạc chiến tranh mà vẫn phải chịu cảnh mẫu tử phân ly như tôi không? Riêng tôi, lúc còn nhỏ, tâm trách hờn vì sao Mẹ bỏ tôi vẫn thỉnh thoảng gợn lên như vài con sóng nhỏ lăn tăn vỗ bờ tâm thức. Khi lớn hơn một chút, tôi hiểu tâm lý trách hờn ấy xuất phát từ niềm ước ao cháy bỏng nơi tôi không được toại lòng: ước mơ có Mẹ! Giờ đây, một ý niệm tiêu cực về Mẹ, dù rất nhỏ, cũng không có trong tâm tôi. Tôi hiểu ít nhiều về nhân duyên và nghiệp báo, không nghĩ rằng Mẹ là người duy nhất chịu trách nhiệm hoàn toàn về sự có mặt lẻ loi của tôi trong kiếp sống hiện tại này. Tôi cảm thấy bất hạnh hơn nhiều đứa trẻ khác, nhưng không nghĩ đó là một sự “không may mắn”. Nói cho cùng, làm gì có “may mắn” hay “không may mắn” trong vòng xoay vô cùng tận theo luật nhân quả này nhỉ?
Khi đủ trưởng thành để hiểu về sự có mặt của mình, tôi càng thương quý và biết ơn Mẹ nhiều hơn. Tôi biết chắc chắn một điều là Mẹ thương tôi nhiều lắm. Vì quá thương tôi, Mẹ đã phải chịu đựng nhiều áp lực, đấu tranh với chính mình để bảo toàn mầm sống cho đến lúc tôi được tách ly khỏi cơ thể Mẹ để có mặt trên cuộc đời này. Có lẽ cũng vì áp lực nào đó Mẹ đành phải xa tôi như thế này, vì có người Mẹ nào chấp nhận xa con khi “cuống nhau liền với cuống tim”? Sự hy sinh ấy là một biểu hiện của tinh thần trách nhiệm, của ý chí và nghị lực, một hành vi chấp nhận những lầm lỡ của Mẹ. Những gì Mẹ mất mát và chịu đựng là để đưa tôi đến với cuộc đời. Ngót hai mươi năm trước, chắc hẳn xã hội còn khắt khe nhiều với những người mẹ đơn thân, nên tôi hiểu việc Mẹ chấp nhận rời xa tôi để cả tôi và Mẹ có được cuộc sống an ổn là một chọn lựa vô cùng khó khăn của Mẹ.
Mẹ đã hy sinh để cho tôi sự sống; vì vậy, tôi tự nhắc mình sống sao cho ra sống. Tôi phải thừa hưởng ý chí và nghị lực của Mẹ để không quỵ ngã sau mỗi lần thất bại. Tôi sống đây là sống cho cả Mẹ tôi, vì tôi là sự kết nối của tổ tiên mà gần nhất là Cha Mẹ. Tôi cố gắng để sống thật xứng đáng với sự hy sinh của Mẹ đã đổi lấy cuộc sống cho tôi. Không hiểu bằng linh cảm hay chỉ là ảo giác mong manh tự trong tâm thức, tôi tin rằng Mẹ tôi vẫn dõi theo từng bước chân đi của tôi trong cuộc đời. Rất có thể, nếu bây giờ Mẹ có một gia đình, do áp lực cuộc sống, không muốn hạnh phúc gia đình tan vỡ, Mẹ không thể đến và nói với tôi rằng “con là con của Mẹ”. Thế cũng cả một niềm đau đến tột cùng của một người Mẹ đã từng mang nặng đẻ đau rồi, tôi nghĩ thế. Tôi nguyện sống để bù đắp những mất mát quá lớn lao mà Mẹ đã chịu đựng vì tôi.
Tôi mang ơn những người xung quanh mình nhiều đến nỗi biết mình sẽ không bao giờ trả hết. Tôi biết ơn những người đã nuôi nấng, đùm bọc, chở che tôi ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất. Tôi cũng cám ơn cả những người đã dạy tôi hiểu giá trị của một con người, của cuộc sống, của ý chí, nghị lực, của gian lao và thử thách. Cám ơn tất cả những bàn tay và tấm lòng đã nâng đỡ và che chở đời tôi suốt mười mấy năm trời mưa nắng. Thế nhưng, có lẽ hai người trong cuộc đời tôi  mang ơn nhiều nhất, đó là Mẹ tôi, người có công ‘sinh’ và Cô tôi, người có công ‘dưỡng’. Với Cô tôi, tôi sẽ đền đáp ơn nuôi dưỡng như bao đứa con khác đối với đấng sinh thành của mình. Còn Mẹ tôi? Tôi xin cám ơn người Mẹ đã mang tôi đến thế gian nầy, dù rằng Mẹ đã từ chối tôi trong một hoàn cảnh ngặt nghèo nào đó mà tôi chưa bao giờ hiểu hết. Tôi sẽ trả ơn Mẹ bằng chính cuộc sống của tôi, bằng nỗ lực vươn lên trên con đường thiện lành giữa muôn ngàn cám dỗ của thế gian.
Mười tám năm trời trôi qua, tôi không có một chút thông tin gì về Mẹ. Mơ ước gặp lại Mẹ trong tôi không vì thế mà héo mòn. Như một bản năng, tôi vẫn cần mẫn nuôi nấng tia hy vọng, đợi chờ cùng năm tháng thời gian: một ngày nào đó, tôi biết được sự thật về nguồn cội của mình, về người đã đưa tôi đến cõi sống này. Khi ấy, từ sâu thẳm của trái tim, tôi thỏa lòng cất tiếng gọi thiêng liêng nhất của mỗi một con người: tiếng “Mẹ”!
Vu Lan về, tôi chọn đóa hoa hồng cài trên ngực áo. Màu thắm đấy nhưng lòng nghe xót xa thổn thức, bởi lẽ tôi chưa bao giờ thực sự cảm nhận được tình Mẹ. Thế nhưng, màu hoa ấy đã nhắc nhở tôi sống xứng đáng với Mẹ và chính màu hoa ấy nuôi niềm hy vọng trong tôi. Tôi cảm nhận mỗi bình minh là mở đầu một ngày mới với bao điều mới mẻ. Một ngày nào đó, biết đâu phía cuối đường hầm, tia hy vọng le lói của tôi có thể thành hiện thực: tôi tìm được Mẹ trong cuộc đời này!