Thursday, September 21, 2017

SỐNG TỬ TẾ

Cần có ý thức: mình muốn nhận sự tử tế từ người khác thì phải sống tử tế
Thường thì ai cũng tự thấy, tự nhận mình là tử tế, tốt đến mức hoàn thiện hoặc gần hoàn thiện và muốn người khác công nhận mình là người như thế, mà thật ra, không mấy ai chịu sống tử tế, sống cho ra sống cả!
Ở đời có khối kẻ trông thật hài hước, ở chỗ họ sùng bái sự tử tế nhưng họ chẳng bao giờ tôn trọng hay biết sống tử tế. Họ luôn nhờ hay nhường cho người khác tử tế thay cho mình! Thi thoảng, do thấm nhuần văn hóa xã giao, họ dấy lên tí xúc động, hoặc làm ra vẻ xót thương, để phô diễn mình là người tử tế! Thế nhưng rất nhanh sau đó, họ sống đúng với bản chất con người họ: không cần phải tử tế mà đòi hỏi sự tử tế từ người khác.
Luận Ngữ chép rằng, khi Trọng Cung hỏi Khổng Tử thế nào là nhân, Khổng Tử đáp: “kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (điều gì mình không muốn [người khác làm cho mình], đừng làm cho người). Là người tử tế, cần thể hiện lòng nhân theo nguyên tắc trên. Điều này cũng có thể ngầm hiểu rằng, kỷ sở dục, khả thi ư nhân (điều mình muốn người khác làm cho mình, thì mình cũng nên làm cho người khác). Muốn  nhận sự tử tế từ người khác thì bản thân mình trước hết cần phải sống tử tế. Muốn có bạn tốt, điều kiện đầu tiên, chúng ta phải là người bạn tốt trước đã.
Nguyên tắc thì ai cũng biết rành, hiểu rõ, mà ứng dụng trong cuộc sống thật xa vời. Ai cũng biết tác hại của cồn ethylic trong rượu đối với sức khỏe con người, nhất là những bệnh liên quan đến gan. Thêm vào đó, người say xỉn thì không đáng tin cậy, thể hiện phần nào nhân cách bê bối, mà mấy ai biết nói “không” với rượu. Trên bao thuốc lá, dòng chữ “hút thuốc lá có thể gây ung thư phổi” với size chữ to chiếm diện tích khá lớn ở vị trí dễ thấy nhất, người ta vẫn phì phèo mỗi ngày mấy gói, mặc dù vẫn sợ ung thư phổi! Sợ bệnh sợ chết thì có, mà giảm hoặc bỏ hút thuốc thì không! Đây là tâm lý thường tình ở con người. Họ vẫn biết tử tế là một phẩm chất tốt, nhưng cũng có nhiều thiệt thòi khi sống tử tế, nhất là khi xung quanh ta, văn hóa chụp giựt bao trùm khắp nơi, lối nghĩ cạn, sống ẩu được chọn lựa, thì người sống tử tế ngày càng ít đi.
Trong phạm vi bài viết này, tôi bàn về một số biểu hiện phổ biến của người sống tử tế:
Sống tử tế, trước hết là sống thật với chính bản thân mình
Nếu chúng ta mãi nói dối, sống giả, tôn vinh những giá trị ảo và lúc nào cũng trét lên con người mình lớp ngụy tạo để ra vẻ hoàn hảo, không thật thì chúng ta góp phần vào việc duy trì những điều dối trá, cổ xúy một lối sống không cao thượng và tệ hại trong xã hội. Ai cố gồng mình sống như vậy và xem đó là cách để phô diễn mình khi có mặt trên cuộc đời này thì đến cuối đời, khi gần đất xa trời, sẽ cảm thấy hối hận vì mình đã không dám sống thật là mình. Như vậy, hơn lúc nào như lúc này, hãy khởi đầu việc sống tử tế bằng cách nói những điều thật lòng, sống chân chất, dù phải chịu thiệt thòi về bản thân mình. Phải có đủ bản lĩnh để sống bình yên ngay cả khi mình không giống đám đông. Với nhiều người, kỹ năng sống là biết sống vừa lòng người khác. Tôi thì không nghĩ như vậy, mà tôi tin kỹ năng sống là biết sống thiện lành, sống chân thật, nhẹ nhàng mà không làm tổn thương đến người khác. Sống trọn vẹn, toàn tâm toàn ý với chính bản thân mình và với người xung quanh là một trong những biểu hiện của người tử tế.
 Sống tử tế là chịu trách nhiệm về những gì mình đã làm
 Trong cuộc sống, tôi từng chứng kiến bao người chối bỏ trách nhiệm khi kết quả không như ý. Ngay cả với một số người không đến nỗi tồi, ấy thế mà khi có chuyện xảy ra, họ chối phăng trách nhiệm, như thể là người vô can, mà trước đó, họ có thể là một trong những người khởi xướng và khá tích cực tham gia. Xét bản thân mình, trong một số tình huống, tôi cũng phải nhiều lần tranh đấu tư tưởng, khá khó khăn mới nói được: tôi trách nhiệm việc này. Dù vậy, tôi luôn nhắc mình cần phải dứt khoát, nhận lãnh trách nhiệm về mình, vì trốn tránh trách nhiệm là một người hèn. Hơn thế nữa, không chịu trách nhiệm về những gì mình đã làm thì ta không có được bài học nào, chẳng bao giờ tiến bộ được trong cuộc sống. Khi và chỉ khi nào suy nghĩ thật chín vấn đề cần làm và chọn giải pháp tối ưu nhất, ta mới quyết định thực hiện. Khi ấy, kết quả thế nào, ta phải mạnh dạn nhận lãnh trách nhiệm. Đừng đổ lỗi cho người khác mà bất nhân bất nghĩa, đừng đổ lỗi cho hoàn cảnh mà tội nghiệp, vì chúng không có ngôn ngữ để tự biện hộ cho chính mình!
Sống tử tế là tôn trọng và đối đãi đúng mực với người khác
Ai cũng biết quý bản thân mình và những gì thuộc về mình, nên lấy tâm lý này để sống mà đừng làm tổn thương người khác. Hãy tôn trọng quyền con người, coi mỗi người đều là bình đẳng, lợi ích phải được tôn trọng và bảo vệ như nhau. Mình muốn được tôn trọng thì đừng xúc phạm người khác. Một ai đó được sinh ra trên đời này không phải để dành cho người khác muốn chà đạp thế nào cũng được.
Sống tử tế còn thể hiện ở sự đối đãi đúng mực với người khác. Con người thường hay mắc vào cái chủ quan, cứ khăng khăng theo lập trường của mình mà làm việc, và tệ hơn là muốn người khác làm theo ý mình. Trước một vấn đề, ta thường tìm một lý do, nhân danh thiện chí, một ý nghĩa tốt đẹp để thay người khác suy nghĩ nhưng cuối cùng cũng chỉ vì góc độ suy nghĩ của chính ta mà thôi. Ta đang thổi phồng cái bản ngã của chính mình mà cứ ảo tưởng rằng đang đem lại hạnh phúc cho người khác. Đó là sự bao cấp suy nghĩ, bao cấp tư tưởng! Điều này cho thấy ý nghĩ về độc lập cá nhân đôi lúc không có lối tương thông với tha nhân, dẫu có nhiều thiện ý, con đường tương thông vẫn bế tắc.
Đừng để cảm tính lấn át lý trí khi nhìn nhận, đánh giá người khác. Mang cặp kính màu cảm tính là đánh mất đi sự tử tế nơi mình. Dân gian ta đã đúc kết “khi thương trái ấu cũng tròn, ghét thì bồ hòn cũng méo”. Hoặc “thương ai thương cả đường đi, ghét ai ghét cả tông ti họ hàng”. Tương tự như vậy, “thương nhau cau sáu bổ ba, ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười”. Khi ta còn cảm tình với ai đó thì cái gì nơi người ấy cũng hay, cũng tốt hoặc chí ít cũng chấp nhận được. Ghét nhau rồi thì lôi ra bao nhiêu là chuyện xấu, không hài lòng về nhau, kể cả những việc vụn vặt nhất. Có khi bình tâm nghĩ lại, không khỏi giật thót mình là hổ thẹn: sao mình nhỏ mọn thế! Tránh được điều này mới mong trở thành người tử tế. Vượt qua tâm lý tầm thường, hèn mọn theo kiểu: thương thì hết lòng ủng hộ, ghét thì công kích không thương tiếc để làm người tử tế. Nên giữ biên độ dao động của tâm ở một chừng mực lý trí có thể kiểm soát được, tránh cực đoan thái quá bất cập, chừng mực trong đánh giá. Thật không dễ để làm người tử tế!
Sống tử tế là không làm tổn thương người khác
Để làm người tử tế, hãy bắt đầu bằng những nguyên tắc đơn giản nhất: không gây hại cho người khác để thanh thản nhận rằng “tôi là người tử tế!”
Mỗi ngày, chúng ta có biết bao cơ hội để đối xử tử tế với người khác. Thế nhưng, dường như nhiều người chỉ biết nghĩ đến mình. Hầu như ở đâu bạn cũng thấy điều đótừ sự vô liêm sỉ của những kẻ lừa gạt đến cách lái xe hung hăng của người ta, từ cách nói năng thô lỗ cho đến tính khí dễ nổi nóng, từ những toan tính vụng về đến những lời nói khéo che đậy những mưu mô...
Tinh thần ích kỷ cũng có trong những mối quan hệ thân thiết: quan hệ huyết thống, quan hệ gắn với trách nhiệm bổn phận, quan hệ bạn bè… Có khi tình cảm đang tốt đẹp, bỗng dưng trở nên dông bão, hoặc băng giá chỉ vì một người hoặc nhiều hơn trong quan hệ ấy cảm thấy mình “đáng được hơn thế” vì mình đã sống quá tốt, quá chu toàn, quá… và quá… tử tế đối với người kia. Khi nào cán cân cũng xô lệch về mình vì chúng ta có khuynh hướng lấy bản thân làm trục xoay trong nhận định và đánh giá. Trong trường hợp này, với danh nghĩa trách nhiệm, bổn phận, sự quan tâm… giữa những người thân yêu dành cho nhau dư dả thiện chí và cảm tình, lại đang làm tổn thương đến nhau. Đây là nỗi đau âm ỷ như một căn bệnh mãn tính về tinh thần với các mối quan hệ không thể chặt đứt bứt rời.
Sống tử tế chỉ có thể khi chúng ta tự nhắc mình và nhắc nhau
Khi con người quá chuộng bề nổi thì những giá trị nhân bản chìm dần vào bên dưới. Khi sự đãi bôi và làm hài lòng nhau trên bề mặt theo kiểu bằng mặt chưa chắc bằng lòng lên ngôi, người ta hiểu họ thiếu chân thật và biết chắc những gì họ đang nhận cũng mang tính xã giao mà thôi, nhưng họ chấp nhận và hài lòng như thế, sống tử tế đúng nghĩa trở nên hiếm dần, như một thứ xa xỉ trong xã hội. Khi sự giao đãi, sự lợi dụng nhau đang lớn dần lên trong môi trường sống xã hội thì sự tử tế dần ít đi và chỉ hiện diện ở những người sống chậm, sống ẩn và sống lùi vào bên trong. Đây là cách sống thâm trầm mà một bộ phận rất nhỏ trong xã hội chọn lựa.
 Khi sự không-tử-tế lan tràn, ta có nên chán nản, mất niềm tin vào con người, vào cuộc sống không? Một buổi sáng thức dậy, đôi khi bạn sẽ tự hỏi mình, ngày hôm nay sẽ biết bao người cười xã giao với bạn? Bao người sẽ mời bạn đi ăn ở một nhà hàng sang chỉ để nhờ vả bạn một điều gì đó? Bao người gặp gỡ bạn chỉ để mong có tình thân hữu nhưng thực tế thì đang ngấm ngầm mưu lợi riêng tư? Gần như những sự không-tử-tế luôn bủa vây lấy ta và nếu không vững tâm bền chí, ta không thể tử tế được nữa.  
Thực ra thì tôi luôn tin, sự tử tế chẳng bao giờ chết cả. Đó cũng là một vẻ đẹp bất tử. Dù ít, dù nhiều, nó vẫn hiện diện ở đâu đó, trong ngõ ngách nào đó nơi tâm con người, không ở hình thức này thì tiềm tàng ở hình thức khác. Nó nằm sâu kín nhất trong sự cảm thông, tha thứ, yêu thương và che chở. Ai đã từng chứng kiến những con người độc ác nhất thể hiện các cung bậc tình cảm này, có thể chỉ một lần trong đời, ta đủ hiểu sự tử tế vẫn còn hiện diện nơi những con người ấy, dù nhỏ nhoi và yếu ớt. Do đó, hãy vững tin rằng: ta có thể sống tử tế, nếu biết cách nuôi dưỡng, chăm sóc mầm sống-tử-tế trong ta từ trong nhận thức bằng cách tự nhắc mình và nhắc nhau: hãy sống tử tế!
Triết gia người Đức Friedrich Nietzsche (1844-1900) phát biểu rằng sự tử tế và tình thương yêu là “most curative herbs and agents in human intercourse” (những tác nhân và loài thảo mộc có khả năng trị liệu tốt nhất trong giao tiếp giữa người và người). Trước khi qua đời, tác gia người Anh Aldous Huxley (1894-1963) đã hồi tưởng lại cuộc đời và rút ra một điều rằng “let us be kinder to one another” (hãy tử tế với nhau hơn nữa). Có một câu nói rất hay của Abraham Joshua Heschel là “When I was young, I used to admire intelligent people; as I grow older, I admire kind people.” (Ngày xưa còn trẻ, tôi thường khâm phục những người thông minh; giờ khi tôi lớn khôn hơn, tôi ngưỡng mộ những người tử tế). Chúng ta tin rằng, cuộc sống ý nghĩa là phải làm được những điều lớn lao, nhưng sự thật là, điều quan trọng và lớn lao nhất đối với một cuộc sống, đó chính là sự tử tế. Khánh Ly có lần kể lại, lời nói đầu tiên Trịnh Công Sơn nói với cô là “sống trong đời sống cần có một tấm lòng” và lời nói sau cùng của ông với nữ ca sĩ này là “hãy sống tử tế với nhau” và cô luôn nhớ và sống đúng như vậy.
Gần đây, tôi có dịp xem lại phim tài liệu “Chuyện tử tế” của đạo diễn Trần Văn Thủy, tôi vẫn còn nguyên vẹn cảm xúc như lần xem đầu tiên…
Tôi xin trích lại vài câu trong phim này chia sẻ ở đây:
“Khi đời sống tồi tệ bất công thì nhân tính bị xói mòn, thiện ác lẫn lộn. Chống sự suy thoái của đời sống chính là chống sự xói mòn nhân tính.”
“Chúng ta còn khốn đốn nếu có nhiều người không thật, nếu có nhiều điều không thật, nếu có nhiều sự việc không gọi bằng đúng cái tên thật của nó.”
“Làm sao để khi từ giã thế giới, ta không chỉ nằm xuống như một người tử tế, mà điều quan trọng là ta có thể từ giã một thế giới tử tế hơn, trong đó con người được chăm lo hơn.”

Ai muốn coi file video thì vào đây:

Và đây là quan điểm của tôi: Dù rằng đạo đức xã hội đang suy thoái dần, nhưng khát vọng về một xã hội “tử tế” với những con người “tử tế” chắc chắn vẫn còn nguyên vẹn trong tâm mỗi người. Làm con người, có sức khỏe, tri thức, trí tuệ, tình cảm, tâm linh, ý chí và nghị lực mà không chịu sống tử tế thì uổng phí lắm!!!

Dù phải đón nhận nhiều nụ cười “công nghiệp mỗi khi gặp người... quen lẫn người chưa quen, ta vẫn cứ phải sống tử tế mỗi ngày. Hiểu sự đời là như thế rồi thì đâu có gì để quá... bận lòng!