Tổ sư Minh Đăng Quang đã rất coi trọng
Pháp bảo: “Pháp bảo là thầy của Phật, là
thầy của Tăng và chúng sanh. Vậy nên chúng ta mau mở trí ra mà chứa đựng Pháp bảo.
Vì trong đời Pháp bảo là quý hơn hết” (Chơn Lý –
Có và không, tr. 94). Vì lẽ đó, đức Tổ sư chọn con đường độ sanh qua các phương tiện giáo dục, lấy Bát chánh đạo làm tôn chỉ trong sự hành trì, khuyến tấn mọi người siêng năng nghe pháp, thực hành
pháp để chuyển hóa tự tâm.
Sự chú trọng đến giáo dục được thể
hiện trong việc đức Tổ sư dạy về các hạng mục cần xây dựng trong một ngôi tịnh
xá. “Tịnh xá phải tám thước, vuông bốn
phía, hình bát giác. Có nhà giảng
thuyết pháp, góc vuông mười sáu thước” (Luật nghi Khất sĩ). Trong tịnh xá
nhất thiết phải xây dựng nhà giảng đã nói lên tinh thần lấy giáo dục làm hàng đầu
trong sự tu tập và hoằng pháp. Đây là chỗ để chư Tăng trụ xứ, tức là những vị
Khất sĩ không đủ sức khỏe đi du phương nên phải ở một chỗ, thực hiện bổn phận dạy
dỗ cư gia, mà Ngài gọi là Bồ tát trụ xứ (Luật nghi Khất sĩ). Chính hình ảnh dạy
dỗ cư gia bá tánh, “thuyết pháp cứu độ
đông người theo lòng mong cầu của họ” (Chơn Lý – Cư sĩ, tr. 255) đã biểu hiện tinh thần truyền trao giáo pháp cho
mọi người, và cũng chính là hình ảnh giúp cho thế nhân thắp sáng lên ngọn đuốc
trí tuệ, soi sáng lộ trình tiến hóa cho nhân sanh.
Nỗ lực của đức Tổ sư là làm tái hiện nếp
sống tăng đoàn thời Phật. “Thuở
xưa hồi Phật sanh tiền, Phật và Tăng chỉ thuyết pháp, đem chơn lý dạy cho người
tu tấn hóa, chớ không có thờ phượng chi cả; các người đi đi mãi không ở trụ một
chỗ; tịnh xá người ta cất ra, để thỉnh Phật Tăng đến nghỉ chơn, và dạy đạo; tịnh
xá làm bằng cây lá sơ sài, gồm cả một khu vườn rộng, cốc am, nhà giảng; nhà giảng
là nhà mát trống rộng để che mưa nắng, trong khi giảng đạo tạm thời, khi nào
các Ngài đi, thì bỏ hết, vì Tăng chúng luôn luôn theo Phật”
(Chơn
Lý – Tông giáo, tr. 369-370). Cho nên Ngài mới nói: “Khất sĩ là kẻ thi
hành pháp thí, ban bố tinh thần, tạo sự sống linh hồn cho muôn loại” (Chơn
Lý – Y bát chơn truyền, tr. 194).
Chú trọng đến việc dạy pháp cho người cư sĩ, trên đường du hóa, đức Tổ sư và chư đệ tử Ngài luôn thuyết giảng kinh pháp khi có Phật tử đến hỏi đạo. Khi nào có dịp quy tụ Phật tử là Ngài giảng, bất luận đó là đâu. Có khi ở rạp hát, có khi ở đình, miễu, có lúc ở công viên, cũng có khi ở sân vận động. Ngài quy định, mỗi tuần vào ngày chủ
nhật có giải đáp thắc mắc cho người phật tử học pháp, mỗi tháng 4 ngày cúng Hội
(cúng thường kỳ mỗi tháng 4 lần; trong ngày này, Phật tử tùy tâm dâng vật thực thanh đạm cúng dường
chư tăng ni) đều phải có thuyết pháp. Điều
này còn được đức Tổ sư đề cập qua lời dạy: “Tại
chùa, những ngày 30, Rằm, mùng 8, 23, các sư có nói pháp cho cư gia” (Luật
nghi Khất sĩ). Tinh thần thuyết pháp trong các
ngày cúng Hội có tính truyền thống này còn được duy trì nguyên vẹn ở các tịnh xá nhằm
thể hiện tinh thần hoằng pháp giáo hóa nhân sanh của hàng Tăng sĩ.
Trong Di cảo (bản viết tay) của đức Tổ sư còn lưu lại về nội
dung “Tế độ cư gia” như sau:
1. Ba mươi, Rằm, Mùng tám và
Hai mươi ba, thuyết pháp cho cư gia từ 9 đến 10 giờ sáng, và chứng minh sự đọc
kinh.
Cúng dường cầu nguyện cho cư
gia.
2. Ngày Chúa nhựt: trả lời câu hỏi của cư
gia, từ 9 đến 10 giờ sáng.
3. Ngày thường: sáng sớm
đi khất thực, trưa độ cơm, chiều 3 giờ đến 4 giờ dạy học. Tối xét việc đã qua;
khuya nhập định, gần sáng quán xét nhân duyên sẽ đến.
4. Thêm sự
viết sách phổ thông và đi du hành mỗi chỗ nửa tháng.
Với đức Tổ sư, thể hiện pháp trong đời sống
thường nhật, du hành hóa độ chúng sanh là bổn phận của người Khất sĩ. Ngài khuyến
tấn “hãy chất chứa
gia tài là Pháp bảo. Tạo tâm chơn là sự sống, giới hạnh làm chỗ ở, từ bi làm
quyến thuộc” (Chơn lý – cư sĩ, tr. 248). “Lòng từ bi bắt buộc người Khất sĩ, nhận lấy
phận sự tế độ chúng sanh, làm nghề nghiệp” (Chơn Lý – Trên mặt nước, tr. 303). Chính tinh thần nhận lấy trách nhiệm tế độ
chúng sanh nên người Khất sĩ đã phải vân du và dùng mọi phương tiện để thuyết
pháp độ sanh, từ việc sử dụng loa phát thanh để thuyết giảng kinh pháp tại các
hội trường cho đến việc giảng giải giáo pháp trong bữa ngọ trai hay cúng hội, bất
cứ lúc nào có dân chúng, phật tử câu hội về là chư tăng ni thuyết pháp. Tất cả
đều với mục đích giúp cho sanh chúng nhận thức rõ con đường xấu ác nên né tránh
và đạo lộ thiện lành nên đi để thiết lập đời sống an vui, hạnh phúc.
Vấn đề quan trọng là những thế hệ đệ tử kế thừa của hệ phái ý thức được tâm nguyện, tôn chỉ và tâm huyết của các bậc Tổ Thẩy để kế thừa và phát huy một cách tốt đẹp nhất.
“Duy tuệ thì nghiệp” là đây chứ ở đâu xa...