Tuesday, February 17, 2015

TỪ TÍN NGƯỠNG DARUMA ĐẾN TRIẾT LÝ CUỘC SỐNG

Tín ngưỡng Daruma
Người Nhật Bản có văn hóa tín ngưỡng daruma: ai cũng có thói quen giữ cho mình một daruma vào dịp đầu năm mới. Daruma là một loại búp bê có đáy tròn, được lấy ý tưởng từ tư thế ngồi thiền trong ý nghĩa chín năm quay mặt vào vách thiền định của Ngài Bồ-đề Đạt-ma, vị tổ đã có công đem thiền tông sang Nhật Bản. Daruma (だるま) là phát âm tiếng Nhật của chữ Dharma (Đạt-ma). Văn hóa daruma được hình thành sau khi thiền tông được truyền vào đất nước Phù Tang này hơn bốn thế kỷ.

Theo các nhà nghiên cứu Nhật Bản, thiền tông được truyền đến Nhật bản từ thế kỷ thứ XII, còn búp bê Daruma ra đời vào giữa thời đại Edo (1603-1867). Búp bê với hình thù và ý nghĩa đặc biệt có nguồn gốc Thiền tông này bắt đầu lịch sử từ chùa Daruma-ji (達磨寺), tại thành phố Takasaki do ngài Shinetsu khai sơn năm 1697. Người ta kể rằng, cứ mỗi dịp Tết đến, ngài Shinetsu vẽ hình đức Đạt-ma tọa thiền và cho phổ biến như một món quà tặng cho mọi người và gởi gắm lời chúc kiên định và quyết tâm đến tất cả. Người ta cho đó là sự khởi đầu cho sự lưu hành búp bê daruma ở Taksaki. Đến cuối thế kỉ thứ XVIII, ngài Yamagata Goro đã làm búp bê đầu tiên dựa theo gợi ý từ ngài Togaku và sau đó phủ giấy bồi lên. Thời Minh Trị, khi nghề nuôi tằm thịnh hành, người ta dùng búp bê daruma như là một biểu tượng để cầu mong cho mùa tơ lụa bội thu. Ngày nay, búp bê daruma trở thành nhu cầu không thể thiếu để cầu mong thành công trong học tập, kinh doanh và nhiều phương diện khác trong cuộc sống.
Búp bê daruma được người Nhật tặng nhau trong những dịp sinh nhật, dịp lễ tết hay khi một người bắt đầu sự nghiệp hay một chặng đường mới trong đời. Người ta có thể mua búp bê bình thường với mục đích giải trí, dùng làm đồ chơi cho trẻ em, nhưng búp bê daruma có mục đích đặc biệt và ý nghĩa rất riêng và dành cho tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi trong xã hội. Nó được xem như là một vật thể thiêng liêng và được rước về trong những ngày đầu năm mới với quan niệm mang lại may mắn, an lành và thành công cho thân chủ. Mỗi năm một lần, búp bê daruma được bán vào dịp tết ở trong chùa hoặc các hội chợ gần chùa. Người ta mua cho cá nhân hoặc công sở với nhiều mục đích khác nhau như cầu nguyện thi cử đỗ đạt, đắc cử chức vụ hay làm ăn phát tài, gia đình bình yên, hạnh phúc hay thầm nguyện một mong ước nào đó được thành tựu… Nói chung, người  Nhật thường gởi gắm vào vật linh này những mong ước của con người và đều hướng đến mẫu số chung là thành tựu viên mãn.

Cách thể hiện tín ngưỡng daruma trong văn hóa Nhật

Búp bê daruma có hình tròn, rỗng được làm bằng giấy bồi, đáy nặng. Từ tư thế ngồi kiết già theo kiểu ngồi thiền, hai chân bắt chéo lên nhau, hai tay xếp sát vào thân thể của ngài Đạt-ma, người ta mô phỏng và chế tạo búp bê Daruma theo dáng người ngồi tham thiền, nhưng không có chân tay. Chi tiết này còn biến tấu hơn cho đến hầu như chỉ còn lại là một con lật đật hình đầu người. Búp bê daruma được làm thủ công, bằng kỹ thuật bồi giấy truyền thống của người Nhật. Trên khung gỗ làm sẵn trước đó, người ta dán nhiều lớp giấy chồng lên nhau để tạo hình daruma như ý muốn. Để làm ra một con búp bê daruma, cần phải trải qua 18 công đoạn và tất cả đều được làm bằng tay. Chính vì vậy, mỗi con búp bê có một dáng vẻ riêng, không có hai búp bê daruma hoàn toàn giống nhau. Daruma có nhiều màu để mọi người lựa chọn nhưng tiêu biểu và được lựa chọn nhiều hơn cả vẫn là màu đỏ truyền thống. Màu đỏ có thể là bắt nguồn từ màu y của Bồ-đề Đạt-ma. Theo những tài liệu từ Nhật Bản thì màu đỏ chính là màu y của những vị cao tăng vốn được mọi người kính trọng.
Búp bê daruma khi được bán ở quầy chỉ có tròng mắt trắng, chưa vẽ hai con ngươi. Sau khi mua về,  khi những mong muốn đã được xác định, hay bắt đầu có quyết định làm việc gì đó quan trọng trong năm thì chủ nhân nó lấy bút lông đen vẽ con ngươi thứ nhất lên tròng mắt của daruma, thường là mắt phải, để gởi gắm nguyện ước của mình vào đó. Họ cũng có thể viết nguyện vọng hay mơ ước của mình bằng một vài từ vắn tắt lên má daruma và viết chữ cái đầu của tên mình lên cằm, rồi đặt daruma lên vị trí trang trọng và dễ thấy tại công sở, hoặc trên bàn thờ Phật trong nhà để cầu mong sự việc thành công viên mãn. Cùng với thời gian, sau khi điều ước nguyện được thành tựu, chủ nhân của daruma lấy bút lông đen tô lên con ngươi của tròng mắt còn lại, rồi đặt lại ở vị trí cũ.
Theo phong tục, đến cuối năm, búp bê daruma được đem về chùa, tập trung lại làm nghi thức hóa (đốt) daruma nhằm bày tỏ tâm thành kính để “báo cáo” với thần linh rằng người đó đã giữ trọn tâm kiên định và mong ước nay đã trở thành hiện thực. Như vậy, một năm cũ chấm dứt và năm mới lại bắt đầu với những mơ ước mới với những búp bê daruma mới được mua ở lễ hội đầu năm và đem về nhà. Nhiều nơi lấy cố định ngày mùng 6 và mùng 7 như ngày truyền thống để tổ chức hội chợ xuân daruma.
Nếu tâm nguyện của chủ nhân chưa thành tựu mà năm cũ đã hết, không sao, họ vẫn có thể đem daruma của mình về chùa với một con mắt đen, một con mắt trắng. Thế rồi trong lễ hội đầu năm mới, họ lại thỉnh một daruma mới về để tiếp tục gởi vào đó tâm nguyện con dang dở với quyết tâm cao hơn, ý chí nhiều hơn và hứa hẹn nhiều kinh nghiệm hơn để thành tựu mục tiêu của mình. Cũng có người chọn cách giữ daruma như là một kỷ vật sau khi thành tựu ước nguyện của mình để nhắc nhở bản thân có thêm động lực vượt qua thử thách, vươn đến thành công trong cuộc sống.

Triết lý cuộc sống qua tín ngưỡng daruma

Tín ngưỡng daruma trở nên ý nghĩa nhiều hơn khi chúng ta hiểu và vận dụng giá trị triết lý chứa đựng trong nét văn hóa này chứ không đơn thuần giữ một daruma cho mình như một cái bùa may mắn. Việc giữ daruma chỉ thật sự có ý nghĩa khi chủ nhân nó đặt vào búp bê daruma một điều nguyện ước quan trọng như là một mục tiêu cần hoàn thành trong năm, gởi vào đó một niềm tin thành tựu, với quyết tâm thực hiện bằng được nguyện ước của mình. Tồn tại với thời gian, tín ngưỡng daruma của người Nhật thể hiện sự hòa quyện, tiếp biến văn hóa Phật giáo vào đời sống của người dân xứ mặt trời là điều hiển nhiên không ai phủ nhận. Mặc dù việc giữ một búp bê daruma cho mình có ý nghĩa riêng với từng  người, giá trị triết lý chứa đựng trong tín ngưỡng daruma được thể hiện ở các phương diện sau.

Kiên định và quyết tâm

Qua tiểu sử và hành trạng của Tổ sư Đạt-ma, người ta đã tạo nên búp bê daruma có hình dáng rất đặc trưng với tư thế ngồi thẳng và vững chãi. Lấy ý nghĩa từ chín năm diện bích tọa thiền của Tổ Bồ-đề Đạt-ma, tư thế ngồi biểu trưng sức mạnh nội tại và sự kiên trì không mệt mỏi, không bao giờ chịu đầu hàng, bỏ cuộc trước khó khăn của cuộc sống. Sự kiên định của Tổ Đạt-ma xưa cũng rất phù hợp với bản tánh của người Nhật, nên búp bê daruma là biểu tượng ngầm chứa tính kiên định, vốn đóng vai trò quan trọng trong mọi thành tựu lớn nhỏ của cuộc sống. Vừa lấy bút lông vẽ con ngươi đầu tiên vào mắt phải daruma, vừa gởi gắm vào đó một nguyện ước như một cách sử dụng nội lực của mình, hạ quyết tâm cho một kế hoạch quan trọng, rồi đặt biểu tượng này vào một nơi trang trọng và dễ nhìn thấy nhất là thể hiện sự nghiêm túc và toàn tâm toàn ý với việc mình cho là hệ trọng trong năm.
Khi quan sát một daruma, có thể một số người chưa quen cảm thấy sợ đôi mắt, nhất là khi một tròng còn để trắng chưa tô màu. Thế nhưng, ánh mắt này chứa đựng một ý nghĩa rất thâm thúy. Với một cặp mắt trắng to, trông daruma như thể đang nghiêm nghị nhìn thẳng về phía trước, thể hiện sự quyết tâm cao độ, luôn hướng về phía trước để thực hiện mục tiêu đã đề ra. Chính cặp mắt nghiêm nghị quá mức của daruma này gây ấn tượng mạnh, như một chất xúc tác để chủ nhân nó vượt qua mọi chông gai hoàn thành tâm nguyện. Đặc biệt, khi một tròng mắt đã được tô màu, thì con mắt ấy như đang nhìn vào chủ nhân với ánh mắt đầy khích lệ để hoàn thành tâm nguyện. Trong những lúc chùng lòng, chùn bước và ý chí dần yếu đi khi trải qua đường dài thời gian mà không đủ hâm nóng tâm nguyện ban đầu thì chính ánh mắt ấy này không cho phép con người ta dễ dàng bỏ cuộc nửa chừng. Ai cũng hiểu rằng, tròng trắng con ngươi của mắt còn lại chờ đợi màu đen sẽ được tô lên khi tâm nguyện của chủ nhân nó được thành tựu, nên nhìn đôi mắt một con có tròng đen, một con có tròng trắng thì họ còn  miệt mài phấn đấu, kiên trì, chăm chỉ theo kiểu… rất Nhật Bản!

Vững chãi không quỵ ngã

Với đặc tính thân tròn, đáy nặng, trọng lượng của daruma tập trung ở phần đế làm tròn, tạo sức bật như con lật đật, để daruma luôn trở về vị trí đứng thẳng dù có xô ngã về hướng nào. Daruma biểu trưng cho ý chí, nghị lực đương đầu với khó khăn, trở ngại trong cuộc sống mà không bao giờ chịu thua hoàn cảnh. Daruma là hiện thân của sức mạnh nội tại và ý chí mãnh liệt, không chịu đầu hàng, ngay cả khi sa cơ thất thế họ vẫn có thể tự tin đứng dậy và vươn lên. Người Nhật đã sử dụng chi tiết này một cách linh hoạt và đúng ý nghĩa mặc dù vẫn rất đỗi đời thường.
 Trong aikido (hiệp khí đạo) có câu rằng “nanakorobi yaoki, jinsei wa kore kara da: 七転び八起き, 人生はこれからだ : ngã xuống bảy lần, đứng dậy tám lần, cuộc sống (đời người) bắt đầu từ đây”. Câu nói này được ẩn dụ từ hình tượng không bao giờ ngã của daruma. Cho dù mình có vấp ngã, lăn lộn trên đường đời như thế nào đi chăng nữa, thì cũng biết tự đứng lên và cố gắng hết sức hoàn thành tốt mục tiêu của bản thân mình. Cuộc sống có thể làm chúng ta chao đảo nhưng không bao giờ được quỵ ngã mà phải đứng lên bước tiếp về phía trước. Đó chính là điều mà biểu tượng daruma muốn gởi gắm đến chúng ta đó. Đây là sức sống của niềm tin, thái độ sống tích cực, kiên định và quyết tâm, không đầu hàng nghịch cảnh. Thắp sáng niềm tin là thức ăn tinh thần của mỗi người để đi đến đích. Với niềm tin không bao giờ chùn bước trước khó khăn, dù có bao lần thăng trầm với nghịch duyên, dù trập trùng gian nan do người thiếu thiện chí thiện tâm đem lại, ta vẫn không nản lòng. Nhìn hình ảnh daruma, ta tự nhắc mình, dù có dao động, bất an trong giây lát rồi cũng trở về với vị trí đứng thẳng, vững chãi giữa trường đời.
Muốn thành công ắt nhiều lần thất bại,
Có ngu ngơ rồi mới có ngày khôn,
Dù mưa ngập ướt đôi chân ta đó,
Vững niềm tin nắng vẫn tỏa trên đầu. (Liên Trí)
Dù có chao đảo nhưng ta sớm lấy lại cân bằng nếu ta biết dồn trọng lượng vào đôi bàn chân mình để đứng vững trên đất, thậm chí đó là nơi ta té ngã, cũng không vì thế mà nhụt chí nản lòng. Bản lĩnh đứng lên từ nơi ta ngã và sẵn sàng bước tiếp là thông điệp từ búp bê daruma vậy.

Tự kỷ ám thị tích cực: cách nuôi dưỡng niềm tin

Tại sao daruma được đặt ở một vị trí trang trọng, dễ nhìn thấy trong gia đình hay nơi làm việc? Đây không chỉ thể hiện sự trân quý ước mơ, nâng niu hoài bão, và nghị lực của chính thân chủ daruma, mà đây còn là một sự nhắc nhở thường xuyên theo cách “tự kỷ ám thị” tích cực để thêm ý chí, nghị lực trong quá trình hiện thực hóa nguyện ước của mình. Đi ra, đi vào ta đều nhìn thấy biểu tượng của ý chí, của quyết tâm, kiên định, của vượt khó để trau luyện nội lực và luôn tự nhắc mình sẽ không từ bỏ sự nỗ lực cho đến khi chạm tay đến thành công. Mỗi lần thấy hình ảnh daruma còn một con mắt trắng chưa tô màu, chủ nhân của nó như được tiếp thêm sức mạnh để thực hiện hoài bão, ước nguyện của mình. Tự kỷ ám thị tích cực là phương pháp nhắc tâm, hâm nóng tâm nguyện, xúc tác tinh thần để ta mạnh mẽ hơn trong cuộc sống cho đến lúc hoàn thành những hoạch định của mình. Nhờ tự kỷ ám thị tích cực, năng lượng quyết tâm thực hiện kế hoạch, hoài bão của mình không bị lực ma sát của cuộc sống (những chướng duyên tạo lực cản) bào mòn mà mình vẫn được gia cố năng lượng, tiếp sức mỗi ngày để tiếp tục phấn đấu, cho đến khi thành tựu mới thôi.
Tự kỷ ám thị là cách nuôi dưỡng niềm tin. Niềm tin là mẹ của mọi thành tựu, là bạn đồng hành của thành công, vì tất cả bắt đầu bằng niềm tin, tiến triển trong niềm tin và kết thúc với niềm tin. Niềm tin vào bản thân mình có thể làm được điều mình muốn sẽ có một vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống chúng ta. Niềm tin như hạt giống, mang theo một nguồn năng lượng tiềm năng, tiềm lực, hy vọng và niềm hăng say, là động lực hành động cho mỗi cá nhân. Niềm tin là tài sản quý báu nhất của mỗi con người vì nó song hành cùng với cả một quá trình cho đến lúc thành công. Đây là một thuộc tính tâm lý tích cực, trong sáng để nuôi dưỡng ý chí, thiện chí và nghị lực và quyết tâm của con người. Khi niềm tin là chất liệu tan chảy, hòa quyện trong con người, thấm vào máu vào xương ta thì khi ấy, niềm tin có sức mạnh vô cùng. Nó đẩy chúng ta đi tới, hiện thực hóa những ý tưởng của mình.

Nhìn lại và bước tiếp: nỗ lực không ngừng

Vào dịp lễ tất niên, người ta thường đem daruma đến chùa để hóa, dù lời nguyện có thành tựu hay chưa thành tựu, việc làm này đều có ý nghĩa. Nếu lời nguyện thành tựu, việc hóa daruma là hành động trình báo kết quả mỹ mãn họ đạt được với thần linh để sự nỗ lực, quyết tâm của họ được thần linh chứng giám và những nguyện ước mới trong năm mới lại hứa hẹn với sự nỗ lực không ngừng của bản thân.
Thế nhưng nếu bạn vẫn chưa thành tựu điều nguyện ước? Không sao cả, người Nhật khuyên bạn cứ việc mang daruma về chùa làm lễ đốt vào dịp cuối năm. Việc này sẽ giúp bạn có sức mạnh để thực hiện nguyện vọng hay mục tiêu của mình lần thứ hai nhanh hơn vì nó sẽ được bắt đầu với quyết tâm cao hơn! Trong dịp này, họ cáo với thần linh chứng minh cho sự nỗ lực không mệt mỏi của mình cho đến khi ước nguyện kia được thành tựu. Thế là họ thỉnh một daruma mới vào những ngày đầu năm và tái lập lời nguyện còn dang dở ở năm trước. Với kinh nghiệm dày dạn hơn, cùng với ý chí được trui rèn nhiều hơn, với quyết tâm cao hơn thì một búp bê daruma mới như là một động lực để thực hiện tiếp phần công việc còn lại đang dang dở kia là điều khả thi vậy.
Đem daruma về chùa đốt hay giữ lại cho riêng mình đều có ý nghĩa riêng của việc làm này. Nếu đốt daruma vào cuối năm, đây là cách người ta báo cáo thành tựu với thần linh trong ý niệm hạnh phúc viên mãn. Bên cạnh đó, có người có sở thích giữ lại cho mình búp bê daruma mà không đem về chùa đốt như phần lớn người Nhật vẫn làm. Việc cất giữ những con daruma lại là cách để người ta ghi nhớ những thành công và thất bại của mình trong cuộc sống với những bài học thực tế quý giá không gì đổi được. Nhờ vậy, mỗi khi nhìn vào những linh vật này người ta sẽ quyết tâm hơn và tự tin hơn trong những bước tiếp theo của cuộc sống. Do đó, đốt hay giữ lại daruma vào dịp cuối năm còn tùy vào mỗi người, miễn sao việc làm này tạo cho chủ nhân của những búp bê daruma có tâm lý thoải mái và có thể hỗ trợ tích cực cho tinh thần họ là được.

Giữ một búp bê daruma trong tâm

Tín ngưỡng daruma mang màu sắc Phật giáo mà người dân xứ này đã hấp thụ được một cách nhuần nhuyễn phù hợp với dân tộc tính của họ được các thế hệ tiếp nối xưa đến nay. Thông thường, người ta xem việc sở hữu một daruma trong nhà như là một biểu tượng của may mắn, thịnh vượng, thành đạt và viên mãn trong cuộc sống. Giữ vật linh búp bê daruma là một nét văn hóa đẹp, tuy nhiên, chỉ xem đây như một tín ngưỡng thì sẽ không có ý nghĩa nhiều so với triết lý sống có ý nghĩa biểu trưng đằng sau linh vật này. Ai cũng có thể sở hữu một búp bê daruma, nhưng chỉ có người nào biết phát huy nội lực tự thân với sự tác động tinh thần từ linh vật này mới có được lợi ích thiết thực. Với những ai xem đây thuần túy là một  biểu tượng đem lại may mắn cho mình, thì việc giữ bên mình một búp bê daruma làm bằng giấy bồi hay không giữ nó cũng không tạo nên sự khác biệt nào. Người ấy sẽ phải nhiều lần thay daruma mà rất có thể hoài bão cũng không thể thành hiện thực. Nếu người biết phát huy giá trị triết lý trong tín ngưỡng daruma để tạo nên một hiệu ứng tâm lý tích cực hơn trong cuộc sống thì thành tựu một tâm nguyện nào đó là việc trong tầm tay. Như vậy, những hoài bão có thể biến thành sự thật hay không và mức độ thành tựu của công việc còn tùy thuộc vào nhận thức và thái độ của mỗi người đối với biểu tượng daruma trong tâm mình.
Giao thoa và tiếp biến văn hóa giữa các nền văn hóa khác nhau trong thời đại công nghệ thông tin này là một hiện tượng xã hội tự nhiên. Do đó, tín ngưỡng daruma không chỉ thịnh hành ở xứ sở mặt trời, mà còn dần lan ra các nước khác và Việt Nam chúng ta cũng không ngoại lệ. Ở Hà Nội, đã có tổ chức “Ngày hội daruma” hằng năm tại các trung tâm Nhật ngữ để người Việt, nhất là giới trẻ, dần tiếp cận với văn hóa giữ búp bê daruma. Khi hiểu được ý nghĩa của việc giữ cho mình một búp bê daruma, các bạn trẻ rất thích thú ý tưởng này và cảm thấy hạnh phúc ngập tràn khi được tặng một búp bê daruma trước những sự kiện quan trọng của cuộc đời. Có bạn còn gởi, đặt hàng tận bên Nhật và muốn giữ cho mình một biểu tượng của niềm tin, ý chí, nghị lực và quyết tâm như thế. Tuy nhiên, giữ búp bê daruma theo cách thế nào là một vấn đề khác. Có thể ta không cần giữ bên mình một linh vật búp bê daruma nếu không có đủ điều kiện để làm việc ấy, ta vẫn có thể hạ quyết tâm, hâm nóng tâm nguyện, nuôi dưỡng ý chí và nghị lực với một biểu tượng búp bê daruma được hình dung, tưởng tượng trong tâm mình. Điều quan trọng là nghệ thuật sử dụng các giá trị triết lý của daruma để chuyển hóa hoài bão, mơ ước thành sự thật chứ không phải việc sở hữu một búp bê daruma. Mặc dù văn hóa người Việt chúng ta không có daruma, nhưng qua những gì vừa trình bày, chúng ta có thể vận dụng triết lý này một cách rất riêng cho mình để thể hiện ước nguyện, duy trì ý chí, tiếp lửa nghị lực, nuôi lớn quyết tâm và trui rèn bản lĩnh trước nghịch cảnh khó khăn để đi đến thành công mà không cần giữ một búp bê daruma nào trong nhà mình cả.