Vấn
đề này tôi đã hơn một lần viết về, cụ thể nhất là trong entry
“Chánh niệm: nghệ thuật sống tỉnh thức”, nhiều lần trao đổi với
những người bạn đồng hành trên con đường thực tập và luôn luôn nhắc
mình trong mọi lúc mọi nơi. Tuy nhiên, thỉnh thoảng vẫn có người
thắc mắc rằng, cả núi công việc cần
giải quyết mỗi ngày, mệt mỏi rồi, làm sao mà thiền? Mới đây, một người hỏi tôi, làm thế nào
để có thể hành thiền trong cuộc sống hằng ngày khi bắt tay vào việc
là ta bị công việc cuốn đi và không còn làm chủ mình được nữa.
Khi nói
“thiền trong cuộc sống hằng ngày”, ta nên hiểu thiền ở đây là sự duy
trì chánh niệm, tỉnh giác nơi thân và tâm trong các hoạt động đời
thường của mình chứ không chỉ chánh niệm trên đề mục ta chọn, như hơi
thở chẳng hạn, trong các thời thực hành thiền tập (tôi tạm gọi
những thời khóa thực hành ‘chính quy’ này là thiền-trên-bồ-đoàn).
Tất nhiên, thiền trong cuộc sống đời thường không thể thực hành dễ
dàng bằng ý niệm, hiểu biết, tư duy và suy luận về chánh niệm mà
là kết quả của một quá trình kết hợp nhuần nhuyễn giữa hiểu biết
và thực hành thường xuyên về kỹ năng sống trong chánh niệm.
Với
những người thực hành thiền, ai cũng biết bố trí thời gian để có
thời khóa thực hành vào một thời điểm cố định thuận lợi nào đó tùy
vào lịch trình sinh hoạt của mỗi người, tại một nơi yên tĩnh cố
định, chú tâm trên một đề mục nhất định và ổn định, thực hành
thường xuyên mỗi ngày. Thiền-trên-bồ-đoàn là một việc làm trở thành
một phần trong cuộc sống của người tu thiền. Thế nhưng, với người
sống cuộc sống gia đình với nhiều bổn phận trách nhiệm cần chu
toàn, không ai có thể dành hầu hết thời gian mình có trong ngày cho
hoạt động này. Thông thường, ta chỉ có thể dành khoảng 30 phút đến 1
tiếng để thực hành thiền mỗi ngày theo cách này. Thời gian còn lại
trong ngày thì sao?
Sẽ
mãi là “thực hành thiền” mà không bao giờ có thể “sống thiền” nếu
chúng ta khu biệt, chia ngăn, tạo ranh giới rạch ròi giữa thời gian
thực hành thiền và thời gian còn lại trong ngày, khi tâm an tịnh trong
khi ngồi thiền mất đi nhanh chóng, thay vào đó là sự hỗn độn, mệt mỏi, nặng nề của
tâm thức khi đối mặt với khối công việc cần phải giải quyết hằng
ngày. Thực hành thiền như vậy là chưa có kết quả, dù rằng trong
thời gian thực hành, bạn có thể có chánh niệm và an tịnh. Điều quan
trọng là lưu dẫn năng lượng an tịnh, kỹ năng chú tâm trong hiện tại mà
chúng ta có được trong lúc thiền-trên-bồ-đoàn vào tất cả các hoạt
động, hành vi, cử chỉ và sự hành hoạt của tâm trong mọi lúc, mọi
nơi suốt 24 tiếng đồng hồ mỗi ngày.
Hãy
để dấu ấn an tịnh và tỉnh thức
nâng cao chất lượng cuộc sống tình cảm, tinh thần và tâm linh
của mình trong thời gian không-thực-hành-thiền thì thiền-trên-bồ-đoàn
mới có thể phát huy tác dụng của nó được. Khi ăn, chúng ta đưa thức
ăn vào không chỉ để đầy dạ dày, mà mục đích là biến thức ăn này
thành năng lượng lưu dẫn đến từng
tế bào khắp cơ thể để nuôi chúng.
Công
việc hằng ngày thì đa dạng, như làm việc, đi mua sắm, đi chơi với
người thân, đi họp hội, lái xe, làm việc nhà, nấu ăn, rửa chén bát,
giặt đồ… có khi đến cuối ngày ta không thể nhớ hết và đếm xuể
những công việc ta đã làm trong ngày. Nếu chỉ xem thiền-trên-bồ-đoàn
mới là thực hành thiền, thì những sinh hoạt đời thường này bị xem
là những trở ngại cho quá trình thực hành thiền này. Người có quan
niệm này cho rằng, để có thể thực hành sự chú tâm tốt, ta phải bớt
đi những công việc thường ngày này càng nhiều càng tốt, vì chính
chúng làm cho chúng ta loạn tâm và gây trì trệ trên con đường thực
hành. Liệu khi không tham gia các loại công việc này, tâm ta có thể
bình lặng và sáng suốt hơn không, hay lại loạn động hơn? Thực tế thì
không hẳn như vậy.
Khi
thiền-trên-bồ-đoàn, ta làm việc với hơi thở, ta có thể an tịnh với
sự trú tâm vào đề mục này và nhờ vậy, khả năng chánh niệm của
chúng ta phát triển. Tại sao ta không có cách nhìn tương tự như vậy
đối với các công việc thường ngày? Nếu xem mỗi công việc hằng ngày
là một cơ hội để thực hành sự chú tâm và trụ tâm, thì nhiều công
việc tạo nên nguồn đề mục phong phú, đa dạng cho chúng ta thực
hành mới phải, cần gì phải giảm
đi những công việc này mới có thể chú tâm? Điều quan trọng là làm
lắng đọng tâm thức, là kỹ năng chú tâm và khả năng duy trì sự chú
tâm một cách thường xuyên, chứ không phải hơi thở hay bất cứ công việc
nào khác ta làm. Tất cả đều là phương tiện để thông qua đó, ta làm
việc với cái tâm, an tịnh tâm để tâm có khả năng phát ra ánh sáng trí tuệ. Để những
hoạt động thường ngày của mình đượm chất thiền khi ta suy nghĩ, nói
và hành động trong an tịnh và chánh niệm, ta phải kiên trì duy trì
sự thực hành xuyên suốt thời gian.
Với
cách này, ta không chỉ sử dụng hơi thở để thực hành, mà bất cứ
hoạt động nào của mình cũng có thể thành đề mục thiền quán, một
khi chúng ta biết chú tâm và trụ tâm trên hoạt động ấy. Với cách
thực hành này, sự thực hành thiền của chúng ta rất phong phú, không
nhàm chán và luôn sinh động. Một khi sống và thực hành thường xuyên
như vậy, tu như chơi, làm như ở
không, ta thấy cuộc sống nhẹ nhàng, tâm hồn thơ thới mà không
hề bị áp lực rằng, “ngày nay, tôi bận quá mà không thực hành thiền được” khi thấy
mình không thể thiền-trên-bồ-đoàn. Sống với tâm an tịnh và chánh
niệm, đưa tất cả mọi hoạt động của thân, miệng, ý vào vùng ý thức,
chúng ta thấy cuộc sống này thật nhiệm màu và đời sống của chúng
ta thật nhiều ý nghĩa. Chỉ những ai đang thực hành và có được chút
ít lợi ích từ sự thực hành chánh niệm trong cuộc sống hằng ngày
mới cảm nhận được điều này vậy.