Thursday, June 25, 2015

CÁT BỤI TRẢ VỀ CÁT BỤI: có gì đáng lo?

Chết là một hiện tượng khách quan

Chết là một hiện tượng phổ quát diễn ra hằng ngày, hằng giờ, hằng phút trên thế giới và có thể lúc này đây, khi tôi đang ngồi gõ những dòng chữ này, cái chết đang diễn ra với ai đó ở một nơi nào đó trên hành tinh này. Ấy vậy mà ai cũng muốn né tránh đề tài này, né tránh đến mức không muốn nói đến, không muốn biết và không muốn đọc cả những bài viết thế này. Thế nhưng, vẫn còn một ít người dám nhìn vào sự thật, vì biết rằng đã là sự thật, thì không thể khác. Tôi viết về sự chết để nhắc chính mình và dành cho số ít người ấy.
Chết là gì? mỗi một con người có định nghĩa riêng cho mình tùy vào vốn tri thức, quá trình thẩm thấu cuộc sống và kinh nghiệm thực tế với chính bản thân cũng như qua quá trình tiếp cận với những người thân xung quanh. Dù quan niệm về ‘chết’ có khác nhau thế nào đi nữa, tôi tin rằng tất cả đều nhất trí ở một điểm chung: chết là một điều chắc chắn xảy ra với tất cả chúng ta và trong số những người bình thường, không ai biết được ‘điều chắc chắn’ ấy khi nào thì đến với mình. Vì thế cái chết luôn là một ẩn số, là nỗi ám ảnh, căng thẳng và lo sợ của nhiều người. Trong căng thẳng và lo sợ ấy, hầu hết mọi người đều có cách phản ứng như nhau: tránh né đến mức không dám nghĩ đến, không dám gọi “đích danh” hiện tượng này mà nói chệch đi bằng nhiều từ khác như mất, qua đời, quá vãng, quy tiên, khuất bóng, khuất núi, ra đi vĩnh viễn, an giấc ngàn thu, viên tịch, ra đi, lâm chung… Dù có gọi bằng từ gì đi nữa, chết là một sự thật không thể tránh khỏi.

Sunday, June 21, 2015

LÀM BẠN TỐT: có khó lắm không?

Đã là bạn, suốt đời là bạn,
Đừng như sông, lúc cạn lúc đầy...
Khi chúng ta dùng từ “bạn” đối với người nào, thì nên cư xử với bạn đúng cách. Từ “bạn” ngày nay bị lạm dụng đến mức nó chẳng có nghĩa lý gì cả. Muốn làm một người bạn tốt, ta cần có suy nghĩ thế này: Nếu bạn là bạn của mình, bạn sẽ là bạn của mình mãi mãi, dù điều gì xảy đến cho bạn, dù bạn trở thành một người khác, dù tòa tuyên án tội ác của bạn, dù cả thế giới ruồng bỏ bạn, dù mình không đồng ý với hành động của bạn, dù mình cho là bạn sai và lạc đường, thì bạn vẫn là bạn của mình. Để tình bạn có thể được duy trì lâu dài đòi hỏi trung thành, vượt lên tất cả, đòi hỏi sự hy sinh, kiên trì, kiên nhẫn và quyết tâm rất lớn. Để làm một người bạn tốt, ta cần phải:

1. Không bao giờ nói xấu bạn, nhất là sau lưng bạn

Nói xấu bạn là điều tối kỵ trong tình bạn, mà nói xấu sau lưng là điều không thể chấp nhận được, vì với cách này, ta đã không giúp được gì cho bạn, còn thể hiện cái vô đạo đức, thiếu nhân bản của một con người tử tế. Ấy vậy mà trong thực tế, nhiều người nhân danh là bạn, mà đã trực tiếp “cộng hưởng” trong việc nói xấu bạn mình, thậm chí những điều bạn mình đang chịu đựng vì oan sai.

Thursday, June 18, 2015

CHỈ CẦN LÀM NHỮNG ĐIỀU ĐÃ HỌC Ở TRƯỜNG MẪU GIÁO

Nguyên tác: Robert Fulghum
Người dịch: Hằng Như
Ông Robert Fulghum có môt bài viết ngắn tựa đề là: “Những gì tôi thật sự cần biết tôi đã học trong trường mẫu giáo.” (All I Really Need to Know I Learned in Kindergarten).
Bài này đã được một Nghị sĩ Hoa kỳ mang ra đọc trước Thượng Nghị viện, với mục đích để nó được ghi lại và lưu mãi vào trong Hồ sơ Quốc hội Hoa kỳ (Congressional Record). Ông nói, nếu như người ta biết đơn giản hành xử theo những điều ấy, thì biết bao nhiêu vấn đề của quốc gia và thế giới đều sẽ được giải quyết tốt đẹp.
Xin dịch và chia sẻ  những kinh nghiệm của ông Robert Fulghum về cách sống của mình. Đơn giản là cứ thực hành những gì ta đã được học từ trường mẫu giáo. Cứ kiên định như vậy, an vui và hạnh phúc có có mặt trong mỗi bước chân của mình.
“Tôi tin rằng mình đã biết hết tất cả những điều cần thiết để sống một cuộc đời có ý nghĩa – thật ra nó cũng không có gì là phức tạp lắm. Tôi biết chắc là vậy. Mà tôi cũng đã biết nó từ lâu lắm rồi. Thế nhưng, sống đúng theo những điều này lại là một việc khác. Và những điều tôi muốn nói đến là:
Tất cả những gì mà tôi thật sự cần biết để sống, để xử sự và để hiện hữu trong cuộc đời, tôi đã học được hết trong lớp mẫu giáo. Tri thức về cuộc sống không phải tìm thấy nơi đỉnh núi cao của các trường học, mà là trên những đụn cát ở trường mẫu giáo.

Wednesday, June 10, 2015

LÀM THẾ NÀO ĐỂ CHUYỂN NGHIỆP?

Nguyên tác: David R. Loy
Lâu nay, ta vẫn thường quen tai với câu nói: “cái nghiệp của tôi, tôi chấp nhận…” khi một điều không như ý đến với mình. Cách hiểu về nghiệp như thế không đúng theo giáo lý đạo Phật, nhưng lại khá phổ biến trong cộng đồng tu học Phật. Với bài viết này, Davod R. Loy đã làm rõ ý nghĩa tích cực, đầy nhân bản của khái niệm “nghiệp”, đó là thái độ tâm lý chủ tâm của con người đặt vào trong mỗi hành động của mình. Đức Phật đã làm mới nội dung của khái niệm “nghiệp” khi thoát ra khỏi quan điểm tiền định và đặt trọng tâm vào phương diện đạo đức. Thế nhưng, người học Phật chưa góp phần làm sáng tỏ sự đóng góp mang tính cải cách tâm linh của đức Phật.
Bài này cần đọc chậm, đọc kỹ và tư duy mới có thể hiểu được thâm ý của tác giả. Nhiều chi tiết khá thú vị trong bài viết này giúp chúng ta nhìn lại, hiểu thêm một số giáo lý căn bản của đạo Phật để thấy trách nhiệm của mình đối với bản thân trong quá trình tu học.
Chúng ta đang làm gì với nghiệp? Không thể cho rằng nghiệp không phải là một vấn đề đáng lưu tâm trong Phật giáo hiện đại. Nói một cách trung thực, hầu hết chúng ta biết chắc rằng mình không hiểu hết về nghiệp. Nghiệp, anh em sinh đôi với tái sinh, luôn là giáo lý căn bản của đạo Phật, thế nhưng chúng ta không biết làm thế nào để giải thích các giáo lý này một cách hợp lý nhất. Nghiệp thường được hiểu là một ‘luật đạo đức’ của vũ trụ, không có sự can thiệp của con người và là thuyết tiền định, có thể tính toán chính xác được nguyên nhân và kết quả tương ứng, giống như định luật vật lý của Newton. Tuy nhiên, hiểu như thế có thể đưa đến sự phân vân do ‘mâu thuẫn nhận thức’ trong giới học Phật và tu Phật thời nay, vì nhân quả vật lý mà khoa học hiện đại đã khám phá về thế giới thì dường như không vận hành theo một cơ chế như vậy.

Thursday, June 4, 2015

THỰC HÀNH CHÁNH NIỆM

Chánh niệm: đem tâm về chung sống với thân

“Thở vào, tôi biết tôi đang thở vào”. Bắt đầu với bài thực tập đơn giản như thế, ta có thể chuyển hóa cuộc sống mình. Hòa thượng Nhất Hạnh, một bậc thầy lớn dạy về chánh niệm, đã đoan chắc như thế khi hướng dẫn các bài tập thở cho người bắt đầu.
Hòa thượng Nhất Hạnh có lần nói, ngôi nhà đích thực của chúng ta là hiện tại, là bây giờ, là ở đây, không phải ở trong quá khứ đã xa mờ, không phải ở tương lai còn tù mù chưa rõ. Đúng vậy, ai cũng chấp nhận điều này có lý,  nhưng không phải ai cũng làm được. Dù có lúc nào đó ta làm được việc trở về ngôi nhà trong hiện tại của mình, điều này cũng không có nghĩa là lúc nào cũng làm được.