Tuesday, March 3, 2015

SỐNG HÒA ĐỒNG - YÊU MÌNH THƯƠNG NGƯỜI ĐÚNG CÁCH

Trải qua những năm tháng sống trong cuộc đời, tôi có kết luận rằng: con người căn bản là không giống nhau về nhiều mặt, nên hầu như khó tương thích được với nhau, dù trong sâu thẳm, tính cộng đồng của mỗi con người réo gọi, ta có cảm giác muốn xích lại gần nhau hơn, muốn liên kết nhau hơn. Hãy lắng lòng suy nghĩ về điều  này một chút, ta thấy nhiều điều thú vị trong sự đa dạng phong phú của con người. Khi nhìn vào sự khác nhau ở con người, chúng ta nhận thấy sống trong những cơ thể khác nhau, có quá khứ tuổi thơ hoàn toàn khác nhau, và ngay tại một thời điểm nhất định nào đó, tư tưởng và cảm xúc của ta cũng không giống bất cứ người nào, dù đó là người gần ta nhất hay là người rất đỗi thương yêu của mình. Với sự khác nhau về nhiều mặt, từ cấu trúc gien di truyền, rồi điều kiện sống, hoàn cảnh sống, tất cả là một điều kỳ diệu nếu chúng ta có thể sống hòa hợp được với nhau.
Chúng ta khao khát cảm giác muốn kết nối với người khác. Ở tầng sâu thẳm nhất, sự kết nối là trạng thái tự nhiên của tất cả con người chúng ta, cái mà hòa thượng Nhất Hạnh gọi là “tiếp hiện”. Chúng ta kết nối, gắn bó chặt chẽ mà bằng cách này hay cách khác trong xã hội, những trải nghiệm hằng ngày đã cho chúng ta cảm nhận về điều này. Với sự kết nối này, chúng ta thường chịu đựng sự va chạm và tổn thương trong các mối quan hệ con người. Điều này đưa đến một vấn đề nan giải tiến thoái lưỡng nan là “làm thế nào để tôi có tiếng nói riêng mà vẫn cảm thấy gần gũi với bạn bè và những người thân? Làm thế nào để tôi có thể thỏa mãn những nhu cầu cá nhân trong vòng kiềm tỏa của gia đình và môi trường văn hóa xã hội?” Cái gì ta cũng muốn: thể hiện bản thân và không muốn mình lẫn vào trong đám đông cũng muốn, xây  dựng mối quan hệ xã hội tốt đẹp với người khác ta cũng thích. Thế nhưng, tìm được sự đồng điệu, giao hòa giữa hai cái này không hề đơn giản.
Tôi nhận thấy rằng hầu hết khổ đau trong các mối quan hệ đến từ sự không-kết-nối được với nhau. Một sự không kết nối là sự đổ vỡ trong cảm xúc có tính phụ thuộc lẫn nhau, như nhà tâm lý học Janet Surrey mô tả, là khi “chúng ta” tách ra thành cá thể “anh” và “tôi” chứ không còn là một hợp thể “chúng ta”. Một số sự không-kết-nối có biểu hiện rõ ràng, như cảm giác bị phản bội khi biết ra người phối ngẫu của mình không chung thủy. Trong khi đó, một số sự không-kết-nối có biểu hiện vi tế có thể khó nhận ra hơn trong các mối quan hệ huyết thống, bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm. Sự không-kết-nối có biểu hiện vi tế khi mối quan hệ ấy dần bị rạn, nhưng bổn phận, quy ước xã hội ràng buộc mối quan hệ này và người trong cuộc cố níu để giữ nó không đổ vỡ. Điều  này tạo nên sự đau khổ, bất an, căng thẳng cho tất cả những người liên quan vì phải gồng mình để được ghi nhận là “không có việc gì” trong mắt người khách quan.
Biểu hiện của sự không-kết-nối vi tế không khó nhận ra khi trong lòng thiếu thiện chí, nhiệt tình, hào hứng vốn có của một mối quan hệ tốt. Sự suông sẻ, tự nhiên trong mối quan hệ dần mất đi, thay vào đó là sự miễn cưỡng, sượng sùng, gắng gượng để giữ cái vỏ cỏ vẻ vẫn hoàn hảo trong khi trong ruột đã bắt đầu hư thúi! Không hào hứng trong một cuộc nói chuyện, câu chuyện gián đoạn khi một người nhận cuộc điện thoại của ai đó vừa gọi tới như một cái cớ để từ chối sự kéo dài cuộc nói chuyện mà theo họ là không cần thiết. Có khi sự bất hòa giữa hai vợ chồng khiến tổ ấm ngày nào trở thành địa ngục hàn băng và hai người mà trước đây những tưởng là “hai nửa hoàn hảo” của nhau trở thành hai người xa lạ ở chung một nhà.  Khi còn nồng ấm, người này để tâm góp ý cho người kia từng chiếc áo kiểu tóc để trông đẹp trong mắt mọi người, khi đứt-truyền-thông rồi thì mạnh ai nấy biết, ai xong việc và mệt mỏi, buồn ngủ thì đi ngủ trước, bỏ mặc người kia một mình trong bóng đêm. Hầu như chắc chắn rằng có một sự không-kết-nối khi cả hai nhận ra rằng họ đang trải qua một sự gượng gạo, căng thẳng và sợi dây liên kết trong mối quan hệ này đang có vấn đề theo chiều hướng xấu đi và đó là các hình thái của khổ đau. Trong bức bách, họ nhận ra rằng cần phải làm một điều gì đó tích cực và năng động hơn để cứu vãn và tạo điều kiện cho nó phát triển.
Đức Phật dạy buông xả là cách  để chuyển hóa khổ đau khi mối quan hệ tình người có dấu hiện biến dạng tiêu cực. Điều này có nghĩa là chấp nhận những sự không-kết-nối không hề dễ chịu chút nào mà ta chẳng thể tránh khỏi nếu không có một động thái tích cực kịp thời trước khi nó rạn đến mức không thể hàn gắn mà đứng trên vực thẳm của sự đổ vỡ. Sau khi đủ bản lĩnh để dám nhìn nhận sự thật của vấn đề, tìm hiểu những nguyên nhân đưa đến trạng thái rạn nứt và nguy cơ này, ta tự cho mình một cơ hội để giải quyết các cảm xúc khó chịu trong lòng mình để rồi bản thân có đủ năng lượng để chế tác chất keo dính hàn gắn vết rạn trong mối quan hệ với những người liên quan. Cần phải có chánh niệm để làm được việc này, vì một cách bản năng, chúng ta tránh những gì khó chịu mà không hề ý thức việc này. Khi chúng ta chạm phải  những gì không dễ thương nơi mình – sợ hãi, giận dữ, ganh tỵ, mắc cỡ, chán ghét – chúng ta có xu hướng rút lui các cảm xúc đó và chuyển sự chú ý của mình đến nơi khác để tránh né và tưởng rằng đó là một giải pháp . Thế nhưng, phủ nhận cách chúng ta cảm nhận, hoặc đổ hết những sợ hãi và lỗi lầm của mình lên người khác, chúng ta vô tình đã tạo một cái vách ngăn vô hình phân cách giữa mình với những người mình muốn tạo mối thân tình gần gũi. Cái ta muốn và cách ta làm không tương ưng khế hợp nhau thì đau khổ tăng thêm, áp lực nhiều hơn mà không hề có hiệu quả. Đây không phải là một giải pháp khôn ngoan.
Thực hành chánh niệm, một phương pháp để sống với những phút giây không dễ chịu, là một công cụ mãnh liệt để gỡ bỏ những chướng ngại và thiết lập lại hạnh phúc vốn đã có trước đó trong các mối quan hệ. Chánh niệm bao gồm cả sự tỉnh giác và chấp nhận những trải nghiệm hiện tại. Một số nhà tâm lý học, trong đó có Tara Brach và Marsha Linehan, nói về sự chấp nhận toàn triệt, trong đó, khái niệm toàn triệt nghĩa là căn bản, gốc rễ, dùng để chỉ cho khả năng ôm ấp cả những cảm xúc tích cực và tiêu cực, vốn có gốc rễ sâu thẳm, có tính bản năng của mỗi con người. Chấp nhận trong tình huống này không có nghĩa là chịu đựng hay bỏ qua những hành vi lừa dối của bản thân mình và người liên quan. Chấp nhận ở đây có nghĩa là hiểu biết đầy đủ những cảm nhận không hề dễ chịu, khổ đau chúng ta có thể trải nghiệm tại một thời điểm nào đó, điều này đưa đến sự tự tin nhiều hơn và thay đổi tích cực hơn. Một trong những thử thách vi tế nhất là chuẩn bị một tâm thế sẵn sàng đối mặt với những cảm xúc không dễ chịu và dám nhìn thẳng vào chúng để tìm giải pháp hơn là tìm cách tránh né vấn đề. Nếu chúng ta chú tâm đến nỗi khổ niềm đau một cách trọn vẹn và ôm ấp chúng với tâm từ, khổ đau ấy sẽ tự chuyển hóa một cách tự nhiên.
Tất cả chúng ta đều có những điều nhạy cảm riêng, những “nút nóng” tạo nên sự phản ứng trong các mối quan hệ với người thân. Thực hành chánh niệm giúp chúng ta nhận diện chúng và rút lui khỏi thói quen phản ứng, để chúng ta có thể kết nối  lại mối quan hệ với người thân của mình. Chúng ta có thể bắt đầu giải quyết các vấn đề lặp đi lặp lại với cách đơn giản gồm bốn bước sau: (1) trước hết, phải cảm nhận rõ cảm giác khổ đau khi mối quan hệ tình thân bị cắt đứt. (2) chấp nhận rằng đau khổ là một hiện tượng tự nhiên và là dấu hiệu tích cực của sự đứt truyền thông với người thân, vì chính đau khổ kích thích ta nhìn ra vấn đề, nguyên nhân của vấn đề để rồi cần có sự thay đổi tích cực hơn như một đòi hỏi thúc bách không thể chậm trễ. (3) Ta khám phá ra những vấn đề cá nhân, những vụng về cố chấp đang tồn tại trong lòng mình và những trạng thái dễ chịu, thanh thản sẽ được thiết lập nếu những vấn đề này được giải quyết. (4) Vững niềm tin rằng ta có thể vận dụng khéo léo và hợp lý những lời Phật dạy một cách có chánh niệm, đúng lúc để giải tỏa những cảm xúc tiêu cực trong lòng mình trên cơ sở lòng thương yêu người khác và thương yêu chính mình để hướng đến một sự hòa hợp, hợp tác đúng nghĩa, hàn gắn từ bên trong, chuyển hóa toàn bộ chứ không phải bằng mặt mà không bằng lòng để làm tổn thương và nhức nhối cho nhau.
Chánh niệm có thể chuyển hóa làm thăng hoa các mối quan hệ cá nhân, nhưng điều này chỉ có thể khi chúng ta sẵn lòng cảm nhận trong các mối quan hệ, đều tiềm ẩn nỗi khổ không thể tránh khỏi được. Khi ta chạy trốn, tránh né những bất an, chúng ta đoạn dứt tình thương yêu dành cho người thân của mình cũng như chính bản thân mình. Thế nhưng khi chúng ta chánh niệm và nhuần gội tâm từ hướng về tất cả những cảm xúc khởi lên trong ta, chúng ta có thể đích thực có mặt trong hiện tại và sống cho mình cũng như cho người khác.
Đây là điểm bắt đầu duy nhất để giải quyết vấn đề mâu thuẫn, đứt truyền thông, thiếu liên kết và rạn nứt trong tất cả các mối quan hệ tình người.