Sunday, March 22, 2015

NHẬN TRÁCH NHIỆM VỀ MÌNH

Nhận trách nhiệm về mình là dấu hiệu của sự khôn ngoan và trưởng thành trong suy nghĩ. Dù là bao nhiêu tuổi, đùn đẩy trách nhiệm của mình cho người khác vì sợ thất bại, vì lười biếng, vì sợ bị chê cười, sợ mất mặt… chúng ta chỉ là những cậu bé, cô bé nhiều tuổi mà không bao giờ trưởng thành! 
Với bất kỳ lý do gì, không dám nhận lãnh trách nhiệm khi sai lầm, bạn đã thất bại trong công việc, điều này quá rõ. Hơn thế nữa, bạn thất bại trong tập thể vì không ai đánh giá cao và trân trọng người đổ thừa, đùn đẩy trách nhiệm kiểu chuyền bóng sang người khác như vậy và tệ hơn nữa, bạn thất bại về phương diện phát triển và hoàn thiện bản thân mình: bạn sẽ không thể lớn!
Có một số dấu hiệu giúp chúng ta dễ dàng nhận ra người không nhận trách nhiệm trong một tập thể. Bản thân mình cũng thế, nếu có một hoặc nhiều hơn những dấu hiệu sau, ta cũng nên chấn chỉnh bản thân ngay nếu không muốn trở thành “người khó ưa” trong một tập thể. Các dấu hiệu thường gặp:
Không say mê, hứng thú trong công việc, và không có mối quan hệ lành mạnh, không tha thiết gắn kết với những thành viên trong tập thể. Họ thuộc tuýp người lười lao động, thích nhàn hạ, ưa hưởng thụ. Nếu phải tham gia công việc gì, họ làm cho lấy có. Bất đắc dĩ, họ hiện diện chỉ để người khác thấy mặt họ chứ không quan tâm đến hiệu quả công việc. Được chăng hay chớ, họ chẳng bận tâm, chỉ mong hết giờ, xong việc để được nghỉ ngơi mà thôi.
Khi thất bại hay sai lầm mắc lỗi, họ đổ lỗi cho người khác hoặc cho hoàn cảnh: việc không hiệu quả là do cô A, cô B… chứ tuyệt nhiên không phải là tôi. Tôi đến trễ vì kẹt xe chứ không phải do tôi. Tôi không hoàn thành bài tham luận nọ vì mọi người xung quanh ồn làm tôi phân tán không tập trung. Tôi chưa hoàn thành việc được giao vì bạn bè đến chơi nói chuyện hết thời gian… Ít ai tự nhận ra rằng nếu mình biết lường trước những yếu tố rủi ro để hoàn thành việc sớm hơn, rời nhà sớm hơn, làm việc có kế hoạch hơn, cẩn thận hơn... thì sẽ không dẫn đến hậu quả này để rồi biện hộ tại…, vì…., bị…. nhằm đẩy trách nhiệm ra khỏi bản thân mình.
Không quan tâm đến hạn chót. Với người không có trách nhiệm, ngày qua ngày, việc đến đâu thì đến, nước lên bèo nổi, nước xuống bèo xuống theo. Họ không quan tâm đến công việc ấy khi nào là thời điểm cần hoàn thành. Họ là người không biết lo, lắm khi lại đắc chí kiểu AQ nghĩ mình “vô tư”, tự tại nhưng thật ra, cái họ thiếu là tinh thần trách nhiệm bản thân đối với công việc và đối với mọi người. Một người như vậy là sự chịu đựng chung cho tất cả các thành viên trong một tập thể mà người đó có mặt.
Tránh né các công việc khó khăn và sợ nhận các công việc có tính rủi ro. Việc gì có vẻ khó khăn hoặc có tính rủi ro, chỉ hơi một tí là họ tránh né, đùn đẩy sang người khác. Họ chỉ muốn cầu an cẩu thả, không muốn động tay động não mà vẫn nhàn nhã sống qua ngày. Họ làm việc  một cách bất đắc dĩ mà không hề có tinh thần tập thể, tinh thần trách nhiệm gì cả. Họ rất ngại thay đổi, muốn an toàn, không có chí tiến thủ. Việc gì cứ làm như một thói quen sáo mòn là họ chọn, họ không muốn suy nghĩ, động não đầu tư cho công việc. Họ không bao giờ nghĩ đến việc suy tính làm sao cho việc hiệu quả hơn, tốt hơn, nhanh hơn và hoàn hảo hơn.
Họ không bao giờ dám khởi sự một việc gì được giao cho cả nhóm. Khi được giao nhiệm vụ cho cả nhóm, người thiếu trách nhiệm bao giờ cũng đợi người khác bắt đầu để mình làm thôi. Nếu công việc ấy đòi hỏi phải có dụng cụ, chuẩn bị nơi chỗ phù hợp, thì người thiếu trách nhiệm cũng đợi người khác bày sẵn như dọn cỗ và họ chỉ làm người đi ăn cỗ mà thôi, ngồi vào làm là phải được cung ứng đủ những dụng cụ cần thiết!
Chỉ khi nào dám nhận lãnh trách nhiệm của mình, ta mới có thể biết được khả năng thực tế của mình đến đâu, mình thiếu gì và cần bổ sung những gì, rồi hạ quyết tâm lên kế hoạch bồi dưỡng những phẩm chất, kỹ năng còn thiếu kém. Hãy tập cho mình thói quen nhận sai sót và khuyết điểm khi đó là trách nhiệm của mình để vui vẻ tiếp nhận và sửa chữa.
Con người chỉ có thể tiến bộ khi chúng ta chủ động làm cho mình tốt hơn chứ không phải đỗ lỗi cho người khác hay cho hoàn cảnh. Nếu muốn có thay đổi tích cực bản thân và góp phần nhỏ của mình làm cho cuộc sống tươi đẹp hơn thì hãy tập cho mình có tinh thần trách nhiệm với bản thân, với cộng đồng và với cuộc đời này.