Truyện này viết từ năm 2009, mà cất kỹ quá, giờ mới share với bà con:
Phố nhỏ càng về đêm càng vắng, lại càng vắng hơn trong những đêm đông mưa phùn lất phất. Cốc…cốc…cốc… Tiếng gõ quen thuộc trên con phố nhỏ trong đêm đông làm nao lòng bao người khi thấy bóng dáng gầy gò của một thằng bé đằng sau chiếc xe đẩy hủ tiếu nghi ngút khói bốc lên từ nồi nước lèo. Tiếng một phụ nữ bên kia đường gọi vói sang, “Hùng ơi, cho hai tô đi!”. Thằng bé nhanh nhảu đáp “Dạ, dì Bảy đợi con tí nha.” Vừa nói, tay nó thoăn thoắt làm hủ tiếu, múc nước lèo, thêm rau quế, ớt, chanh… trông thật điêu luyện. Trong vòng ba phút, hai tay bưng hai tô hủ tiếu, nó băng qua đường trao cho khách hàng quen, rồi nhanh nhẹn chạy lại xe đẩy, tiếp tục âm thanh quen thuộc mỗi ngày, cốc…cốc…cốc…. Nó sẽ gom tô và nhận tiền sau khi đi đến cuối con hẻm và quay trở ra.
Bất chợt trời mưa lớn. Mưa lúc đầu còn lất phất, nó vẫn đẩy xe đi tiếp. Nó nhìn trời và thầm mong đừng có mưa lớn. Lúc này mà mưa thì khổ thân; ế khách, nó phải về trễ hoặc bị trừ lương nếu chưa đạt chỉ tiêu ‘50 tô’. Đây là nỗi ám ảnh của nó cũng như tất cả các anh chị ‘đồng môn’ của nó. Mà thật ra, nó thừa hưởng nỗi ám ảnh này từ những ngày đầu mới vào nghề lận. Mỗi ngày, nó phải bán tối thiểu 50 tô hủ tiếu, nếu bán ít hơn, sẽ bị trừ tiền lương. Đang lo, mưa lại ập xuống, thế là nó đành đẩy xe vào hành làng nhà bác Tám Thi để nghỉ. Bác gái gọi, “để xe đó, vào nhà đứng đi con!” Nó cám ơn, nhưng không dám rời xe đẩy. Xe đẩy và hủ tiếu là của chủ, nhưng giờ đây, khi hai cần xe trong tay nó, nó bảo quản như một thứ tài sản vô giá. Ừ, mà đúng rồi, trên người nó có gì là đáng giá đâu. Bộ đồ này bà chủ mua cho đã gần 6 tháng, sờn vai bạc lưng hết rồi. Sở dĩ nó không dám rời xe đẩy vì nó sợ chuyện không may có thể xảy ra, nó sẽ chết điếng đi mất. Làm cực khổ mới được đồng tiền mà không giữ được đem về cho mẹ thì tiếc lắm. Cách đây hơn một tháng, nó bị một nhóm bảy thanh niên ăn quỵt không chịu trả tiền, thế là mất của chủ 42 ngàn đồng, chủ đã ghi vào sổ để trừ lương rồi, giờ nó vẫn còn đau lòng vì chuyện này. Nếu sự cố trầm trọng hơn, nói dại chứ như nồi nước lèo bị đổ hay lỡ đứa trẻ nào nghịch ngợm ném một hòn đá làm kể tủ kính dựng hủ tiếu, không biết chuyện gì sẽ xảy ra nữa. Gần một năm rồi, nó có được cầm trong tay đồng bạc nào đâu vì đến cuối năm, chủ mới trả tiền công một lần. Gần đến hạn nhận lương, càng phải thận trọng, nếu không sẽ mất trắng không được đồng nào, các anh vào nghề lâu hơn giàu kinh nghiệm, thường nhắc nó như vậy.
Mưa nặng hạt dần. Dù bán hơn nửa xe rồi, nó vẫn lo lắng lắm. Nỗi lo gởi vào từng hạt tí tách rồi tăng theo từng giọt mưa nặng hạt ngoài kia. Nó đưa mắt nhìn con hẻm nhá nhem tối đang chực chờ ngập nước vì hệ thống thoát nước vùng này chỗ nào cũng nghẽn. Con hẻm này, cũng như các con đường khác ở khu phố này, nó thuộc lòng từ lâu rồi nên chỗ nào hố ga bể, nơi nào trũng nước ngập nhiều nó đều biết và tránh. Có hôm, ôm theo cái cần xe đẩy, nó mơ màng buồn ngủ nhưng vẫn cứ cốc…cốc…cốc đều đặn như vậy, lại tránh được cả mấy cái ổ gà quen thuộc nữa mới hay chứ. Người ở hai bên đường trong mỗi con hẻm ở khu vực này nó đều nhẵn mặt, dù là khách hàng của nó hay không. Nó cũng rành thói quen của khách hàng thường xuyên nữa, người nào thích nhiều nước lèo, người nào muốn thêm miếng chanh, ai cần thêm cọng rau quế… thế là nó tự biết ý mà đáp ứng tận tình, bà con vừa lòng với thằng bé bán hàng ăn dạo khá ý tứ này lắm.
Thật ra, công việc bán hủ tiếu gõ quả nặng nhọc với thằng bé 15 tuổi có khi làm nó chùng lòng, nhưng nhớ lại ánh mắt lóe sáng của Mẹ nó khi nó đồng ý theo một người anh hàng xóm vào sài Gòn ‘làm ăn’, nó cố gắng. Thêm vào đó, tấm lòng ấm áp của một số khách hàng quen đã vực nó dậy bên chiếc xe đẩy quen thuộc hằng ngày. Nghĩ đến đời còn nhiều người bao dung với nó, có hôm bị cảm sốt mặt mày như Quan Công, nó vẫn lê bước với chiếc xe đẩy trên các ngả đường. Có lúc đuối quá, nó cứ tỳ chặt vào xe mà bước để không bị ngã. Khách hàng của ‘hủ tiếu gõ’ là những người lao động bình dân, các anh chị công nhân làm ca đêm, các anh chị sinh viên ăn lót dạ. Những ngày đầu xa quê lạ lẫm trên đất khách, nó ngỡ ngàng, buồn nhớ da diết quê nhà, nhất là cái tình quê chân chất, đến trào nước mắt. Dần dà, nó cũng quen dần và gắn bó với chiếc xe hủ tiếu tự lúc nào không biết. Hình ảnh một thằng bé ốm tong, đen nhẻm, với âm thanh cốc…cốc…cốc…mỗi ngày trở thành quen với nhiều người khu phố này. Bây giờ, nó thấy cuộc sống khá hơn và biết thêm được nhiều điều về thành phố công nghiệp nhộn nhịp này. Thời gian đem đến và đem đi những điều ắt phải. Gần một năm rồi, chiếc xe đẩy là người bạn đồng hành với nó trong cuộc sống mưu sinh.
Lại chưa dứt mưa, lưng nó ướt đẫm, hai bàn tay dầm mưa, héo hắt và tái nhạt. Nó bắt đầu run. Nó giết thời gian bằng cách ‘nhớ’ nhà cho đỡ sốt ruột. Giờ này, chắc mẹ chuẩn bị ngủ rồi. Mùa này, quê mình ban đêm thường rảnh. Ngoài Trung trời mùa đông lạnh lắm, mẹ nó lại đau bao tử, nó cũng lo lo. Nhiều đêm nhớ mẹ, nhớ em không ngủ được, nước mắt cứ len chảy thành dòng trên đôi má. Nó vẫn thích ở gần mẹ, nhưng ánh mắt đêm hôm ấy của mẹ đã đưa nó đi xa, đến nơi xa lạ này, với ước mong tích góp chút đỉnh tiền đem về cho mẹ, nên nó nén lòng. Em nó, con bé Ánh, năm nay học lớp 5, buổi đi học, buổi còn lại trông trâu, cũng tội con nhỏ quá. Từ khi nó vào Sài Gòn bán hủ tiếu gõ, bé Ánh phải thay nó phụ mẹ việc nhà. Gia đình nó đã nghèo lại càng nghèo hơn từ khi Ba nó mất. Ba mất vì bị chó dại cắn. Nó tức tưởi khi ba nó mất chỉ vì bị chó cắn. Mà ba nó nào có biết con chó ấy bị dại, ở quê nghèo lại chẳng đi chủng ngừa, đến hơn ba tháng sau, ba nó phát bệnh khi thấy nước là sợ, có cảm giác ngợp và sốt cao. Ba nó được đưa đến bệnh viện, hai ngày sau thì mất. Khi đó, nó mới vào lớp 7 được một tháng, phải nghỉ học để không phải tốn các khoản tiền cho một học sinh như học phí, sách vở, áo quần đồng phục, lại còn có thể phụ mẹ việc nhà. Nó đã khổ vì nghỉ học sớm nên nó mong bé Ánh được học hành đến nơi đến chốn. Bây giờ, lưu lạc vào đây. Thương mẹ, thương em, khổ mấy nó cũng chịu, miễn mẹ đừng biết nó khổ là được rồi.
Nó vào nghề cũng mới đây thôi, so với các anh chị cùng làm thì nó là ‘lính mới’. Đến Tết này mới trọn một năm, mới chính thức cầm được đồng tiền mồ hôi nước mắt. Nó trông ngày ấy đến, mà sao thấy lâu quá. Một năm xa nhà bằng hai, ba năm ở quê thì phải. Năm ngoái, có nằm mơ nó cũng không bao giờ nghĩ mình có ngày sống nơi phồn hoa đô thị này. Một thằng bé như nó, 14 tuổi đầu chưa hề bước chân lên chiếc xe đò, chưa từng đi ra khỏi làng quê nó ở, mà bây giờ, mọi thứ đã thay đổi chỉ sau một năm. Nếu không gặp anh Tuấn con nhà bác Ba hàng xóm trong lần anh về thăm quê Tết năm ngoái, chắc đời nó vẫn như xưa thôi, vẫn phụ việc nhà và chăn con trâu nuôi rẻ của người ta, chừng nào trâu của chủ sinh được nghé con thì mình mới được chia một nửa tiền bán nghé. Mẹ con nó sang nhà bác Ba mừng anh Tuấn về. Thấy anh Tuấn đem về nhà cho bác Ba một cục tiền nghe đâu hơn ba triệu đồng, Mẹ nó ước ao “giá mà thằng Hùng nó làm ra tiền được như con thì đỡ biết mấy,” rồi thở dài thườn thượt. Anh Tuấn liền hứa “nếu nó muốn đi vô làm như con, ít bữa vô lại Sài Gòn, con dắt nó đi.” Mẹ nhìn nó ra chiều thăm dò thái độ. Nó chưa từng nghĩ đến việc này bao giờ, nhưng biết Mẹ thích nó đi để kiếm thêm đồng tiền về phụ lo cho em nó học, không ngần ngại, nó đồng ý đi với anh Tuấn liền. Mẹ nó mừng lắm. Mắt mẹ rạng ngời ánh lên niềm vui. Lâu rồi, từ ngày ba nó mất đã hơn hai năm nay, hôm đó, nó mới thấy mẹ nó vui… Suốt gần một năm lầm lũi với xe hủ tiếu gõ, mỗi lúc cực khổ, đau sốt, dãi nắng dầm mưa , mấy bận áo ướt quần khô mỗi ngày , bị ăn quỵt không trả tiền cũng đã mấy phen, bị hăm he dọa đánh vì kết tội xâm lấn địa bàn, bị trừ lương khi không bán hết… nó lại nhớ đến ánh mắt mẹ đêm hôm ấy và nó không cho phép mình gục ngã hay chùn bước. Đêm nay, đứng đợi trời tạnh mưa, ánh mắt ấy của mẹ hiện về nguyên vẹn trong ký ức. Không được, nó phải đủ mạnh mẽ và kiên nhẫn để cùng chiếc xe đẩy len lỏi qua các con phố nhỏ mỗi ngày.
Đang miên man nghĩ suy, mưa nhẹ và mỏng dần, nó khấp khởi mừng. Nó nhẩm tính, nó bán được 31 tô rồi, còn 19 tô nữa là đạt chỉ tiêu. Mưa tạnh rồi thì không phải lo nữa. Nó đẩy xe đi tiếp. Nó cũng đi gần đến cuối con hẻm này rồi. Trở ra, gom tô, nhận tiền rồi sang con hẻm kế tiếp, lòng nó lại chấp chới vui. Ở con hẻm nó sắp đến, có bác Tư Chuối tốt bụng và thương nó lắm. Cái tên ‘Tư Chuối’ là nó đặt chứ mọi người ở đây gọi bác tên Tư thôi. Bác Tư là Phật tử và siêng cúng trái cây ở bàn Phật lắm. Lúc nào nó đẩy xe đến nhà Bác thì Bác cũng ăn cho nó một tô hủ tiếu (trừ những ngày bác ăn chay) và cho nó trái cây cúng Phật ăn lấy lộc. Thường thì nó được hai trái chuối, có khi thêm trái cây khác nữa. Vì Bác cho chuối mỗi ngày, để khỏi lẫn lộn với bác Tư ở cuối con hẻm đằng kia, nó thêm chữ ‘Chuối’ cho bác Tư Phật tử. Nghe nói bác sống với người con trai có công ty riêng, đi làm đến khuya mới về, nên mỗi lần đẩy xe đến, nó chỉ thấy bác ấy ở nhà một mình. Nó có ấn tượng tốt với bác từ khi bác ấy cứu nó. Có một lần anh thanh niên lạ ở đâu đi vào hẻm và gọi hủ tiếu, anh suýt quỵt tiền nó thì bác Tư thấy và kịp thời can thiệp. Bác còn dạy anh thanh niên ấy, ăn quỵt là trộm cắp, là tạo nhân không tốt nên sau này nhận lãnh quả báo không tốt và bác khuyên anh ta, cũng như nhắc nó, nên ăn hiền ở lành. Bác cũng thường răn dạy nó ăn ở đạo đức ra sao. Bác khuyên nó đi chùa quy y thọ 5 giới nhưng nó chưa dám, vì đi bán về, bà chủ cho gì ăn nấy, có ăn chay được ngày nào mà quy y cho thêm tội, nó chỉ ráng nghe lời bác Tư Chuối mà tập sống đạo đức dần dần thôi. Thường thì mỗi lần mua hủ tiếu, bác giả bộ ăn không hết một tô, sớt ra một nửa ‘nhờ’ nó ăn giùm. Nhờ vậy mà nó đỡ đói và ấm lòng với tình thương của bác, đủ sức để đẩy xe hủ tiếu từ chiều đến thâu đêm trên từng con hẻm, từ lúc đường còn đông nghẹt đến lúc khách vắng hoe, dù cho nắng cháy hay mưa cuộn,dù cho đó là mùa hè hừng hực hay mùa đông lạnh lẽo.
Ở giữa nơi xa lạ và ồn náo này, tứ cố vô thân, nó có bà con quen biết ai đâu. Anh Tuấn, người hàng xóm, dắt nó vào rồi thế là cùng nhau đi làm thôi. Anh cũng như nó, đẩy xe, gõ, bán suốt ngày, khuya mới về thì tranh thủ mà ngủ thôi, nên hai anh em nó cũng chẳng có thời gian mà chia sẻ hay nói chuyện gì nhiều. Dù 11 anh em ở chung một căn nhà do chủ thuê cho, chúng nó khổ như nhau, áp lực ‘50 tô’ như nhau, nên hiểu, đồng cảm và thương nhau như anh em, nhưng chẳng có gì nhiều để nói với nhau. Hôm nào tai họa ập đến với đứa nào như bị ăn quỵt hay bị mấy đứa ở cánh khác giành giựt địa bàn bán, tụi nó mới cần nói ra như là một cách giải tỏa niềm oan ức mà thôi. Với nó, bác Tư Chuối là người nó quý mến nhất và nói được nhiều chuyện nhất.
Vừa đến đầu đường quẹo vào con hẻm, nó lại lâng lâng trong lòng. Lại sắp được hai trái cuối và nửa tô hủ tiếu rồi đây. Áo thấm mưa hơi lạnh nhưng cái lạnh tan biến và lòng nó ấm lên khi nghĩ đến bác Tư Chuối với khuôn mặt hiền từ độ lượng. Ông Bảo, Bà tám, chị Anh; nếu không có thêm khách lạ, ba tô hủ tiếu nữa là đến nhà bác Tư Chuối rồi. Nó nhịp thanh gỗ đã mòn nhẵn với thời gian, cốc…cốc…cốc… rồi dừng lại trước nhà ông Bảo. Hoàn thành ba tô hủ tiếu và một tô cho khách lạ qua đường, nó sắp đến nhà bác Tư Chuối rồi.
Ủa, sao đông người thế này cà, nó lấy làm lạ. Lại nghe tiếng tụng kinh, chuông mõ vẳng ra từ nhà bác Tư Chuối. Chuyện gì đây? Lạy Phật đừng có chuyện chẳng lành… Tim nó đập rộn ràng, chân cuống lên. Nó lặng lẽ đẩy xe trườn đến, người khá đông đến mức kẹt xe, vì đoạn đường này vốn hẹp. Còi xe inh ỏi, nó cố lách qua mấy chiếc xe máy và đến ngang tầm nhà bác Tư Chuối. Đám tang! Nó lạnh toát người. Nó đẩy xe hủ tiếu thêm một đoạn nữa cho qua khỏi đám đông rồi tạt vào hiên nhà chú Bá bên đường. Dừng xe đẩy, nó ù chạy lại nhà bà Tư. Giờ thì nó không thiết đứng đó mà giữ xe đẩy nữa rồi. Nó không chen vào được vì người quá đông, chỉ nghe người ta nói tối qua, bác Tư còn bình thường. Sáng nay, không thấy bác dậy sớm tụng kinh như thường lệ. Thế rồi cậu con trai vào phòng, mới hay bác đã ngừng thở. Trời ơi, sao mà nhanh quá vậy? Mới ngày hôm qua, Bác Tư còn ăn hủ tiếu và cho nó chuối đây mà. Nó không tin vào những gì nó thấy và nghe, dù trước mặt, quý Thầy đang tụng kinh nhập liệm và bà con hàng xóm vây quanh, kẻ tiếc bác còn trẻ khỏe, không bệnh mà mất, người khen bác ấy phước đức, ra đi nhẹ nhàng không khổ sở thân xác cũng chẳng báo cháu con. Nó chỉ biết bàng hoàng trong câm nín, thấy lòng nhói đau, trĩu nặng và hụt hẫng như vừa đánh mất một món gì đó vô cùng quý giá. Nó nán một lát, chắp tay vái chào bác Tư Chuối của nó lần cuối rồi lặng lẽ trở lại xe đẩy hủ tiếu. Sống mũi cay cay và nước mắt đọng khóe mi, nó chớp vội để nén cảm xúc trước sự ra đi nhanh chóng đến ngỡ ngàng của một người nó thương quý như ruột thịt. Nó không đủ can đảm chứng kiến cảnh nhà bác Tư Chuối một lần nữa nếu đi vào cuối con đường như mọi ngày. Nó âm thầm quay xe đi ra dù còn mấy nhà cuối con phố nhỏ này vẫn thường chờ tiếng cốc…cốc…cốc… từ chiếc xe đẩy của nó.
Đêm đó về, nó suy nghĩ nhiều lắm. Lần đầu tiên trong gần một năm qua, nó suy nghĩ đến mất ngủ qua cái chết đột ngột của bác Tư Chuối. Nó thấy ranh giới sống-chết sao mà mong manh quá! Nó thoáng nghĩ đến mẹ nó nơi quê nhà và mong mẹ bình an. Mấy ngày liền, nó né không đi vào con hẻm nhà bác Tư Chuối vì vẫn chưa hết bần thần, vì tiếc thương một người hiền từ tốt bụng và vì bản thân nó mất đi một điểm tựa tinh thần nơi đất khách.
Tháng cuối năm nơi thành phố đông đúc này thật hối hả. Mọi người làm tăng ca cho kịp hàng phục vụ Tết. Ai cũng có lý do để thức khuya hơn thường ngày và xe đẩy của nó lại có cơ hội dừng thường xuyên cho những bữa ăn khuya bình dân của người làm công. Dù phải bỏ đi con hẻm nhà bác Tư Chuối, nó vẫn thường bán hết xe hủ tiếu và về trước 12 giờ đêm.
Từ hôm bác Tư Chuối mất, nó trầm hơn mọi ngày, nó kiệm lời với anh em ở chung nhưng bù lại, nó suy tư nhiều hơn. Nó thấy mạng sống con người mong manh quá, không biết sống chết lúc nào. Điều làm nó suy tư mỗi khi đêm về là mẹ, người phụ nữ đẹp nhất trần gian. Chưa bao giờ nó cảm thấy khao khát được ở gần mẹ đến thế, vì sự ra đi không có dấu hiệu báo trước của bác Tư Chuối tạo cho nó một nỗi ám ảnh rằng, cái chết bất ngờ có thể xảy ra với bất cứ ai, kể cả mẹ nó, bé Ánh em nó hay chính bản thân nó. Đêm nào nó cũng nghĩ suy và nhớ về mẹ như thế, chân tay mỏi rời sau một ngày lê la khắp nẻo phố, rồi nó thiếp đi lúc nào không hay.
Nó mong đến ngày nhận lương để kịp gởi về Mẹ trong dịp Tết này. Nó nhớ nhà lắm rồi nhưng không dám về vì vé tàu xe đắt đỏ trong mùa Tết. Còn gần tháng nữa, nó cũng sẽ ráng đẩy xe, ráng gõ và lội bộ dọc theo các con phố nhỏ cho đến trọn một năm để được nhận lương cho suốt một chặng dài làm việc miệt mài. Tiền công một năm là bốn triệu hai trăm ngàn đồng chưa tính khoản bị trừ vì bán không đủ ‘50 tô’ hay bị mất tiền do bị ăn quỵt, so ra là lớn đối với nó và những ai ở cái quê nghèo miền Trung ấy, chứ so với những gì nó đánh đổi để có được thì không thể nào sánh được. Đó là những đồng tiền nó đánh đổi bằng những chiều mưa trưa nắng, bằng những giọt mồ hôi thấm áo ngay giữa đêm đông lạnh ngắt, bằng đôi bàn tay chai sạn và hai gối mỏi nhừ, bằng những giọt nước mắt mặn chát khi bị người thiếu lương tri ăn giựt không trả tiền và bị chủ trừ lương, bằng những cơn sốt hầm hập mà vẫn đẩy xe xuôi ngược ngoài phố, bằng mấy lượt quần áo ướt rồi khô trong một ngày, và quan trọng nhất, bằng chuỗi ngày dài đằng đẳng sống xa mẹ xa em. Bất chợt, nó nhớ mùi lúa chín, mùi rơm, mùi bùn non, mùi ai ái của gốc rạ đồng quê và nhất là nhớ tiếng chim cu gáy gù gù vừa gần lại vừa xa trong mỗi sớm tinh sương ở quê nhà. Lòng quay quắt nhớ, nó nghe khóe mắt nóng nóng. Nó nghĩ, dù vất vả và lạc lõng xứ người, nó cũng chịu đựng được, miễn mẹ vui là nó hạnh phúc lắm rồi.
Nhắm mắt lại, nó thiếp đi lúc nào không biết…