Tuesday, January 28, 2014

THAY ĐỔI TÌNH THẾ!

Lâu rồi, tôi có đọc câu chuyện về người nông dân và con lừa già. Chuyện kể rằng, có một con lừa già của một ông nông dân nọ, một hôm đi quanh quẩn trong vườn, chẳng may bị rơi xuống cái giếng khô cạn và đau đớn kêu la thảm thiết. Người nông dân cố nghĩ xem nên làm gì. Cuối cùng ông quyết định: con lừa đã già, không ích lợi gì trong việc cứu con lừa lên cả, thôi thì cái giếng cũng chỉ bỏ không, luôn tiện lấp lại luôn. Ông nhờ vài người hàng xóm sang giúp mình. Họ xúc đất và đổ vào giếng.
Lúc đầu, con lừa cảm thấy kinh hoàng vì những gì người ta đang làm đối với nó, càng kêu la thảm thiết. Nhưng khi từng tảng đất được hất xuống giếng liên tiếp theo nhau ập trên vai nó, một ý nghĩ chợt lóe lên: phải tự cứu mình! Cứ mỗi lần một tảng đất rơi đè lên vai, nó lại lắc mình cho đất rơi xuống và ngoi lên trên! Nó kiên định với một lời tự nhủ và tự cổ vũ: “Nào mình hãy hất nó xuống và bước lên trên, hất nó xuống và bước lên trên...” Mặc cho sự đau đớn ê ẩm phải chịu sau mỗi tảng đất ập xuống, mặc cho sự bi đát cùng cực của tình huống mà nó phải gánh chịu, con lừa tiếp tục xoay xở, không còn hoang mang, hoảng sợ, tiếp tục theo đúng phương châm “hất nó xuống và bước lên trên”.
Không bao lâu sau, dù phải tốn hao nhiều sức lực, con lừa già đã vui mừng bước lên khỏi miệng giếng bằng chính sự nỗ lực, bình thản và quyết định sáng suốt của mình. Những gì người ta đưa xuống với mong muốn đè bẹp và chôn sống nó, không phải để cứu sống nó. Con lừa đã tự cứu mình bằng sự can đảm đối diện với nghịch cảnh của mình mà đã chuyển xoay được tình thế. 
Trong cuộc sống, có lúc tôi và bạn có thể lâm vào tình cảnh của con lừa già: vô tình rơi xuống giếng. Cứ bình tĩnh xem thiên hạ đối với mình thế nào. Dù người đời có đối xử phũ phàng đến đâu đi nữa, dù tình huống có gây cấn éo le thế nào đi nữa, đừng la hét hoảng loạn, hãy vững tin nơi mình. Không cần đấu tranh, biện minh biện hộ gì cả, không mong chờ cầu cứu nơi chính những người xúc từng xẻng đất miệng lằn lưỡi mối chôn uy tín, danh dự mình, hãy bình tĩnh tự tin vào chính mình, tin vào lẽ phải, công bằng của cuộc sống. Niềm tin lúc này là cần thiết nhất, khi không còn ai để tin, thì ít ra cũng còn tin vào bản thân mình nếu mình không làm gì sai một cách quá đáng, vẫn còn niềm tin vào những quy luật khách quan vận hành cuộc sống. Nên tự nhắc mình “mất tiền là mất ít, mất bạn là mất nhiều và mất niềm tin là mất tất cả”.
Không sai thì làm sao mà con lừa chui tọt xuống giếng vậy? Chẳng qua do vụng về mà vô tình chui xuống đó thôi. Cứ phải trả giá với những lơ đễnh, sơ suất, thiếu cẩn thận của mình đi. Mà việc đã qua, rút kinh nghiệm đã đành, điều cấp bách là đối mặt với các vấn đề của mình một cách tích cực và quả cảm, khước từ tâm trạng hoảng loạn trong dòng năng lượng của tâm thức, chấp nhận cay đắng, học cách “lắc mình” cho đất đá người đời muốn chôn lấp mình rơi xuống dưới chân và trở thành bệ đỡ đưa mình lên khỏi miếng giếng, như con lừa già trong câu chuyện trên. Kiên trì định hướng và vững niềm tin rằng, cuối đường hầm, trời sẽ sáng thì những nghịch cảnh tưởng chừng có thể chôn vùi chúng ta, lại sẽ tiềm ẩn trong chính nó những sự trợ giúp không ngờ tới. Hất nó xuống và bước lên trên là nguyên tắc sống trong hoàn cảnh này.
Trên kia, mặt trời vẫn mọc đằng đông mà. Sự thật sẽ tìm được tiếng nói của nó, dù ai đó có cố tình chôn vùi! “Nếu không vậy thì xã hội này đảo lộn hết rồi à?”