Hồi nhỏ, đọc truyện cười dân gian, tôi cảm thấy thú vị, pha lẫn một chút khinh bỉ, khi gặp những nhân vật hèn, ví dụ anh chàng tham ăn mới nấu củ từ xong, giấu củ từ trong lưng quần, gặp lúc vợ đi chợ về, củ từ nóng quá, không chịu nổi, giả bộ nhảy lên mừng vợ và biện hộ với con “Từ cha con ở với ai, ai nuôi con lớn con đòi từ cha” khi con đòi “(khoai) từ, cha!”…rồi chuyện mẹ chồng, nàng dâu cùng ăn vụng gặp nhau, thầy đồ ăn vụng… Rồi ai cũng biết cái hèn của Thúc Sinh trong truyện Kiều, khi chứng kiến cảnh Hoạn Thư hành hạ Kiều trước mặt cũng chỉ đành giả câm giả điếc, muối mặt nhìn người mình từng thề non hẹn biển bị hành hạ trong nhục nhã ê chề. Ấy thế mà nhiều người bênh vực và đồng cảm với cái hèn của Thúc Sinh, cho rằng “gặp thời thế, thế thời phải thế”.
Với luận điệu này, cái hèn nào cũng có cách giải thích có vẻ hợp lý để che đậy cả. Đến đây, tôi lại nhớ đến bài thơ khuyết danh đọc được trong sách văn học Việt Nam:
Lỗ mũi em mười tám gánh lông
Chồng yêu chồng bảo, râu rồng trời cho
Đêm nằm thì ngáy o o
Chồng yêu, chồng bảo, ngáy cho vui nhà
Đi chợ thì hay ăn quà
Chồng yêu, chồng bảo, về nhà đỡ cơm…
Đây cũng là thứ lý sự của kẻ hèn.
Trong các từ điển tiếng Việt được soạn nghiêm túc, ví dụ Từ điển Hoàng Phê, định nghĩa hèn không chỉ có nghĩa là nhát yếu, thấp kém mà còn có nghĩa là cách làm kém bản lĩnh, đến mức đáng khinh.
Trong nghĩa này, không chỉ những người thấp thỏi, yếu đuối mới hèn, mà ngay cả những kẻ có quyền thế, có địa vị chức tước, vẫn hèn như thường. Cái hèn của người có thế quyền là dùng những mưu mẹo ít người ngờ đến nhất, chọn con đường đi ít quang minh chánh đại nhất, lắt léo nhất, mang tính thủ đoạn, để đánh bại người khác nhằm bao biện cho cái sai, cái dở, cái đuối lý thiếu tình của mình và của đồng minh, miễn sao đạt được danh, lợi và củng cố thế quyền của mình bằng con đường “phi chính thống”! Với tôn chỉ: nể nang nhau trên một quy luật bất thành văn là hợp tác hai bên cùng có lợi. Những người này muốn người khác ngưỡng mộ mình mà không trau “tâm” (đạo đức) luyện “tầm” (năng lực). Họ đâu biết “đại nhân” thì cứ “đại lộ” mà ngẩng cao đầu cất bước mới đáng mặt trong thiên hạ.
Người tài đức ít mà danh vọng nhiều thì chỉ có cách sống duy nhất là hèn! Tôi thấy cái hèn nào, bản chất cũng giống nhau: không dám nhận mình là xấu, không muốn người khác nhìn mình là tầm thường, trong khi mình chưa vượt qua được cái tầm thường để trở thành người sống đàng hoàng.
Người sống hèn luôn có lối biện minh cho cách sống của mình. Có thế họ mới chọn con đường này để mà đi chứ!
Chuyện con cáo với không được chùm nho mà chống chế “nho hãy còn chua lắm, không thèm!” trong chuyện ngụ ngôn của Aesop là cách biện hộ của kẻ hèn!
Người nào giẫm người khác xuống để đứng trên vai cho cao hơn tí nữa, mà miệng vẫn huênh hoang là mình tài giỏi, rao giảng đạo đức, mà cứ đóng kịch trên sân khấu cuộc đời, gặp mặt là tỏ vẻ ra chiều cảm thông, chia sẻ mà sau lưng thì “thọc gậy bánh xe” là kẻ hèn.
Người nào đứng trước con cừu là hùng hổ như con sói mà đứng trước con sói khúm núm như con cừu là kẻ hèn. Thảo nào ngày xưa có những hạng quan lại sắm đến hai loại áo dài: một loại vạt trước ngắn (để khi cần khom người khúm núm thì hai vạt bằng nhau) và một loại vạt trước dài (để nghênh mặt lên trời thị uy khi cần thiết cũng cốt để hai vạt không so le).
Người nào không đủ bản lĩnh để bảo vệ công lý, thậm chí không thể bảo vệ quan điểm trước sau như một của mình để cho gió danh lợi thổi chiều nào thì theo chiều ấy là kẻ hèn.
Người nào đối mặt thì không mở lời, sau lưng thì hè nhau “đánh hội đồng” là kẻ hèn.
Người nào vì động cơ đê tiện, thấp kém mà dùng thủ đoạn hại người là kẻ hèn.
Chao ôi, muôn màu muôn vẻ, vô số cung bậc của cái hèn bàng bạc quanh ta.
Cái hèn tước đoạt đi lòng tự trọng, ý chí vươn lên và nghị lực vượt khó của con người. Như một hệ quả tất yếu, người sống hèn thường có cách sống xu thời nịnh thế, quên hết đạo nghĩa, không nhớ thuở hàn vi, quên đi những người từng gắn bó mà giờ chẳng thể đem lại lợi lộc gì, chỉ có lợi danh lóa mắt. Hèn, đến một mức nào đó, sẽ trở nên đê tiện, trâng tráo, đến mức dây thần kinh xấu hổ không còn hoạt động. Họ vênh váo tự hào mình là người biết sống (dù khéo luồn, giỏi lách và đi bằng đầu gối), khinh khỉnh lên giọng chê bai người “không giống mình” là cứng nhắc, không uyển chuyển, kỹ năng thích nghi kém! Đúng quá rồi! trong một cộng đồng quá nhiều người hèn, ráng nhớ lời cha răn mẹ dạy hồi nhỏ để sống cho ra người thì trở thành thất bại, không biết sống.
Khi nào những người hèn trong xã hội, một lúc nào đó, bất chợt biết giật mình tự hỏi “sao mình hèn thế?” thì may ra, cơ chế vận hành tâm lý này có thể giúp người ta nhìn lại cách mình sống để đỡ vênh váo với cách sống hèn, cho người khác đỡ khổ vì những chiêu trò của mình.
Mỗi người có quyền chọn cho mình một cách sống. Người ta có thể chọn cách sống hèn để đỡ nhọc nhằn, va chạm, lại được lợi có danh, và có nhiều “đồng minh” hơn, nhưng cũng chẳng có gì ngại nếu đủ bản lĩnh để làm “cây ngay” dù biết một ngày nào đó, sẽ bị đám người hèn kia cho “chết đứng”! Chọn con đường “thành danh” hay “thành nhân” tùy thuộc vào nhân cách sống mỗi người. Giữa hai tuyến gần như đối lập, hèn để thành danh và bản lĩnh để thành nhân, thất bại ở tuyến này có thể xem là thành công ở tuyến kia. Một cánh cửa có thể là “lối vào” của người này nhưng lại là “lối ra” của kẻ khác. Vinh-nhục ai lường, thành-bại nào hay!