Chế độ ăn uống, tôi nghĩ do sự lựa chọn của mỗi cá nhân tùy thuộc vào nhiều nguyên nhân khác nhau. Chúng ta thường thấy người ta chọn ăn món này, không ăn món kia, phần lớn để đáp ứng sở thích và nhu cầu dinh dưỡng trong món thức ăn ấy. Một số người chọn lựa thức ăn cho mình một phần vì lý do sức khỏe do cá nhân ấy mắc phải một số bệnh nào đó hoặc muốn phòng ngừa theo sự khuyến cáo của các chuyên viên y khoa. Ăn mặn hay ăn chay cũng là một sự lựa chọn tương tự: vì lý do tôn giáo, vì lý do sức khỏe, vì sở thích...
Tôi là một người ăn chay trường từ nhiều năm nay và đây là sự chọn lựa của tôi, cho đến bây giờ, tôi bằng lòng với sự chọn lựa này. Thật ra, tôi thích ăn chay từ nhỏ, nhưng cha mẹ không đồng ý, đành chìu lòng cha mẹ cho đến khi tôi được quyền thực hiện sở thích của mình. Khi còn nhỏ, tôi cũng ngây thơ như bao đứa trẻ cùng xóm thôi, nhưng tôi là đứa bé khá mẫn cảm.
Tôi còn nhớ, khi ấy, bên cạnh việc canh tác ruộng đất, nhà tôi nuôi vịt để kiếm thêm thu nhập. Thế là, chị em chúng tôi thay phiên, một buổi đi học, một buổi chăn vịt. Thế rồi, ngày vịt lớn, cha mẹ tôi bán vịt. Hôm người ta đến bắt vịt, nhìn chúng chạy tán loạn thất thần, tôi buồn quá. Một lần khác, tôi thấy con bò nhà hàng xóm ghì lại và chảy nước mắt khi chủ nó bán cho người khác, tôi cũng thấy thương. Tôi hiểu được nó cũng có những nỗi lo sợ, bất an chẳng khác nào con người chúng ta. Thương con vật, không muốn ăn thịt cá, tôi đòi ăn chay trường, nhưng cha mẹ không cho, sợ tôi suy dinh dưỡng, não chậm phát triển, còi xương.... Thế là tôi chỉ ăn chay mỗi tháng bốn ngày theo truyền thống của một gia đình theo Đạo Phật.
Sau này, khi tôi ăn chay, không ít người tin như cha mẹ tôi và khuyên tôi không nên duy trì chế độ ăn này. Tôi vẫn không thay đổi ý kiến. Tôi quan niệm, cuộc sống của mình không phải đong đếm bằng số năm tháng mình có mặt trên cuộc đời, mà giá trị của cuộc sống là ở chỗ mình làm được gì cho mình và cho người khác trong ngần ấy năm được sống. Tôi nghĩ, giả dụ tôi không làm được gì lợi ích cho ai, chỉ một việc tôi không trực tiếp giết mạng sinh vật khác để làm thức ăn cho mình cũng tốt rồi. Cứ tin rằng ăn chay không dinh dưỡng bằng ăn mặn và dễ mắc bệnh về xương, tôi vẫn cứ ăn chay. Dù có sớm bị loãng xương hơn người ăn cá thịt, dù xương xốp dễ gãy vỡ hơn người không ăn chay, dù có thiếu đạm một tí so với người có chế độ ăn bình thường, thậm chí có chết sớm hơn vì ăn chay, tôi vẫn hài lòng với chế độ ăn chay của mình. Tôi vững lập trường như vậy vì theo tôi, ngoài việc duy trì thân thể vật lý này, ta còn có phương diện khác trong con người cần nuôi dưỡng và chăm sóc, đó là tâm của mình.
Ngày nay, tôi đọc được tin vui, một nhóm nghiên cứu người Việt Nam, làm một nghiên cứu về chế độ ăn chay và sức khỏe của xương từ năm 2007 và nay, họ vừa công bố kết quả trên tạp chí Osteoporosis International.[1] Osteoporosis International là một tạp chí mà theo lời giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, giáo sư viện y Garvan, Úc, là tạp chí uy tín nhất thế giới về loãng xương.
Nghiên cứu này tiến hành trên hai nhóm đối tượng. Một nhóm là người ăn chay, gồm 105 sư cô thuôc 20 ngôi chùa ở thành phố Hồ Chí Minh. Nhóm thứ hai gồm 105 phụ nữ ăn mặn nở khu vực thành phố Hồ Chí Minh. Trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đưa ra kết quả là:
“chúng tôi chỉ ra rằng mặc dù các tu sĩ ăn chay quả thật có lượng đạm và calxi thấp, nhưng mật độ xương trong cơ thể họ hoàn toàn chẳng có khác gì so với những người ăn thực phẩm với nhiều chất đạm động vật.”
“Lượng calxi mà các tu sĩ Phật giáo trong nghiên cứu của chúng tôi rất thấp, chỉ khoảng 370 mg mỗi ngày (trong khi đó lượng cần thiết là khoảng 1.000 mg). Họ cũng ăn ít lượng đạm, trung bình chỉ khoảng 35 g mỗi ngày, so với người ăn mặn là 65 g.”[2]
Cũng như các tác giả nghiên cứu công trình này, tôi không khuyến khích mọi người ăn chay mặc dù, theo tôi, ăn chay vẫn là lựa chọn tốt hơn. Tôi viết mấy dòng này chỉ để chia sẻ với các bạn về kết quả nghiên cứu khoa học về mối liên quan giữa chế độ ăn chay trường và sức khỏe của xương mà tôi đọc được. Điều này sẽ giúp cho những người đang chọn chế độ ăn chay trường không còn phải lo lắng ‘thiếu chất’, ‘suy dinh dưỡng’ như mối lo của cha mẹ tôi trước đây. Nay có chứng cứ khoa học rồi, niềm tin thông thường rằng ăn chay còi xương, suy dinh dưỡng kể ra nặng về cảm tính. Lượng đạm và can-xi trong chế độ ăn chay ít hơn chế độ ăn mặn, điều này đã được biết đến, đồng thời cũng được nêu ra trong kết quả nghiên cứu tôi vừa nêu trên, nhưng không vì thế mà xương kém khỏe. Các bạn đang ăn chay, vì lý do này hay lý do khác, nên tiếp tục duy trì chế độ ăn này mà không phải lo xương sớm bị giòn, bị loãng. Đồng thời, kết quả nghiên cứu này tạo niềm tin cho những ai đang dự định chuyển sang chế độ ăn chay mà sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của xương thì hãy mạnh dạn gạt bỏ ý niệm đó và chọn chế độ ăn chay mà không cần chần chừ vậy.
Các nhà nghiên cứu tham gia công trình cũng lưu ý rằng nghiên cứu này chưa đo lường nồng độ vitamin D, một yếu tố quan trọng cho việc duy trì sức khỏe của xương. Trong khi chờ đợi các nghiên cứu về hàm lượng vitamin D trong chế độ ăn chay và ăn mặn cũng như mối liên hệ giữa vitamin D và sức khỏe của xương, chúng ta có nguồn bổ sung vitamin D miễn phí nhờ vào sự hào phóng của thiên nhiên là ánh sáng mặt trời. Nếu chúng ta tắm nắng, hoặc đơn giản là không che chắn và ‘trốn’ nắng trước 9 giờ sáng và sau 5 giờ chiều mỗi ngày, tôi tin chúng ta sẽ không thiếu vitamin D.