Tuesday, March 21, 2017

LÀM NGƯỜI BIẾT ƠN

Sống trên đời, ai cũng muốn có một cuộc sống thật tươi đẹp, vui vẻ và đầy ý nghĩa. Vấn đề là làm thế nào để chúng ta xây dựng cho mình một cuộc sống như vậy? Làm thế nào để sống vui sống khỏe mặc dù nhiều điều không được như ý, không lúc này thì khi khác, vẫn diễn ra trong đời sống chúng ta? Tôi tin rằng một trong các vấn đề then chốt, là hãy làm một người biết ơn. Nếu bạn biết thể hiện mình là một người biết ơn, bạn sẽ thấy thế giới quanh ta trở nên khác hẳn theo chiều hướng tích cực hơn. Với cách nhìn đó, bất cứ sự vật hiện tượng gì diễn ra, chúng ta đều thấy được cái tốt đằng sau đó. Bạn sẽ thấy đời mình thật kỳ diệu và cuộc sống như vậy mới vui làm sao!

Vào năm 2002, hai nhà khoa học, Michael McCollough, giáo sư trường đại học Dallas, Texas và Robert Emmons, giáo sư trường đại học California ở Davis đã công bố kết quả nghiên cứu mà hai ông dành ra nhiều năm thực hiện nhằm tìm hiểu tác dụng của tâm biết ơn đối với các phương diện khác trong đời sống con người. Trong nghiên cứu của mình, hai nhà nghiên cứu này chia hằng trăm người tham gia nghiên cứu thành ba nhóm. Nhóm thứ nhất được yêu cầu là ghi lại tất cả những gì diễn ra trong ngày. Nhóm thứ hai được yêu cầu là chỉ ghi lại những sự kiện làm mình buồn lòng trong ngày hôm đó và nhóm thứ ba thì ghi lại những điều mà mình cảm thấy cần khởi tâm biết ơn về người liên quan hoặc chính sự kiện đó.
Kết quả nghiên cứu cho thấy người nào hằng ngày thường khởi tâm niệm biết ơn đều có mức độ tự ý thức cao, chánh niệm cao trong mỗi việc mình làm, có thái độ sống lạc quan, có tính kiên định cao, nhiệt tình với người với đời và là người năng động. Thêm vào đó, nhóm người thường thể hiện sự biết ơn có biểu hiện ít bị căng thẳng, chán nản hay thất vọng, có xu hướng thích giúp người khác, biết nghĩ đến người khác nhiều hơn và định hướng để đạt đến mục đích sống cao hơn. Kết quả của nghiên cứu này cũng cho thấy người có tâm niệm biết ơn rất dễ mến trong các mối quan hệ với người xung quanh. McCollough và Emmons cũng lưu ý rằng tâm niệm biết ơn là động cơ khuyến khích người ta sống đẹp hơn và quan hệ hỗ tương nhau mang tính nhân bản nhiều hơn.
Muốn trở thành người biết ơn, chúng ta hãy để tâm đến các vấn đề sau. Đừng coi thường điều nào trong số các điều này, không có gì là ‘nhỏ’ nếu chúng ta muốn trở thành người biết ơn.
1.   Hãy nhận ra rằng chúng ta đang giàu có
Thường thì con người ai cũng nghĩ rằng mình cần tiền, và tiền càng nhiều càng tốt. Tâm niệm này thiêu đốt những ai thấy mình lúc nào cũng cần tiền và những người như thế rất khó khởi tâm biết ơn. Thế nhưng, mấy ai hiểu rằng, với những tài sản dù khiêm tốn mà mình đang có, mình cũng đã giàu hơn rất nhiều người khác. Nếu không tin, hãy vào trang mạng này: Global Rich List (http://www.globalrichlist.com/), nhập mức thu nhập của mình vào đó, rồi xem kết quả. Chúng ta sẽ thấy, rất nhiều người nghèo hơn ta. Con số ấy có thể hằng triệu và chúng ta thuộc vào lớp những người giàu có trên thế giới! Hãy khởi tâm cám ơn điều này dù rằng, chúng ta phải lao động vất vả, vắt óc nặn não để tính toán mới giàu có. Thế nhưng, ai có tâm niệm xem đó là tiền mồ hôi nước mắt của mình chứ chẳng ai khác cho mình đồng nào để rồi không bao giờ biết khởi tâm biết ơn những gì mình đang có thì trước sau gì người ấy cũng khổ vì suy nghĩ này. Cuộc đời sẽ có cách dạy mà chính người học cũng nhiều bất ngờ khi đón nhận bài học này.
2.   Hãy nhận ra cuộc sống thịnh vượng và sức khỏe dồi dào mình đang có
So với các thế hệ trước trong lịch sử, tuổi thọ con người hiện nay cao hơn trong quá khứ. Một số bệnh ngày trước được cho là nguy hiểm không chữa trị được, nay có thể được chữa trị dễ dàng. Chúng ta đang sống thọ và khỏe hơn các thế hệ tổ tiên mình, hãy biết hơn điều này. Không chỉ có thế, chúng ta đang sống với tiêu chuẩn ngày càng cao hơn, sung sướng hơn nhiều so với trong quá khứ. Chúng ta có điều kiện để thọ hưởng được nhiều hơn cha ông ta rất nhiều. Càng này, khoa học kỹ thuật càng phát triển, cuộc sống chúng ta trở nên tiện nghi và con người trở nên ít vất cả hơn. Ví dụ, ngày nay, chúng ta có thể đi đây đó dễ dàng hơn cả một vị vua ngày xưa! Nhất là khi hệ thống kết nối viễn thông toàn cầu phát triển bằng nhiều hình thức, thế giới trở nên phẳng hơn và được thu nhỏ hơn. Chúng ta có thể nghe, thấy và biết nhiều việc xảy ra trên thế giới cách chúng ta đến nửa vòng trái đất. Hãy cám ơn điều này.
3.   Cảm nhận được sự may mắn khi sống trong hòa bình
Giàu có, cần thiết thật, nhưng cũng sẽ không là vấn đề; mạnh khỏe, thứ tài sản quý giá nhất, cũng không có nhiều ý nghĩa nếu chúng ta sống trong bom đạn chiến  tranh. Bài học lịch sử vẫn còn đó, mất mát do chiến tranh gây ra vẫn còn đây, không ai trong chúng ta không hiểu được cái giá của chiến tranh. Mất mát. Khổ đau. Sợ hãi. Chia ly. Thù hận. Nghèo đói... và nhiều hơn thế nữa là những gì chiến tranh đem lại cho con người. Không cần nói nhiều về đề tài này chúng ta cũng quá hiểu và thấm thía nỗi đau trong và sau chiến tranh. Ngày hôm nay, chúng ta được sống trong hòa bình, cuộc sống an lành, liệu có niềm vui nào lớn hơn? Hãy cám ơn điều này.
4.   Hãy mở to đôi mắt để nhìn thấy bao điều tốt đẹp trong đời sống chúng ta.
Thường chúng ta chỉ nhìn những điều không như ý, tồi tệ xảy ra với mình mà quên đi hoặc cố tình không nhìn những điều tốt, có khi còn nhiều hơn những điều xấu kia. Đây là một điều đáng tiếc, vì hơn ai hết, chính chúng ta, những người chỉ chăm nhìn về bóng đêm, sẽ là người chịu thiệt thòi nhiều nhất. Hãy mở rộng tầm mắt để phóng tầm nhìn xa hơn và rộng hơn để có cái nhìn bao quát cuộc sống quanh mình. Nhìn được như vậy, cuộc sống không chỉ có những điều tồi tệ. Nếu biết cách, những điều không như ý cũng có thể tạo duyên cho những điều tốt đẹp. Nếu biết xử lý rác, rác trở thành một chất xúc tác cho cây cối trổ hoa đơm trái. Mở rộng tầm mắt cũng đồng nghĩa với mở rộng vòng tay. Cứ thử đi, bạn sẽ cảm nhận được trạng thái hạnh phúc khi biết mở mắt mở lòng. Nếu ai đó coi mình là bạn, ít ra, người ấy nghĩ về chúng ta với tâm niệm lành, hãy cám ơn điều đó! Nếu gặp một em bé đang mỉm cười với mình, điều này nhắc chúng ta rằng, tin yêu và hy vọng còn nhiều lắm trong cuộc sống quanh ta.
5.   Ghi và lưu giữ lại những điều tốt
Nhiều người có thói quen ghi lại những gì xảy ra trong cuộc sống tạo cho mình có cảm xúc mạnh nhất và ấn tượng nhất, nhưng thật ra, họ chỉ ghi lại những việc buồn và không tốt mà bỏ qua hoặc phủ nhận những việc tốt đẹp. Chính vì vậy, những người này khi có dịp, cứ ôn đi ôn lại, hâm tới hâm lui nỗi buồn và cường điều nỗi đau cho nó trương phồng lên. Thế rồi, đến những lúc mây mù giăng qua đời ta, một ý niệm nhỏ tí tẹo về biết ơn cũng khó có thể sinh khởi trong tình huống đó. Để làm người có tâm niệm biết ơn, chúng ta nên làm theo quy trình ngược lại. Hãy ghi lại và nhớ những điều tốt đẹp mà con người và cuộc sống đem lại cho ta và để lại ấn tượng sâu sắc trong ta thay vì nỗi buồn. Cứ tích cóp như vậy, kho tàng việc hay lời tốt của người cho ta tâm trạng an vui ngày càng phong phú. Thế  là chúng ta đem những điều này từ trong sổ tay ra đọc lại, chúng ta thấy cuộc đời này ý nghĩa lắm. Từ đó, chúng ta biết mình cần phải làm gì cho mây tan, trời sáng và cuộc sống chúng ta trở lại thăng bằng như cũ và tâm niệm biết ơn, sẽ không khó khi chúng ta thấy được giá trị mà cuộc đời trao tặng.
6.   Cần hiểu rằng vẫn có nhiều điều tốt đẹp đằng sau những gì tưởng chừng như xấu nhất xảy ra
Điều này có thể khó đối với một số người, nhưng tôi tin rằng, dù việc gì xảy ra, rốt cuộc, mình vẫn được ‘lại quả’ một cái gì đó tốt đẹp. Khi có điều gì không như ý xảy ra, thường thì chúng ta thấy cả bầu trời chỉ có một màu xám xịt. Làm như vậy là phủ nhận tất cả những gì tốt đẹp mà mình nhận được bao lâu nay. Làm như vậy là không hề có được ý niệm biết ơn. Điều này thể hiện sự non nớt trong nhận thức, sự vô ơn trong cư xử, sự vô hậu trong cách sống của chính bản thân mình. Nên thận trọng điều này khi ai đó hay một việc gì đó xảy ra không theo ý mình muốn. Xét cho cùng, dù sự việc xấu đến mức nào đi nữa, đến mức mọi thứ vỡ tan và không còn gì nữa thì cái mình được là bài học đáng giá mà cuộc đời, hoặc con người ấy dành cho mình mà không phải lúc nào mình cũng được học. Nghĩ được như vậy, không có điều gì đến với ta là xấu cả. Điều này cũng có nghĩa là chúng ta có đủ lý do để cám ơn con người, cám ơn cuộc đời.
7.   Hãy dành một khoảng thời gian nhất định trong ngày để nghĩ về sự biết ơn.
Cần hiểu rằng, cứ nói suông ‘biết ơn’ sẽ không có kết quả gì trong việc thay đổi hướng nhìn và thái độ sống của mình cả. Điều cần thiết là hãy thực hành điều này trong cuộc sống. Hãy dành thời gian nhất định nào đó trong ngày mà mình thấy là phù hợp nhất, tạm gác qua những công việc bề bộn và có khi nhiêu khê trong ngày sang một bên, bình tâm nhớ lại và nhìn lại những việc xảy ra với mình, những điều tốt đẹp mình có được từ những sự việc này và hãy khởi lòng biết ơn về những điều đó. Dành chừng 5 hoặc 10 phút mỗi ngày dùng để quán chiếu lại những việc đã qua theo cách này và khởi niệm biết ơn là điều nên làm.   
8.   Giao du người tích cực
Chúng ta gặp con người mỗi ngày trong hầu hết các công việc. Sẽ thiệt thòi và thậm chí đau khổ nếu những người ta gặp thường xuyên là những người bi quan yếm thế. Môi trường sống tác động rất lớn đến thái độ và hành vi của chúng ta. Do đó, nếu chúng ta ý thức được điều này, chúng ta biết cách hạn chế và tránh bớt môi trường không nuôi dưỡng những ý niệm tích cực của chúng ta về cuộc sống. Hạn chế tiếp xúc trong khả năng có thể và ít chia sẻ, tâm sự với người có quan điểm tiêu cực và phiến diện. Hãy mở lòng với người đáng tin tưởng, có cái nhìn tích cực về con người và cuộc sống, dẫu biết rằng tất cả đều không hoàn hảo, để có cơ hội nuôi dưỡng ý niệm biết ơn.
9.   Hãy xả thí
Chúng ta dễ khởi tâm biết ơn và cám ơn nếu chúng ta chú tâm vào những gì chúng ta có hơn là những gì mình không có. Bằng cách tập cho mình có tâm chia sẻ, biếu tặng, cho đi để thấy  rằng mình đang có nhiều và điều này đáng để mình có ý niệm biết ơn. Thử xem, chúng ta chỉ có thể cho đi những gì mình có, đúng không? Cho nhiều cũng đồng nghĩa với có nhiều. Khái niệm ‘có nhiều’ ở đây hoàn toàn phụ thuộc về trạng thái tâm  lý. Mình ‘cảm thấy’ có, thì nó có, mình ‘cảm thấy’ dư thừa, thì nó dư thừa, mặc dù những gì mình có chưa bằng cái lẻ của người khác! Người chỉ biết nhìn vào cái mình ‘nhận’ được và cứ cân đo đong đếm mình nhận hoặc không nhận cái gì, nhận bao nhiêu, liệu có được như mình muốn để xác định và đặt để các mối quan hệ thì cứ phải khổ tâm và bất an hoài. Vì chỉ tính đến phương diện ‘nhận’ thì khi nào chúng ta cũng thấy thiếu (vì thiếu mới nhận!) và cần nhận nhiều hơn nữa mới được. Người như vậy thật khó phát khởi tâm niệm biết ơn bất kỳ ai hay điều gì. Muốn trở thành người biết ơn, hãy nhìn vào cái mình cho đi và hãy tập cho tâm  mình có được kỹ năng xả thí, từ vật chất đến tinh thần và ngay cả tâm lý chấp ái.
10.                   Hãy quyết định làm người biết ơn
9 điều trên là  những ‘mẹo vặt’ có thể hỗ trợ cho chúng ta nếu chúng ta muốn trở thành người biết ơn  mà không biết nên tưới tẩm tâm niệm ấy thế nào. Tuy nhiên, vấn đề cuối cùng là tự hỏi mình, liệu chúng ta có thật sự muốn trở thành người biết ơn hay không? Nếu chúng ta quyết định rằng tôi sẽ thành người như thế vì với tâm niệm này, tôi sẽ cảm thấy thoải mái hơn, sống bình an hơn với chính mình và bình an hơn giữa lòng cuộc sống với bao người xung quanh, hãy thực hiện các điều trên. Nếu không, thì mọi việc đâu sẽ vào đó. Điều gì xảy ra với mình đều không quan trọng, vấn đề quan trọng là ở chỗ thái độ chúng ta phản ứng lại với những điều vừa xảy ra đó mà thôi!
Ghi chú: Có thể tham khảo thêm các nghiên cứu của Emmons và McCullough qua các tác phẩm:
Bono, G., Emmons, R.A., & McCullough, M.E. (2004). Gratitude in practice and the practice of gratitude.  In P. A. Linley and S. Joseph (Eds.), Positive psychology in practice. New York: Wiley.
Emmons, R.A., & McCullough, M.E. (Eds.). (2004). The psychology of gratitude. New York: Oxford University Press.
Emmons, R.A. (2004). Gratitude. In M.E.P. Seligman & C. Peterson (Eds.), Characterstrengths and virtues (pp. 553-568). New York: Oxford University Press.
Emmons, R.A. (2007). Thanks! How the New Science of Gratitude Can Make You Happier. New York: Houghton-Mifflin.
Emmons, R.A., & McCullough, M.E. (2003). Counting blessings versus burdens: Experimental studies of gratitude and subjective well-being. Journal of Personality and Social Psychology, 84, 377-389
Emmons, R.A. (2003). Acts of gratitude in organizations. In K. S. Cameron, J. E. Dutton, & R. E. Quinn (Eds.), Positive organizational scholarship (pp. 81-93). San Francisco: Berrett Koehler Publishrs.