Hôm nay, kỷ niệm lần thứ 63 ngày đức Tổ sư Minh Đăng Quang
vắng bóng, post bài này để chia sẻ với người có duyên:
Sống ở trên đời, từ khi sinh
ra, lớn lên và cho đến khi giã từ cõi sống, ai cũng thọ ơn người khác để tồn tại
theo quy luật duyên sinh. Tuy nhiên, sự liên hệ và phụ thuộc lẫn nhau trong cuộc
sống chằng chịt nhiều tầng nhiều lớp và ở các mức độ khác nhau trên bình diện rộng
khắp cả vũ trụ này, không phải ai cũng ý thức được rằng mình đang thọ ơn nhiều
người khác. Tuy nhiên, nếu chịu khó chiêm nghiệm một tí, chúng ta không thể đơn
độc tồn tại nếu không thọ ơn bao người xung quanh, không ở phương diện này thì ở
phương diện khác. Khi hiểu được quan hệ tương duyên phụ thuộc nhau mà tồn tại
như là một lẽ tất nhiên trong cuộc sống, chúng ta cần phát khởi ý niệm biết ơn,
nhớ ơn và đền ơn. Do đó, ở đời cũng như đạo, đạo lý biết ơn và đền ơn được nhắc
nhở, khuyến khích và nêu gương bằng nhiều hình thức trong cộng đồng. Trong phạm
vi bài này, người viết chỉ đề cập đến sự biết ơn và đền ơn theo quan điểm Phật
giáo, đặc biệt là theo tư tưởng của Tổ sư Minh Đăng Quang.
Tinh thần biết ơn và đền ơn trong Đạo Phật
Ở đời, biết ơn và đền ơn là
một trách nhiệm đạo đức xã hội đối với con người và môi trường sống, bao gồm những
biểu hiện biết ơn và đền ơn đối với môi trường vật lý, môi trường xã hội và môi
trường văn hóa. Tuy nhiên, cái gọi là ‘môi trường’ thật ra do con người kiến tạo,
nên nói đến đối tượng của sự biết ơn và đền ơn là nói đến yếu tố con người.
Cách thông thường mà người đời ghi ơn và đền ơn, và cũng là cách để nhắc nhở
người cùng thế hệ hoặc các thế hệ sau, là đặt tên đường lộ, trường học, công
viên và các công trình công cộng nói chung theo tên các bậc tiền bối đã đem lại
lợi ích và hạnh phúc cho nhiều người.
Trong Đạo Phật, biết ơn và đền
ơn luôn được đề cao. Đức Phật khen ngợi những
người biết ơn và đền ơn và kinh ghi lại lời tán thán của Ngài rằng, “Có hai hạng người này, này các Tỳ kheo, khó
tìm được ở đời. Thế nào là hai? Người thi ân trước và người biết nhớ ơn đã làm.
Hai hạng người này, này các Tỳ kheo, khó tìm được ở đời.” (Tăng chi
bộ kinh, phẩm 9: Các hy vọng, phần 1.12)
Trong kinh Tăng Chi, đức Phật dạy “không biết ơn, không nhớ ơn, là những người độc ác. Đây là đặc tánh của
người không phải bậc chân nhân. Còn đặc tánh của bậc chân nhân là biết ơn, là
nhớ ơn.” (Tăng chi bộ kinh, phẩm 4: Tâm thăng bằng, phần 1.11). Lời kinh
này nhắc rằng, người đúng với nhân vị một con người là phải thực hiện nghĩa cử
biết ơn, nhớ ơn và đền ơn. Ngược lại, người không làm được điều này là người độc
ác. Như vậy đủ biết chuẩn mực đạo đức trong Đạo cao hơn ở ngoài đời. Đức Phật là
một bậc thầy coi trọng giá trị nhân bản khi dạy rằng, biết ơn và nhớ ơn là một
trong những đặc tính đặc trưng của một con người lương thiện trong đời. Nói
cách khác, đã là con người, là phải có lòng biết ơn và nhớ ơn. Ở một bài kinh
khác, đức Phật dạy người nào không biết ơn và đền ơn, sẽ bị quả báo ác. Không
những thế, Ngài còn đặt ‘cái tội’ vong ơn bội nghĩa vào chung một tụ với những
người nói dối, hủy báng bậc thánh và phản bội bạn. Điều này giúp chúng ta thấy rõ
hơn giá trị của lòng biết ơn và tác hại của tâm vong ơn:
Ác báo do vọng
ngôn,
Ác báo do
báng Thánh,
Ác báo do
phản bạn,
Ác báo do
vong ân.
(Tương ưng bộ kinh, chương
11: Tương ưng Sakka, mục 7: Không gian
trá).
Như vậy, biết ơn và đền ơn,
theo đức Phật, là nhân lành để rồi chúng ta có được quả ngọt là hạnh phúc và an
vui. Những ai muốn tránh quả báo ác thì đừng có vong ân. Đức Phật từng cảnh báo
rằng, “người nào thân làm ác, với
lời nói ác, với ý nghĩ ác, với không biết ơn, không biết trả ơn, sẽ bị rơi vào địa ngục. Người nào thân làm thiện, với lời nói thiện, với ý
nghĩ thiện, biết ơn, biết trả ơn, sẽ được sanh lên
cõi Trời.” (Tăng chi bộ kinh, phẩm 22: Ô uế, mục 3 (213):
Không biết ơn). Ở đây, chúng ta hiểu rằng thể hiện sự biết ơn và đền ơn là một
trong những điều kiện quyết định điểm đến của đời mình. Rõ ràng đây là một hạnh
tu cho những ai muốn hướng thượng cuộc đời mình.
Như vậy, biết ơn và đền ơn
là sợi dây liên kết giữa người và người để qua đó, con người có cơ hội thể hiện
bản chất người đúng nghĩa của mình và chính giá trị nhân bản này mở lối cho cảnh
giới tốt đẹp mà con người sẽ sanh về sau, khi mãn báo thân ở kiếp người này.
Đối tượng nhớ ơn và đền ơn
Đối tượng để chúng ta nhớ ơn
và đền ơn là những người mình từng thọ ơn trong cuộc sống. Theo quan điểm Phật
giáo, hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp, hoặc nhiều hoặc ít, hoặc quá khứ, hiện tại
hay tương lai, mình thọ ơn tất cả mọi người, nếu không ở đời này thì cũng ở nhiều
đời trước. Điều này có nghĩa là chúng ta cần phải biết ơn và đền ơn tất cả. Tuy
nhiên, trong số những người mình thọ ơn, những người gần nhất mà chúng ta mang
ơn sâu nặng nhất là cha và mẹ. Đây là những người trực tiếp giới thiệu chúng ta
đến với cuộc đời này, để rồi ta có một cuộc sống với đầy đủ hương vị của một kiếp
người cùng các trải nghiệm thực tế sinh động quý báu mà chỉ có đi xuyên qua cuộc
đời chúng ta mới có được. Đức Phật dạy “Có
hai hạng người, này các Tỳ kheo, Ta nói không thể trả ơn được. Thế nào là hai?
Mẹ và Cha. Nếu một bên vai cõng mẹ, này các Tỳ kheo, một bên vai cõng cha, làm
vậy suốt trăm năm cho đến 100 tuổi; nếu đấm bóp, thoa xức, tắm rửa, xoa gội, và
dầu tại đấy, mẹ cha có vãi tiểu tiện đại tiện, như vậy, này các Tỳ kheo, cũng
chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha.” (Tăng chi bộ kinh, phẩm 4: Tâm
thăng bằng, phần 1.11)
Nói về ơn nặng trong đời
chúng ta đã thọ và cần thể hiện sự biết ơn và đền ơn cần kể đến một người nữa,
đó là người thầy đưa ta đến đời sống đạo đức tâm linh. Trong Đạo Phật, ơn đó
thuộc về người nào đã đưa ta về nếp sống của Đạo. Trong kinh dạy rằng: “Thật là như vậy, này Ananda ! Thật là như vậy,
này Ananda ! Này Ananda, nếu do nhờ một người, mà một người khác được quy y Phật,
quy y Pháp, quy y Tăng, thời này Ananda, Ta nói rằng người này không có một đền
ơn nào xứng đáng đối với người kia về đảnh lễ, đứng dậy, chắp tay, về làm những
việc thích hợp và về dâng cúng các sự cúng dường như y phục, đồ ăn khất thực,
sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Nếu do nhờ một người mà một người khác từ bỏ sát
sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ
đắm say các loại rượu men, rượu nấu, thời này Ananda, Ta nói rằng người này
không có một đền ơn nào xứng đáng đối với người kia.” (Kinh Phân biệt cúng
dường, Trung bộ kinh, số 142).
Ngoài người trực tiếp đưa
mình vào đời và người đưa mình vào đạo hướng đến đời sống giải thoát như vừa
nói trên, tất cả những người trong đời đều là người mình cần trả ơn, vì trong
vòng luân hồi vô tận, ai cũng đã từng là người thân của ta. Trong kinh Phạm
Võng, đức Phật từng dạy, tất cả người nam đều là cha ta, tất cả người nữ đều là
mẹ ta. Trong Tương ưng bộ kinh, chúng ta cũng thấy có đoạn tương tự “Này các Tỳ kheo, thật không dễ gì tìm được
một chúng sanh, trong thời gian dài này, lại không một lần đã làm mẹ, làm cha” (Tương
Ưng bộ kinh, Chương IV: Tương ưng vô thỉ, Phẩm thứ hai, Mục 4: Mẹ; Mục 5: Cha).
Giữ trong tâm ý niệm này, chúng ta dễ dàng thực tập phương pháp ‘quán tình
thân’ với những người xung quanh, để phát khởi niệm lành, rải tâm từ thương yêu
tất cả, hóa giải nội kết, khổ đau để mối quan hệ tình người đặt trên nền tảng của tâm từ bi.
Học thuyết tái sanh và luân
hồi là cơ sở để chúng ta xác định rằng, đối tượng chúng ta cần biết ơn và đền
ơn không chỉ có cha mẹ huyết thống và Thầy tâm linh. Không những thế, phạm vi
thương yêu và quan hệ cho-nhận trong đạo Phật không chỉ giới hạn giữa đồng loại
với nhau. Trên nền tảng này, đức Tổ Sư Minh Đăng Quang, với tầm nhìn sâu rộng, đã
chỉ cho chúng ta hiểu rằng, sống ở đời, chúng ta không chỉ thọ ơn tất cả con
người mà chúng ta còn mang ơn nhiều loài chúng sanh khác, kể cả cỏ cây đất đá. Ngài
dạy rằng, trong vòng tiến hóa từ thấp đến cao, loài vật cao hơn chịu ơn một hoặc
nhiều loài vật thấp hơn để duy trì mạng sống của mình. Ngài viết:
“Cây cỏ chịu ơn đất rất nặng, dày vò đất mà sống trong đất, con hành hạ mẹ.
Kịp lúc tiến hóa, đến loại biết động cựa, như sâu, bướm, từ trong cây cỏ phát
sanh, do thọ ấm lâu ngày thành tưởng ấm. Lúc ấy ta lại ăn cây cỏ, chịu ơn cây cỏ
rất nặng, dày vò cây cỏ mà sống bằng cây cỏ. Lần lượt trải theo duyên tiến hóa,
từ loài nhỏ nhít, cho đến được với lớp thú chạy, chim bay, ta đã hành hạ biết
bao loài cây cỏ. Cho đến lúc mang thân người trải qua nhiều lớp thú: cọp, beo,
sư tử... cùng vượn, khỉ, giả nhơn... ta đã giết hại biết bao loài cỏ cây, và
thú nhỏ,…” (Chơn Lý Võ trụ quan, tr. 19).
Như vậy, con người là loài
tiến hóa nhất, cũng có nghĩa rằng, trong mối quan hệ liên đới và phụ thuộc
nhau, người thọ ơn nhiều loài chúng sanh nhất để duy trì cuộc sống làm người. Ngài
nhắc nhở:“Ngàn đời muôn kiếp chúng ta đã
sống và mang ơn đất nước cỏ cây thú người Trời Phật.” (Chơn Lý Nam và nữ, tr. 118) Do đó, nếu không biết ơn và đền ơn, con người sẽ trở thành loài
chúng sanh tội lỗi nhất. Thật khó chấp nhận rằng, là một loài tiến hóa nhất
trong các loài chúng sanh mà con người lại không biết ơn và đền ơn sâu nặng của
các loài kém phát triển hơn mình. Rõ ràng điều đức Tổ sư dạy rất phù hợp với những
gì đức Phật dạy ở trên rằng người vong ơn là người độc ác và người biết ơn và đền
ơn mới là bậc chân nhân.
Ngay cả đức Phật, sau khi thành quả vị chánh giác, Ngài cũng thực hành hạnh đền ơn
chúng sanh bằng con đường giáo hóa không hề ngơi nghỉ cho đến trọn đời để tâm rảnh
nhẹ trước khi vào Niết Bàn ngơi nghỉ. Đức Tổ Sư nói rằng:
Như Phật Thích Ca xưa, khi đắc quả A La Hán rồi thì đi giáo hoá cho khắp
chúng sanh mà đền ơn xưa nghĩa cũ. Khi thì vào địa ngục giải cứu chỉ dạy, khi đến
nơi ngạ quỷ khuyên răn, lúc sanh làm thú để cảm hóa làm gương tập dạy, khi làm
thần dạy dỗ chư thần, lúc làm cây cỏ thọ thần thuyết pháp. Khi sanh cõi người lập
đạo, lúc sanh lên trời giáo hóa sau khi kiếp chót, đền trả hết công ơn của
chúng sanh rồi, trong tâm mới được an vui nhẹ nghiệp mà vào cảnh vắng lặng Niết
Bàn. (Chơn Lý Công lý vũ trụ, tr. 157-158)
Như vậy,
theo lời dạy của đức Phật được ghi lại trong kinh điển, đối tượng chúng
ta cần biết ơn và đền ơn, trước và trên hết là cha mẹ, các vị thầy hướng dẫn
tâm linh. Tổ Sư Minh Đăng Quang nhấn mạnh
trong Chơn Lý rằng tất cả mọi người, mọi loài trong thế giới duyên sinh trùng
trùng này là đối tượng để chúng ta thể hiện lòng biết ơn và đền ơn. Đây là một
hạnh tu, không chỉ với người đang thực hành để hoàn thiện mình mà ngay cả với đức
Phật khi đã chứng quả giác ngộ bồ đề.
Cách đền ơn
Trong kinh, đức Phật dạy, để đền đáp công ơn sâu dày của
hai đấng sanh thành, người tạo nên sự sống cho đời, chúng ta
không thể nào dùng vật chất mà có thể đáp ứng được, mà phải hướng cha mẹ quy
ngưỡng Tam Bảo và biết thực hành giáo pháp giải thoát. Kinh ghi lại rằng:
“Này các Tỳ kheo, nếu có an trí cha mẹ vào quốc độ với tối thượng uy lực,
trên quả đất lớn với bảy báu này, như vậy, này các Tỳ kheo, cũng chưa làm đủ
hay trả ơn đủ mẹ và cha. Vì cớ sao? Vì rằng, này các Tỳ kheo, cha mẹ đã làm nhiều
cho con cái, nuôi nấng, nuôi dưỡng chúng lớn, giới thiệu chúng vào đời này.
Nhưng này các Tỳ kheo, ai đối với mẹ cha không có lòng tin, khuyến khích, hướng
dẫn an trú các vị ấy vào lòng tin; đối với mẹ cha theo ác giới, khuyến khích,
hướng dẫn, an trú các vị ấy vào thiện giới; đối với mẹ cha xan tham, khuyến
khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào bố thí; đối với mẹ cha theo ác trí tuệ,
khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào trí tuệ. Cho đến như vậy, này các
Tỳ kheo, là làm đủ và trả ơn đủ mẹ và cha.” (Tăng chi bộ kinh, phẩm 4:
Tâm thăng bằng, phần 1.11)
Theo ý pháp này, Tổ sư Minh
Đăng Quang khai triển rộng hơn cách đền ơn đối với người thực hành chân lý giải
thoát. Ở trên, chúng ta đã nhắc đến quan điểm của Phật giáo về mối quan hệ giữa
người và người là tất cả chúng sanh đều là cha mẹ mình, không kiếp này thì kiếp
khác. Do đó, đền ơn cha mẹ một cách đầy đủ và hiệu quả nhất, theo nghĩa rộng,
là hướng dẫn càng nhiều chúng sanh về với con đường tu tập đạo đức càng tốt.
Nói cách khác, đền ơn cha mẹ hay trả hiếu theo tinh thần Đạo Phật có ba cấp độ.
Ở mức thấp nhất, một người chăm sóc cha mẹ hiện tiền về phương diện vật chất là
thể hiện tiểu hiếu. Trung hiếu là chúng ta khéo hướng dẫn cha mẹ hiện tiền an
trú trong chánh pháp. Thực hiện đại hiếu là dìu dắt tất cả những người có duyên,
vốn là cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp của mình, ngày càng tiến bộ nhiều hơn về phương
diện tinh thần và tâm linh. Với tâm lượng như thế, trả hiểu hay đền ơn cha mẹ
không phải là trả lại cha mẹ những gì mình đã thọ nhận, mà phạm vi đền ơn và đối
tượng mình trả ơn cần mở rộng ra: “… nuôi
con tức đền ơn cha mẹ, dạy chúng sanh mới là đền ơn tứ đại. .. còn mình thì
mang công ơn của đất nước lửa gió cỏ cây thú người trời Phật…” (Chơn Lý Ăn chay, tr.198). Ngài lại dạy: “Còn đối với bậc trí-huệ lớn lao thì tất cả
chúng-sanh là cha mẹ muôn đời, ta phải báo hiếu chung bằng sự dạy-dỗ đạo-lý, là
ta phải tu hành cho thành đạo đắc-quả trước, rồi mới độ họ sau, chớ không đền
trả bằng cơm áo sanh con.” (Chơn Lý Nam và nữ, tr. 122). Ngài dạy người cư
sĩ tại gia rằng “… nuôi con
tức đền ơn cha mẹ; hoặc người có học, thì phải lo tu đặng giáo hóa, cứu độ cả
chúng sanh chung, mà đền ơn thí chủ cha mẹ muôn đời mới phải. (Chơn Lý Cư sĩ,
tr. 255)
Chơn lý của võ trụ là nương
nhau mà sống, thọ ơn và trả ơn nhau xoay chuyền trong vòng tiến hóa chung. Bản
chất duyên sinh của cuộc sống được đức Tổ Sư nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong
Chơn Lý cho chúng đệ tử khắc ghi, để mọi người biết sống vì người khác trong
tinh thần biết ơn và đền ơn. Ngài dạy “[n]gười giúp ta, ta giúp lại kẻ khác, ai cũng sanh nơi
cha mẹ gốc vốn, và phải nương theo chỗ sanh gốc vốn ấy một lúc đầu. Về sau ta mới
biết tự lo cho ta và đền ơn cha mẹ, là ta giúp đỡ nuôi dạy lại kẻ khác.”(Chơn Lý Ngũ uẩn, tr. 27)
Như vậy, trong cuộc sống cộng
sinh và tương duyên, không nhất thiết khi nhận ở người nào, ở đâu, thì chúng ta
phải trả người đó, ở đó mới được. Ơn là ơn tất cả nên việc gì làm lợi ích cho
người cho đời đều là biểu hiện của lòng biết ơn và đền ơn. Một khi ý thức được
mình thọ ơn nên cần phải biết thi ơn, chúng ta nên mang trong lòng hoài niệm đó
và trong khả năng mình, thể hiện sự đền ơn với tất cứ đối tượng nào, bất cứ khi
nào họ cần đến, trong bất cứ hoàn cảnh nào phù hợp với tâm bao dung rộng lớn để
cùng sống, cùng chia sẻ và cùng tiến hóa. Vô cảm với nỗi đau của người khác,
đóng kín cửa lòng khi người khác cần đến là chúng ta tự bước lui xuống địa vị
thấp thỏi hơn địa vị con người. Đức Tổ Sư dạy:
Kẻ có dư nên bố thí giúp cho người thiếu, ta cho người vay, người trả lại
cho kẻ khác, kẻ khác nữa trả lại ta, khi ta thiếu, hụt; chan hòa cho nhau, theo
lẽ lăn xoay tiến hóa của võ trụ, chớ đừng lại đi lui, mà phải đụng chạm, trở ngại
cho nhau. Nếu là kẻ thật hiền,
thì phải thấy rõ mục đích sanh ra đời là để học, công ơn cơm áo của cỏ cây thú
người Trời Phật, đất, đất nước lửa gió, từ xưa nay phải ráng lo đền trả bằng
cách thi đậu đắc quả làm Phật, thuyết pháp cứu độ đông người, theo lòng mong cầu
của họ.” (Chơn Lý Cư sĩ, tr. 255)
Ngài còn dạy: “nuôi con tức đền ơn cha mẹ, trả nuôi lại
người khác thì mới đủ. Nhược bằng con nuôi lại cha thì nuôi trả, không được trọn,
vì cha già chết sớm, mà còn lại khổ vô ích vì nhau. Chơn-lý ấy để trừ tham, diệt
khổ, dạy cho người hiền, tấn hóa để an vui.” (Chơn Lý Nam và nữ, tr. 122).
Rõ ràng ý pháp của đức Tổ Sư
dễ dàng nhận ra ở đây rằng, nếu ta thọ ơn một người nào đó mà trả ơn ngay lại
cho người đó thì vòng quan hệ của ta chỉ khép kín trong vòng nhỏ hẹp của hai cá
nhân. Chi bằng ta mở rộng vòng tay tình người, gieo duyên thêm với nhiều người
khác bằng cách thọ ơn người này, ta lại chủ động thi ơn cho người khác với tâm
niệm trả ơn, rồi người ấy tiếp tục gieo duyên thi ơn với người khác nữa cùng
trong tâm thế đó. Như thế, vòng nhân duyên gắn kết nhau tự mình mở rộng ra một
cách tự nhiên để rồi chúng ta càng ngày càng mở rộng vòng tay thân ái với nhiều
người và coi tất cả như người thân yêu của mình. Thêm người thân thì bớt người
thù, đó là lẽ tất nhiên ở đời. Một khi coi tất cả trong thế giới đại đồng này đều là
ân nhân thì rõ ràng, ăn thịt thú vật là ăn thịt chính người thân yêu, người ân
của chính mình. Đức Tổ Sư dạy “ta ăn thịt thú là ăn thịt mẹ cha chẳng là vong ơn bội
nghĩa bất hiếu hay sao?”(Chơn Lý Ăn chay, tr. 203). Như vậy, khái niệm ‘báo
hiếu’ trong Đạo Phật có ý nghĩa rộng hơn và đòi hỏi nghiêm ngặt hơn.
Trong Chơn Lý, đức Tổ Sư ba
lần lặp lại “nuôi con tức đền ơn cha mẹ”
(tr. 122, 198 và 255) để nhắc chúng ta nhớ đến mối liên kết duyên sinh giữa
mình và mọi người để thoát ra tâm lý đền ơn là trả lại cho chính người mình thọ
ơn. Với cách đền ơn ‘dây chuyền’ này, tâm chúng ta cảm thấy rộng mở, thoáng
đãng, thoải mái, nhẹ nhàng hơn, khi thọ ơn một người, ta không cần tìm ngay đến
người ấy để trả ơn ngược lại, vì làm như thế, vẫn không đủ và không trọn để gọi
là đền ơn và dễ tạo ra tâm lý co cụm, khổ sở và bất an. Đến đây, chúng ta thấy
được ý nghĩa sâu xa của việc đền ơn là tự nguyện thi ơn với người khác trong
ý pháp của đức Tổ Sư, đó là trừ tham, diệt
khổ, dạy cho người hiền thiện tấn hóa để an vui.
Tài
liệu tham khảo:
Minh Đăng Quang. Chơn Lý. Nhà xuất bản TP. Hồ Chí Minh, 1998.
Tăng
chi bộ kinh. H.T. Thích Minh Châu dịch. Viện Nghiên cứu Phật học Việt
Nam ấn hành, 1996
Trung
bộ kinh (tập III). H.T. Thích Minh Châu dịch. Viện Nghiên cứu Phật học Việt
Nam ấn hành, 1992
Tương
ưng bộ kinh. H.T. Thích Minh Châu dịch. Viện Nghiên cứu Phật học Việt
Nam ấn hành, 1997.