Trong nội dung điều thứ ba (trong 108 điều
dạy), Ngài Dalai Lama dạy rằng, “khi có kẻ gây ra tổn
thương cho mình thì không nên do dự một chút nào cả, hãy tha thứ cho họ”.
Dễ nói khó làm
Đây
là một việc làm tốt, thế nhưng không dễ làm chút nào. Ta có thể
khuyên người khác thực hành điều này vì biết rõ nó đưa đến lợi ích
cho nhiều người. Ta nghĩ rằng mình có thể tha thứ dễ dàng khi chưa “đụng
chuyện”, khi chưa bị người làm tổn thương. Thế nhưng khi xúc cảnh, bản
ngã bị chạm đến, ta nhói đau và sự tha thứ lúc này là cả một thử
thách lớn.
Gây tổn thương? Thật ra họ
không cố ý mà!
Nếu
chỉ chăm nhìn về một hướng là những nỗi đau người khác gây cho ta, ta
không thể nào tha thứ được. Cần phải có một hướng nhìn mới hơn,
tích cực hơn dựa trên hiểu biết và yêu thương thì trí ta mới đủ
sáng, tâm ta mới đủ rộng để có thể tha thứ. Đây là hướng đức Phật
khuyên dạy ta, các bậc tiền bối nhắc khuyên ta từ kinh nghiệm thực
tiễn của quý vị và gần nhất là lời khuyên chan chứa ân tình của
Ngài Dalai Lama. Ngài dạy rằng, “nếu
nghĩ đến những gì đã thúc đẩy họ hành động như vậy thì quý vị tất sẽ thấy rằng
đấy chính là những thứ khổ đau mà họ đang phải gánh chịu, chứ không phải là do
họ quyết tâm và cố tình làm tổn thương và gây tai hại cho quý vị”.
Để có sự tha thứ chân
thật, ta cần thấy được những nỗi khổ đau của người kia, thấy được những gì họ
làm đều có nguyên nhân sâu xa từ những tập khí không lành mà do môi trường sống
của bản thân người đó tạo nên mà khả năng người ấy không đủ cưỡng lại,
hoặc được thừa hưởng từ những hạt giống của ông bà, cha mẹ người đó trao
truyền mà họ không có quyền lựa chọn. Và thật sự họ không muốn làm những
điều như vậy, thật sự họ không muốn làm tổn hại đến chúng ta. Họ là người gây
ra những lời nói đó, những việc làm đó, nhưng họ cũng chính là nạn nhân của
những gì họ nói và làm. Khi hiểu và nhìn ra được họ không cố ý, lòng ta
vơi nhẹ hơn nhiều. Khi hiểu họ cũng khổ đau, thậm chí còn nhiều hơn
ta, vì những vụng về của họ, ta tha thứ dễ dàng hơn.
Tha thứ là hành động có ý thức
Ngài
Dalai Lama dạy tiếp “Tha thứ là một
cách xử sự tích cực dựa vào sự suy nghĩ, chứ không hề là một việc bỏ qua cho
xong chuyện. Tha thứ là một hành động ý thức, căn cứ trên sự hiểu biết và chấp
nhận thực trạng của những tình huống xảy ra với mình”. Sự sống
lúc nào cũng chấp nhận ta, nó chỉ chờ ta tự chấp nhận chính mình và chấp
nhận những gì xảy ra quanh mình mà thôi. Tha thứ không có nghĩa là ta bấm
nút cho qua để xong chuyện, hoặc gồng mình gánh chịu tất cả những
hậu quả từ việc làm của người khác, hoặc tưởng tượng rằng một ngày nào
đó những nỗi đau trong ký ức đơn giản là biến mất một cách tự nhiên. Tha
thứ thật sự có thể làm được và có ý nghĩa khi ta ý thức được mạng lưới
chằng chịt nối liền của nhân duyên, của những điều kiện đã tạo nên hành động
của mình và của người. Trên cơ sở của sự hiểu biết đó, ta sẽ biết thương
mình và người khác nhiều hơn và thật hơn.
Đồng bệnh tương lân
Người
ta thường nói “đồng bệnh tương lân”, cùng bệnh biết thương yêu nhau,
quả thật như vậy. Xét cho cùng, tất cả chúng ta đều chưa là người
giác ngộ, thì tham, sân, si là tài sản chung của tất cả. Dưới sự
tác động của ba độc này mà ai đó vụng về làm tổn thương đến ta,
thay vì giận hờn trách móc, ta khởi tâm thương họ, cũng như thương
chính mình, khi chưa thoát ra khỏi vòng kềm tỏa của tham, sân và si.
Khởi tâm thương họ mà tha thứ, khởi tâm thương họ mà cảnh tỉnh mình,
khởi tâm thương họ khi thấy sự liên hệ mật thiết giữa mình và người,
giữa người gây ra tổn thương và người hứng chịu tổn thương ấy.
Đức Phật có dùng một ví dụ rất
hình tượng để diễn tả tính cách liên quan và liên đới, mối quan
hệ nhân quả của những sự kiện xảy ra với nhau. Khi nước trong đại dương
theo thủy triều dâng lên cao, nước trong các con sông cũng sẽ dâng lên
theo; khi nước sông dâng lên, nước trong các hồ lớn, kênh rạch cũng sẽ dâng
lên. Khi nước trong đại dương theo thủy triều hạ xuống thấp, nước trong trăm
con sông cũng sẽ hạ thấp, và nước trong hồ, kênh, rạch cũng thế. (Tương ưng bộ kinh, tập II, chương I, phẩm
7, kinh số 9 [Sii. 118]) Sức hút của mặt trăng tác dụng lên khối lượng nước
trên quả đất khiến chúng chuyển động rất tương hợp với nhau. Khi một cái này
phát khởi lên, sẽ khiến một cái kia có liên hệ với nó phát khởi lên theo. Bất cứ
một sự kiện nào có mặt chắc chắn cũng sẽ bị điều kiện bởi một cái khác. Cũng
thế, tất cả mọi yếu tố có liên hệ đến sự hiện hữu của ta – thân này, tâm này,
thế giới trong ta, thế giới quanh ta – đều có một mối liên hệ rất mật thiết
với nhau.
Cuộc sống rồi sẽ vui tươi hơn
Cuộc sống luôn vận hành không
ngừng, nhưng vì chưa thấu hiểu quy luật vô thường này nên chúng ta
thường có nhiều định kiến, chính điều này nhấn chìm chúng ta trong
khổ đau do chính mình tạo ra. Như một cuộn phim sống động, cuộc sống
sinh động đầy thú vị, ta lại có cái nhìn “chụp hình” ở thế tĩnh.
Lấy cái tĩnh áp đặt lên cái động đã là phi khoa học rồi. Như người
ngồi trên thuyền đang vận hành mà đánh rơi thanh kiếm giữa dòng sông, kiếm
rơi xuống dòng nước chảy, thuyền vẫn cứ đi, mà ta lại đánh dấu ở
mạn thuyền “kiếm rơi tại đây” để rồi khi thuyền cập bờ ta cố công
tìm thanh kiếm ngay vị trí đánh dấu ở mạn thuyền thì làm sao có
kiếm? Tha thứ là không “khắc chu cầu kiếm” khi tạo cho người kia cơ
hội làm mới tích cực hơn. Tha thứ là ta biết trân trọng giá trị của
giáo dục, nhất vai trò của môi trường giáo dục, trong quá trình hoàn
thiện con người. Tha thứ, là ta trao cho người từng làm tổn thương
mình một niềm tin, một sự tôn trọng cần thiết để họ nỗ lực vươn lên
trong cuộc sống.
Khi có thể tha thứ
thật lòng, tình thương như một chất liệu tự nhiên trong lòng của chúng ta có
mặt thật sự. Và sự tha thứ, tình thương này chính là nước mát mẻ làm lành
những vết thương mà người kia đã làm cho ta đau khổ.