Saturday, April 12, 2014

TRÍ TUỆ TÂM LINH Vs. TÔN GIÁO

Muốn hiểu “trí tuệ tâm linh”, chúng ta cần hiểu hai từ “tâm linh” và “trí tuệ”. Từ “tâm linh”, nói như Trần Đình Hoành,  là “trái tim linh thiêng” của mỗi chúng ta. Tức là các tầng sâu thẳm của trái tim ta mà nhiều khi ta chưa khám phá đến. Như vậy, ta tạm hiểu rằng, tâm linh nằm trong bản chất sâu thẳm của lương tâm con người, là phần tinh túy nhất, uyên nguyên nhất, thể hiện bản chất thiện lành nhất của một con người.
Còn trí tuệ, diễn đạt một cách đơn giản nhất, là kỹ năng sử dụng những gì chúng ta biết theo cách đúng nhất, đúng nơi đúng chỗ nhất, đúng thời điểm nhất với một mục đích đúng nhất.
Nói đến trí tuệ tâm linh là nói đến động cơ thiện lành sâu thẳm từ trong tâm làm nền tảng cho thái độ sống, cách sống, cách thể hiện mình trong mối liên kết với thế giới và con người một cách hợp lý nhất (hợp lý về nội dung, nơi chốn, thời điểm, mức độ và mục đích).  Nói cách khác, trí tuệ tâm linh là trí tuệ mà qua đó, chúng ta thể hiện được ý nghĩa cuộc sống, mục đích sống với động cơ thánh thiện nhất xuất phát từ nơi sâu thẳm nhất của tâm mình.
Người ta hay nhầm lẫn tâm linh với tôn giáo, vì tất cả tôn giáo chân chính đều lấy tâm linh, trái tim linh thiêng của con người, làm gốc.  Tôn giáo chân chính và đúng đắn tất nhiên có vai trò hướng con người phát triển trí tuệ tâm linh. Người theo tôn giáo đúng nghĩa phải là nhà giáo dục tâm linh.
Tuy nhiên, trong tôn giáo, ngoài cốt lõi là tâm linh, hệ thống tôn giáo còn có thêm nhiều yếu tố khác, vốn không thuộc về tâm linh như: nghi lễ, tượng ảnh, thờ phượng, kinh sách, lễ phục, lễ đường, hệ thống quản lý và cả quyền lực, tiền bạc, đoàn thể và nhiều thứ khác nữa. Những thứ này không phải là tâm linh, nhưng không thể thiếu trong tôn giáo. Nếu tôn giáo nào hoặc người tu thuộc tôn giáo nào thiên về các yếu tố tôn giáo không thuộc về tâm linh thì tôn giáo ấy, người tu ấy càng xa tâm linh.
Như vậy, từ “tâm linh” trong trí tuệ tâm linh không nhất thiết có mối liên hệ nào với tôn giáo cả. Có người có chỉ số trí tuệ tâm linh cao nhưng lại không theo một tôn giáo nào cả, khi họ biết đánh động lương tri thánh thiện, lấy đó làm nền tảng để sống và cư xử với mọi người nhưng không khép mình vào một khuôn khổ tôn giáo nào. Ví như có người tự nguyện sống theo 5 nguyên tắc đạo đức căn bản mà Đức Phật dạy cho người cư sĩ tại gia (không giết người, không trộm cắp, không ngoại tình, không nói sai sự thật, không uống rượu và các chất gây say) vì họ thấy được lợi ích từ nếp sống này, nhưng họ không quy y để trở thành một phật tử vậy.  Ngược lại, có người rất sùng đạo mà có chỉ số trí tuệ tâm linh thấp, khi họ thiên về các phương diện khác của tôn giáo mà không đặt nền tảng vào tâm linh bên trong. Ví như người đi chùa lễ lạy, cầu nguyện mà không hướng đến một đời sống tích cực, thiện lành từ lương tri thánh thiện của mình vậy.
Trí tuệ tâm linh là một kỹ năng sống trong đó, chúng ta biết đánh động phần sâu thẳm nhất, linh thiêng nhất trong tâm của mỗi người để sống khiêm tốn vô điều kiện, thành thật vô điều kiện và thương yêu người vô điều kiện, góp phần xây dựng và phát triển thế giới ta sống ngày càng tươi đẹp mà không có một điều kiện nào.