Những đặc tính thể hiện người trưởng thành, chững chạc về
trí tuệ tâm linh rất đa dạng, chưa tìm được tiếng nói chung giữa các nhà tâm
lý. Thế nhưng, tất cả đều đưa ra các phương diện, tiêu chỉ bao hàm trong các đặc
tính căn bản: khiêm tốn, thành thật và thương yêu. Mục tiêu tột cùng là phát
triển các đặc tính trên đến mức không giới hạn và không điều kiện.
Khiêm tốn
Khiêm tốn nghĩa là biết đánh giá
cái hay của mình một cách vừa phải. Khiêm tốn là một đức tính tốt, là không tự
mãn những gì mình có hay làm được. Khiêm tốn có hàm nghĩa kính nhường có ý thức, là biết mình, hiểu người, có ý thức và
thái độ đúng mức trong việc đánh giá bản thân, không tự mãn, tự kiêu, không tự
cho mình hơn người, không tự mình đề cao vai trò của cá nhân. Người khiêm tốn
hoàn toàn biết mình, hiểu người, không tự thấy mình là cái rốn của vũ trụ, ca tụng
cá nhân mình, coi thường hay giẫm đạp người khác để thấy mình cao.
Nhiều người cho rằng khiêm tốn là hạ mình cho bằng người. Thật ra, không
phải và không cần thiết như vậy. Một khi có ý niệm “hạ mình”, ta đã tự thấy
mình ở vị trí cao hơn người ta, như vậy là đã tự cao ngay từ điểm xuất phát rồi.
Khiêm tốn là thấy người ta bằng mình, từ trong sâu thẳm của lòng mình, chứ
không phải làm cho ra vẻ để được tiếng khen mình khiêm tốn. Khiêm tốn là một
thái độ sống tôn trọng tính bình đẳng của tất cả và đó là nền tảng để ta ứng xử,
suy nghĩ, nói năng sao cho chừng mực, vừa phải. Khiêm tốn không phải là thiếu tự
tin, nhưng tự cao là tự tin quá mức, không biết mình biết người. Người khiêm tốn
luôn biết kính trên nhường dưới. Thái độ này không phải thể hiện ở hành vi bề
ngoài mà từ sâu trong nhận thức, một thái độ không độc quyền chân lý, không lấy
mình làm tâm điểm. Trong tâm không khiêm hạ mà chỉ thể hiện ở vẻ nhún nhường bề
ngoài thì đó là sự khúm núm, đê hèn và giả tạo. Khiêm tốn được chiết xuất từ
trong tầng sâu thẳm nhất của tâm, do vậy, một khi nó toát ra từ một con người,
nó đã thấm nhuần trong từng mạch máu của người ấy. Đây là một đặc tính có tính
bản chất được thể hiện từ bên trong ra ngoài, chứ không phải từ ngoài huân vào.
Balzac nói rằng “Modesty is the conscience of the body” (Sự khiêm tốn là lương
tri của cơ thể).
Cơ sở để nuôi dưỡng đức tính khiêm tốn cả đời
Để có được tính khiêm tốn, chúng
ta cần phải có tầm nhìn rộng lớn và bao quát để thấy rằng, thế giới chúng ta
đang sống luôn vận động, thay đổi không ngừng và không lường. Do đó, trọn cả đời
ta học cũng không thể nào hết những điều mới mẻ từ cuộc sống. Tính tương đối của
tri thức cũng cho ta cơ hội thấy ra và chấp nhận sự giới hạn của bản thân mình
và nghiêng đầu kính nể khi có khối người trên đời này hơn ta. Tri thức mới mẻ
hôm nay trở thành lỗi thời trong tương lai. Cái hay, cái mới hiện tại phải nhường
bước cho những cái hay hơn, mới hơn khi cuộc sống không ngừng biến chuyển. Thế
giới thênh thang này có quá nhiều thứ chúng ta chưa biết, có vô số người tài giỏi
đức độ ta học cả đời cũng không hết. Hiểu biết như vậy, ta có thể nhảy ra khỏi
cái giếng nhỏ hẹp của “mục hạ vô nhân” để thấy bầu trời phía trên bao la thế nào chứ không phải bằng
chiếc miệng giếng hẹp hòi, cố chấp. Vậy thì ta chẳng có lý do gì mà không khiêm
tốn.
Mặt khác, trí tuệ không đơn giản
chỉ có một loại như đường thẳng mà có đa dạng trí tuệ như khối nhiều cạnh. Ví dụ,
với trí thông minh IQ thôi, Howard Gardner chia ra 9 loại trí tuệ (Lúc đầu, ông
chủ trương có 7 loại, sau bổ sung thêm thành 8 rồi 9 loại). Ta cũng có thể gọi
9 phương diện của tri thức, hoặc nói nôm na là “khiếu”. Đó là ông chưa tính trí
tuệ cảm xúc (có thể ông xem đây là trí tuệ nội tâm theo cách phân loại của ông),
trí tuệ tâm linh và nhiều loại trí tuệ khác nữa. Hiểu được sự đa dạng của trí
tuệ, ta thấy rằng có người giỏi về phương diện này nhưng không giỏi về phương
diện khác. Thế thì căn cứ vào đâu mà dám tự cao cho mình hơn người chứ? Người như
Newton mà còn phát biểu: “What we
know is a drop, what we don't
know is an ocean” (điều chúng ta biết chỉ là một giọt nước, những điều
chúng ta không biết là cả một đại dương) thì ta cảm thấy xấu hổ biết dường nào
khi không làm chủ cảm xúc của mình mà móng tâm nghĩ “mình hơn người” dù chỉ
trong một lần khởi tâm? Việt Nam ta cũng có câu “trong nhà nhất mẹ nhì con, ra đường
lắm kẻ còn giòn hơn ta” để khuyên ta luôn phải khiêm tốn, khiêm tốn hoài, khiêm
tốn cả đời cũng không đủ, trong khi tự cao một chút đã là thừa.
Lợi ích của khiêm tốn
Hẳn sẽ không thuyết phục để chúng
ta thực hành và rèn luyện tính khiêm tốn nếu không thấy được lợi ích của đức
tính này. Ở đây, tôi bàn đến một số lợi ích thiết thực của khiêm tốn:
Khiêm tốn giúp chúng ta có cơ hội
để học hỏi tiến bộ
Ngôn ngữ hình tượng thường được dùng để chỉ tri thức của chúng ta
là chiếc cốc. Khiêm tốn giống như lúc nào cũng thấy chiếc cốc nước tri thức của
mình còn vơi; vơi mới có thể chứa thêm được nữa. Ai tự mãn, không khiêm hạ, thì
giống như cốc nước đã đầy, ta không thể hấp thu thêm được điều gì trong cuộc đời
còn quá nhiều điều đáng học hỏi này. Trái lại nếu như ta luôn biết mình, biết
người, coi mình là còn nhiều giới hạn, còn nhiều thứ cần học ở con người và cuộc
sống xung quanh thì ta luôn học hỏi được mọi thứ. Cuộc đời là cuốn sách hữu ích
không có trang cuối cùng. Những gì ta học được chỉ là những trang đầu tiên. Sống
ở đời, còn sống là còn học, còn học còn thấy mình đang sống đúng nghĩa. Ta cần
những bài học cuộc đời để tiến bộ, trưởng thành và hoàn thiện mình trong mọi
lúc mọi nơi.
Khiêm tốn giúp chúng ta bỏ đi thói xấu: kiêu căng, hợm hĩnh…
Khi khiêm tốn, ta không thổi phồng cái ‘ta’ của mình, cái ‘ta’
luôn biện hộ, chống chế cho những sai lầm, vụng về. Khi khiêm tốn, cái mà ta mất
đi chỉ là các thói xấu: tính kiêu căng, tự cao, khoe khoang, hợm hĩnh, những thứ
nếu giữ nó ta sẽ mất rất nhiều thứ khác trong cuộc sống. Khiêm tốn giúp ta thấy
“cần” cuộc sống này hơn, và nhờ đó, chúng ta có nhiều thiện tri thức trong cuộc
sống cộng sinh và duyên sinh này. Như một hệ quả tất yếu, người khiêm tốt dễ sống
hòa đồng với mọi người, có nhiều mối quan hệ tốt và hiệu quả công việc tốt trong
xã hội.
Khiêm tốn giúp ta có tâm bình đẳng
Như trên đã nói, khiêm tốn là thật sự thấy người ta bằng
mình. Khi làm được điều này, tâm bình đẳng, không phân biệt (nhà Phật gọi là xả,
uppekkha) của chúng ta phát triển. Tâm bình đẳng là một trong những nền tảng
căn bản giúp ta có cuộc sống nhẹ nhàng, thanh thản và vui vẻ. Trong bình đẳng,
ta không mất năng lượng và nhọc tâm trong việc so đo, ganh tỵ, tính toán hơn
thua nên tâm khỏe nhẹ an vui. Khi tâm bình đẳng phát triển thuần thục, ranh giới
giữa người và ta nhạt dần, nhạt dần đến khi không còn phân biệt nữa. Khi ấy, tâm bình đẳng này được gọi là xả vô lượng tâm trong
nhà Phật. Lúc này, sẽ không còn chướng ngại gì cả, cuộc sống nhẹ tênh, không
còn rào cản, ta có thể làm bất cứ điều gì vì lợi ích của tha nhân và cộng đồng,
kể cả những việc mà nhiều người thấy đó là ti tiện, thấp hèn. Ví dụ những người
thiện nguyện chăm sóc người già bệnh tật sẵn sàng dọn đổ phân dơ cho người bệnh
là chuyện bình thường.
Làm thế nào để luyện
khiêm tốn?
Bất kỳ một kỹ năng nào trong cuộc sống cũng được hình thành
và phát triển trong môi trường thực tế, đó là môi trường xã hội. Khi xác nhận kỹ
năng điều khiển xe máy để được cấp giấy chứng nhận điều khiển mô tô chẳng hạn,
người lái xe máy phải đi vòng số 8, đi đường mấp mô là để khi tham gia giao
thông thực tế ngoài đường, mình có thể xử lý tình huống tốt, vững tay lái khi
đi qua các đoạn đường cong hay mấp mô để không gây rắc rối cho mình và cho người
cùng đi đường. Chỉ khi nào thực sự tham gia giao thông, ta mới có dịp kiểm chứng
khả năng cầm lái của mình, chứ không thể ngồi tại nhà mà hình dung, giả sử, lý
thuyết suông. Luyện tập đức tính khiêm tốn cũng vậy. Chúng ta không thể ngồi
trong phòng không có ai khác mà rèn tính khiêm tốn. Chỉ trong môi trường xã hội,
qua giao tiếp, qua cách ứng xử, tính cách của con người mới được bộc lộ và ta mới
biết mình khiêm tốn được tới đâu.
Sau đây là một số cách giúp ta sống khiêm tốn:
Thấy những điểm sáng nơi người khác
Khổng Tử nói “tam nhân đồng hành,
tất hữu ngã sư yên” (ba người cùng đi, trong đó ắt có người là thầy ta). Ai
cũng có điều hay để mình học hỏi, không ở lãnh vực này thì ở lãnh vực khác.
Người biết nhìn thấy những điểm sáng ở người khác mới biết mình ở đâu để có thể
học hỏi cái hay từ người khác. Chỉ khi nào ít thấy mình hay, tốt mới thấy được
người khác hay và tốt. Đúng như Ken Blanchard từng nói :“Humility does not mean
you think less of yourself. It means you think of youself less.” (Khiêm tốn
không có nghĩa là bạn nghĩ thấp kém về mình. Nó nghĩa là bạn ít nghĩ về mình mà
thôi).
Biết khen người một cách chân thành
Biết dùng ngôn ngữ chừng mực, đúng lúc để khen người khác một cách chân thành. Biết khen người khác cũng có nghĩa là ta ghi nhận và cảm phục những gì người khác làm được mà không ganh tỵ, “dìm hàng”. Người mà trong tâm đầy lòng đố kỵ, “ganh ăn tức ở” thì chẳng bao giờ biết bố thí cho người khác một lời khen chân thành đâu. Biết khen đúng là biểu hiện của người khiêm tốn vậy.
Nhanh chóng nhận khuyết điểm và nói lời xin lỗi
Con người ai cũng có sai lầm. Biết vậy nhưng người kiêu căng từ chối nhận lỗi vì không muốn cái bản ngã của mình bị tổn thương. Thế nhưng, chân thành nhận lỗi thật ra được nhiều hơn mất. Người khư khư không nhận lỗi sẽ có nguy cơ tái phạm lại lầm lỗi trên, và thường có xu hướng tách mình ra khỏi cộng đồng, lạnh lùng với người khác trong cuộc sống. Người khiêm tốn có nhận thức rõ về mình, về người thì sẽ không khó khăn trong việc nhận lỗi. Khi nhận lỗi và xin lỗi ta xóa đi quá khứ và đặt nền tảng tốt đẹp hơn cho quan hệ mới trong tương lai.
Lời “xin lỗi” là dấu hiệu thiện chí để điều chỉnh điều sai trái đã phạm. Chấp nhận mình có sai sót mới có quyết tâm sửa để hoàn thiện hơn trong tương lai. Albert Einstein nói “Anyone who has never made a mistake has never tried anything new” (ai không bao giờ phạm sai lầm sẽ không bao giờ biết cố gắng để làm mới gì cả).
Biết khen người một cách chân thành
Biết dùng ngôn ngữ chừng mực, đúng lúc để khen người khác một cách chân thành. Biết khen người khác cũng có nghĩa là ta ghi nhận và cảm phục những gì người khác làm được mà không ganh tỵ, “dìm hàng”. Người mà trong tâm đầy lòng đố kỵ, “ganh ăn tức ở” thì chẳng bao giờ biết bố thí cho người khác một lời khen chân thành đâu. Biết khen đúng là biểu hiện của người khiêm tốn vậy.
Nhanh chóng nhận khuyết điểm và nói lời xin lỗi
Con người ai cũng có sai lầm. Biết vậy nhưng người kiêu căng từ chối nhận lỗi vì không muốn cái bản ngã của mình bị tổn thương. Thế nhưng, chân thành nhận lỗi thật ra được nhiều hơn mất. Người khư khư không nhận lỗi sẽ có nguy cơ tái phạm lại lầm lỗi trên, và thường có xu hướng tách mình ra khỏi cộng đồng, lạnh lùng với người khác trong cuộc sống. Người khiêm tốn có nhận thức rõ về mình, về người thì sẽ không khó khăn trong việc nhận lỗi. Khi nhận lỗi và xin lỗi ta xóa đi quá khứ và đặt nền tảng tốt đẹp hơn cho quan hệ mới trong tương lai.
Lời “xin lỗi” là dấu hiệu thiện chí để điều chỉnh điều sai trái đã phạm. Chấp nhận mình có sai sót mới có quyết tâm sửa để hoàn thiện hơn trong tương lai. Albert Einstein nói “Anyone who has never made a mistake has never tried anything new” (ai không bao giờ phạm sai lầm sẽ không bao giờ biết cố gắng để làm mới gì cả).
Ngồi lắng lòng với chính mình
Hãy lay động tầng tâm thức sâu thẳm nhất của mình bằng những cách dành những khoảng lặng sau những công việc bộn bề của cuộc sống, sau những cuộc giao tiếp với mọi người để dành những phút giây sống với chính mình. Ngồi thư giãn, hít thở nhẹ nhàng, để tâm trở về với tĩnh lặng, quán chiếu, ta sẽ nhận ra mối giao hòa giữa cá nhân và vũ tru bao la, giữa ta với bao người khác, quen cũng như không quen, thậm chí với bao loài sinh vật khác. Từ tận đáy lòng mình, ta ý thức được bản thân mình trong mối quan hệ rộng lớn và liên đới ấy, ý niệm khiêm tốn được nuôi dưỡng và chăm sóc.
Hãy lay động tầng tâm thức sâu thẳm nhất của mình bằng những cách dành những khoảng lặng sau những công việc bộn bề của cuộc sống, sau những cuộc giao tiếp với mọi người để dành những phút giây sống với chính mình. Ngồi thư giãn, hít thở nhẹ nhàng, để tâm trở về với tĩnh lặng, quán chiếu, ta sẽ nhận ra mối giao hòa giữa cá nhân và vũ tru bao la, giữa ta với bao người khác, quen cũng như không quen, thậm chí với bao loài sinh vật khác. Từ tận đáy lòng mình, ta ý thức được bản thân mình trong mối quan hệ rộng lớn và liên đới ấy, ý niệm khiêm tốn được nuôi dưỡng và chăm sóc.