Chúng ta nói nhiều về trí thông minh và không
ít người mặc nhiên coi chỉ số thông minh IQ là thước đo duy nhất mức độ thông
minh của cá nhân. Lâu nay, nhiều người tin rằng chỉ số thông minh quan trọng
đến mức xem nó là tham số chính, thậm chí duy nhất, để xác định tiềm năng thành
công trong mọi lãnh vực của một cá nhân mà không cần tham khảo thêm chỉ số nào
khác.
Hẳn là chỉ số thông minh là tham
số đáng tin cậy để dự đoán trí thông minh, nhưng mà ta có nhiều thứ quan trọng
không kém chỉ số thông minh. Chúng ta không chỉ có bộ não trên đôi chân mà con
người là một thực thể bao gồm nhiều phương diện vật lý-trí tuệ-cảm xúc-đạo
đức-tâm linh. Nếu bỏ qua một trong các phương diện trên, con người sẽ phát
triển lệch lạc, thiếu cân bằng, thậm chí không bình thường.
Trí tuệ cảm xúc EQ (emotional quotient) được
các nhà tâm lý chú tâm nhiều vào những năm 90 của thế kỷ 20. Nhà tâm lý học
Daniel Goleman đã dành trọn cuốn sách với tựa đề Emotional Intelligence: Why It Can Matter More Than IQ để chỉ ra EQ
quan trọng thế nào trong cuộc sống. (Blog
này đã có vài entry viết về trí tuệ cảm xúc)
Không lâu sau đó, các nhà tâm lý học Dana
Zohar và Ian Marshall nhận ra một phương diện khác về trí tuệ con người, gọi là
trí tuệ tâm linh SI (Spiritual Intelligence) được xác định qua chỉ số trí tuệ
tâm linh SQ (spirital quotient). Loại trí tuệ này liên quan đến các vấn đề về ý
nghĩa cuộc sống và các giá trị tuyệt đối. Entry này dành để giới thiệu về loại
trí tuệ này.
Dana Zohar định nghĩa về trí tuệ tâm linh như
sau “tôi nghĩ tâm linh nằm trong bản chất
sâu thẳm của con người, có tính chất tuyệt đối liên hệ với nền tảng của chơn
ngã. Các nhà vật lý có thể gọi đó là không lượng tử. Những người có tôn giáo có
thể coi đây là thượng đế. Người theo Phật giáo có thể gọi là trạng thái chứng
nghiệm. Gọi nó bằng tên gì không phải là vấn đề quan trọng. Ngay cả trong vật
lý có một loại tực tại nền tảng như là cơ sở cấu tạo vạn vật.”
Trí tuệ tâm linh còn được mô tả là “trí tuệ mà ta dùng để giải quyết các vấn đề
về ý nghĩa và giá trị, trí tuệ mà chúng ta có thể sắp đặt hành động và tổ chức cuộc
sống của mình vào trong một môi trường rộng hơn, phong phú hơn và có ý nghĩa
hơn, trí tuệ có thể giúp chúng ta hành động hay chọn một hướng đi có ý nghĩa
nhất.” (Kathleen Noble)
Trí tuệ tâm linh được xem là trí tuệ cao nhất
của con người. Với trí tuệ tâm linh, chúng ta có thể giải quyết các vấn đề liên
quan đến ý nghĩa sống, chất lượng sống và giá trị sống. Ví dụ, là con người,
chúng ta thường xuyên để tâm đến các vấn đề liên quan đến ý nghĩa và giá trị căn
bản như tại sao chúng ta được sinh ra? Ý nghĩa đích thực của cuộc sống là gì?
Liệu công việc chúng ta đang làm có đem lại sự thỏa mãn cho ta? Tôi có liên
quan với tự ngã của mình và với người khác không? Làm thế nào để ta có thể đem
lại hạnh phúc cho mình và cho người? Liệu ta có nên tiếp tục nỗ lực bước tiếp
trên con đường ta đang di dù cho rất mệt mỏi và chán chường? Khi trả lời thỏa
mãn các câu hỏi trên, chúng ta đạt được hạnh phúc và trí tuệ tâm linh, chứ
không phải trí thông minh hay trí tuệ cảm xúc, giúp chúng ta tìm ra giải pháp
tốt hơn cho các vấn đề này.
Có thể nói rằng trí tuệ tâm linh là sự kết
hợp và giao thoa giữa trí thông minh và trí tuệ cảm xúc. Đây là loại trí tuệ
dung hòa giữa tư duy lý trí và tư duy tình cảm mà chỉ có con người mới có khả
năng này. Con người khác con vật và cái máy vi tính nhờ có trí tuệ tâm linh.
Động vật có trí tuệ cảm xúc và máy tính
có thể tính toán nhưng chúng không có trí tuệ tâm linh. Trí tuệ tâm linh thể
hiện cách sống toàn thiện và toàn diện: thuần thiện, tự ý thức tốt, có tâm từ,
sáng tạo, có suy nghĩ tốt, có khả năng lý giải vấn đề một cách hợp lý… Trí
tuệ tâm linh giúp chúng ta nhận ra và có
cách giải quyết các vấn đề về ý nghĩa và giá trị sống để rồi chúng ta có khả
năng định hướng tư tưởng, hành động của mình đến chân trời rộng hơn và ý nghĩa
hơn. Với trí tuệ tâm linh, chúng ta dễ dàng phân biệt đúng-sai, thiện-ác và
thấy ra nhiều con đường đi trong cuộc sống và chọn cho mình con đường tốt nhất.
Zohar và Marshall kết hợp hai truyền thống đông
và tây với nhau khi dùng biểu tượng hoa sen để diễn đạt các loại trí tuệ. Các
cánh bên ngoài của đóa sen tượng trưng cho trí thông minh, lớp giữa chỉ cho trí
tuệ cảm xúc và nhân ở trung tâm là trí tuệ tâm linh. Khi ta nhìn đóa hoa sen,
đầu tiên là ta thấy các cánh lớp bên ngoài. Tương tự như vậy, chúng ta có thể ý
thức “mình nghĩ gì” trên bề mặt của cuộc sống. Khi chúng ta đi sâu hơn vào lớp
giữa, suy nghĩ của chúng ta hiệu quả hơn khi ý thức được “mình nghĩ gì”. Sâu
thêm một tí, khi chúng ta biết hòa hợp giữa suy nghĩ và cảm nghĩ với nhau,
chúng ta đi sâu hơn vào trung tâm của đóa sen và trở nên hiệu quả hơn nữa khi
ta biết rõ “mình là ai”. Như vậy, trí thông minh, trí tuệ cảm xúc và trí tuệ
tâm linh là ba phương diện căn bản nhất tạo nên sự phát triển cân bằng và hoàn
thiện ở một con người.
Các
nhà nghiên cứu, tâm lý đưa ra nhiều mô thức và định nghĩa khác nhau. Các mô thức
và định nghĩa về trí tuệ tâm linh xác định các thiên hướng, phẩm chất và khả
năng của nhận thức, trực giác và tri thức con người.
(Còn nữa)