Tuesday, April 15, 2014

TRÍ TUỆ TÂM LINH (Kỳ 2: KHIÊM TỐN)


Những đặc tính thể hiện người trưởng thành, chững chạc về trí tuệ tâm linh rất đa dạng, chưa tìm được tiếng nói chung giữa các nhà tâm lý. Thế nhưng, tất cả đều đưa ra các phương diện, tiêu chỉ bao hàm trong các đặc tính căn bản: khiêm tốn, thành thật và thương yêu. Mục tiêu tột cùng là phát triển các đặc tính trên đến mức không giới hạn và không điều kiện.
Khiêm tốn
Khiêm tốn nghĩa là biết đánh giá cái hay của mình một cách vừa phải. Khiêm tốn là một đức tính tốt, là không tự mãn những gì mình có hay làm được. Khiêm tốn có hàm nghĩa kính nhường có ý  thức, là biết mình, hiểu người, có ý thức và thái độ đúng mức trong việc đánh giá bản thân, không tự mãn, tự kiêu, không tự cho mình hơn người, không tự mình đề cao vai trò của cá nhân. Người khiêm tốn hoàn toàn biết mình, hiểu người, không tự thấy mình là cái rốn của vũ trụ, ca tụng cá nhân mình, coi thường hay giẫm đạp người khác để thấy mình cao.

BUỒN CHO CÁCH XỬ LÝ CỦA NGƯỜI LỚN (Đọc báo)

Thật ra, nhiều khi ta không làm chủ được cảm xúc của mình mà có những suy nghĩ, hành vi và lời nói không thể chấp nhận được. Cả một tập thể người lớn đối xử với một đứa bé  lớp 7 lỡ tay lấy 2 cuốn sách như thế này thì quá đáng. Đây là cách để thỏa mãn sự bực tức, giận dữ của người lớn, xúc phạm đến nhân cách, danh dự và tổn thương tâm lý trẻ hơn là để giáo dục em bé này.

Buồn khi người ta dễ dàng làm nhục người khác, ngay cả đối với những em bé thế này!





Mấy ngày nay, cộng đồng mạng phẫn nộ trước bức ảnh một nữ học sinh bị bắt trói và đeo tấm biển với dòng chữ “Tôi là người ăn trộm” trong một siêu thị. Sau khi bức ảnh được đăng tải, nhiều người dân ở nơi xảy ra sự việc là thị trấn Chư Sê (Chư Sê, Gia Lai) đã gọi điện phản ánh tới báo Dân trí, bày tỏ nỗi bức xúc về cách hành xử của siêu thị này.
Theo đó, nữ sinh bị làm nhục là em S. đang học một trường THCS ở huyện Chư Sê. Sự việc được nhà trường cho biết, hôm xảy ra sự việc là khoảng gần 13h chiều ngày 10/4, em S. và một bạn học đi vào một siêu thị ở thị Trấn Chư Sê (siêu thị V.Y.) để mua giấy kiểm tra. Em S. có vài nghìn đồng để trong cặp nhưng cặp được gửi tại quầy nhân viên. Khi S. và bạn đến khu vực mua giấy kiểm tra thì được biết giấy kiểm tra đã hết. S. thấy 2 quyển truyện mình yêu thích là “Trạng Quỳnh- Sư Bảo Mẫu” và “Trạng Quỳnh- Ngọc Người” (mỗi cuốn giá 10 nghìn đồng) nên đã cầm lên với ý định sau khi ra quầy lấy cặp sẽ trả tiền.
Khi S. chuẩn bị đi xuống phía cầu thang siêu thị thì bị bảo vệ của siêu thị chạy lại chặn và hô trộm. Sau đó, nhiều người xúm lại, bảo vệ dùng băng keo trói 2 tay cô bé ở lan can cầu thang rồi đi in một tấm biển có dòng chữ “Tôi là người ăn trộm”.

Siêu thị nơi được cho là đã xảy ra vụ nhân viên bắt trói và treo biển làm nhục nữ sinh S.
Siêu thị nơi được cho là đã xảy ra vụ nhân viên bắt trói và treo biển làm nhục nữ sinh S.

Sau khi treo tấm biển trên vào cổ cô bé, nhân viên siêu thị đã tra hỏi địa chỉ, tên cha mẹ, trường lớp, số điện thoại cha mẹ cô bé… Do không nhớ số điện thoại của cha mẹ mình nên nữ sinh đã nhờ bạn đi cùng liên lạc với nhà người bác ở thị trấn Chư Sê để nhờ giúp đỡ. Khi bác cô bé lên, siêu thị đã yêu cầu người thân nộp phạt 200 nghìn đồng rồi mới "tha". Bác S. đã nộp phạt và đưa cháu mình về nhà.
Cô giáo Trang cho biết, sau khi xảy ra sự việc, chiều cùng ngày, S. do quá sợ hãi đã không dám đến trường học tiết thể dục, chỉ ở nhà khóc cả ngày. Phụ huynh lo lắng cho con mình nên đã liên lạc với nhà trường và xin sáng 11/4 được lên trường trình bày sự việc, mong những học sinh khác không phân biệt, kì thị S. Sau khi được cô giáo Trang và Ban giám hiệu nhà trường phân tích, các học sinh trong trường và trong lớp không có thái độ kì thị với S. Tuy nhiên, từ khi xảy ra sự việc, tâm lý của S. vẫn chưa được ổn định, cô bé hay khóc và tỏ ra sợ hãi không dám tiếp xúc với ai, không dám đi ra khỏi lớp giờ ra chơi.

“Khi xảy ra sự việc, chúng tôi đã động viên em S. rất nhiều, Tuy nhiên em S. vẫn còn sợ hãi”, cô Nguyễn Thị Trà Giang, Tổng Phụ trách đội nhà trường cho biết.
Trước sự việc trên, nhiều giáo viên trong trường cũng như người dân bày tỏ sự bức xúc về cách hành xử của siêu thị. “Cháu còn nhỏ và đang trong độ tuổi đi học, đang trong độ tuổi giáo dục mà lại bị đối xử như vậy khiến chúng tôi rất bất bình với cách hành xử trên, khi thấy ảnh của học sinh bị vậy chân tay tôi rụng rời”, một giáo viên trong trường cho biết.
Gia đình em S. cho biết, từ khi xảy ra sự việc đến nay gia đình rất ngại, không dám đi đâu. Gia đình chia sẻ: “Chúng tôi đã nộp phạt cho siêu thị và cũng đã xin lỗi lãnh đạo siêu thị vì hành động dại dột của con mình, chúng tôi cũng không muốn làm lớn chuyện vì dù sao con mình cũng đã sai. Chúng tôi cũng đã răn đe cháu, và cũng sợ cháu làm chuyện dại dột nên luôn động viên giảng giải cho cháu hiểu “con đã làm sai thì con phải biết chịu lỗi của mình”. Từ khi xảy ra sự việc, tâm lý của S. rất buồn do bị các bạn trường khác dị nghị”.
Trước sự việc trên, PV Dân trí đến siêu thị V.Y. để tìm hiểu thực hư nhưng nhân viên siêu thị nói “lãnh đạo đi công tác rất xa”. Khi PV liên lạc qua điện thoại của giám đốc siêu thị thì điện thoại báo không liên lạc được. PV Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.
Thiên Thư

Báo Tuổi Trẻ và nhiều báo khác đăng chính xác tên siêu thị Vỹ Yên (V.Y. trong bài báo trên):
Đối xử với trẻ em tàn nhẫn vậy, cần gì phải giấu tên...






Sunday, April 13, 2014

TRÍ TUỆ TÂM LINH (Kỳ 1)

Chúng ta nói nhiều về trí thông minh và không ít người mặc nhiên coi chỉ số thông minh IQ là thước đo duy nhất mức độ thông minh của cá nhân. Lâu nay, nhiều người tin rằng chỉ số thông minh quan trọng đến mức xem nó là tham số chính, thậm chí duy nhất, để xác định tiềm năng thành công trong mọi lãnh vực của một cá nhân mà không cần tham khảo thêm chỉ số nào khác. 

Saturday, April 12, 2014

TRÍ TUỆ TÂM LINH Vs. TÔN GIÁO

Muốn hiểu “trí tuệ tâm linh”, chúng ta cần hiểu hai từ “tâm linh” và “trí tuệ”. Từ “tâm linh”, nói như Trần Đình Hoành,  là “trái tim linh thiêng” của mỗi chúng ta. Tức là các tầng sâu thẳm của trái tim ta mà nhiều khi ta chưa khám phá đến. Như vậy, ta tạm hiểu rằng, tâm linh nằm trong bản chất sâu thẳm của lương tâm con người, là phần tinh túy nhất, uyên nguyên nhất, thể hiện bản chất thiện lành nhất của một con người.
Còn trí tuệ, diễn đạt một cách đơn giản nhất, là kỹ năng sử dụng những gì chúng ta biết theo cách đúng nhất, đúng nơi đúng chỗ nhất, đúng thời điểm nhất với một mục đích đúng nhất.
Nói đến trí tuệ tâm linh là nói đến động cơ thiện lành sâu thẳm từ trong tâm làm nền tảng cho thái độ sống, cách sống, cách thể hiện mình trong mối liên kết với thế giới và con người một cách hợp lý nhất (hợp lý về nội dung, nơi chốn, thời điểm, mức độ và mục đích).  Nói cách khác, trí tuệ tâm linh là trí tuệ mà qua đó, chúng ta thể hiện được ý nghĩa cuộc sống, mục đích sống với động cơ thánh thiện nhất xuất phát từ nơi sâu thẳm nhất của tâm mình.
Người ta hay nhầm lẫn tâm linh với tôn giáo, vì tất cả tôn giáo chân chính đều lấy tâm linh, trái tim linh thiêng của con người, làm gốc.  Tôn giáo chân chính và đúng đắn tất nhiên có vai trò hướng con người phát triển trí tuệ tâm linh. Người theo tôn giáo đúng nghĩa phải là nhà giáo dục tâm linh.
Tuy nhiên, trong tôn giáo, ngoài cốt lõi là tâm linh, hệ thống tôn giáo còn có thêm nhiều yếu tố khác, vốn không thuộc về tâm linh như: nghi lễ, tượng ảnh, thờ phượng, kinh sách, lễ phục, lễ đường, hệ thống quản lý và cả quyền lực, tiền bạc, đoàn thể và nhiều thứ khác nữa. Những thứ này không phải là tâm linh, nhưng không thể thiếu trong tôn giáo. Nếu tôn giáo nào hoặc người tu thuộc tôn giáo nào thiên về các yếu tố tôn giáo không thuộc về tâm linh thì tôn giáo ấy, người tu ấy càng xa tâm linh.
Như vậy, từ “tâm linh” trong trí tuệ tâm linh không nhất thiết có mối liên hệ nào với tôn giáo cả. Có người có chỉ số trí tuệ tâm linh cao nhưng lại không theo một tôn giáo nào cả, khi họ biết đánh động lương tri thánh thiện, lấy đó làm nền tảng để sống và cư xử với mọi người nhưng không khép mình vào một khuôn khổ tôn giáo nào. Ví như có người tự nguyện sống theo 5 nguyên tắc đạo đức căn bản mà Đức Phật dạy cho người cư sĩ tại gia (không giết người, không trộm cắp, không ngoại tình, không nói sai sự thật, không uống rượu và các chất gây say) vì họ thấy được lợi ích từ nếp sống này, nhưng họ không quy y để trở thành một phật tử vậy.  Ngược lại, có người rất sùng đạo mà có chỉ số trí tuệ tâm linh thấp, khi họ thiên về các phương diện khác của tôn giáo mà không đặt nền tảng vào tâm linh bên trong. Ví như người đi chùa lễ lạy, cầu nguyện mà không hướng đến một đời sống tích cực, thiện lành từ lương tri thánh thiện của mình vậy.
Trí tuệ tâm linh là một kỹ năng sống trong đó, chúng ta biết đánh động phần sâu thẳm nhất, linh thiêng nhất trong tâm của mỗi người để sống khiêm tốn vô điều kiện, thành thật vô điều kiện và thương yêu người vô điều kiện, góp phần xây dựng và phát triển thế giới ta sống ngày càng tươi đẹp mà không có một điều kiện nào.