Sunday, March 23, 2014

THA THỨ VÀ HỶ XẢ (Kỳ 2)

Tha thứ và hỷ xả (Kỳ 1)
Kỹ năng tha thứ

Nếu cảm thấy khó buông xả và tha thứ “trọn gói” một lần với người làm khổ ta như buông thẳng một gánh nặng xuống, hãy thử áp dụng một hoặc nhiều trong số các cách sau đây để dần luyện tập cho mình có kỹ năng tha thứ:

1. Hãy gia tâm vào việc buông bỏ
Không đơn giản là trong một giây một phút hay thậm chí một ngày để có thể buông bỏ niềm đau. Bất cứ cái gì một khi đã tổn thương, cần một thời gian nhất định để chữa lành. Do đó, hãy đầu tư tâm lực vào việc này để thay đổi, vì chúng ta thấy đó, niềm đau làm khổ chúng ta. Buông bỏ là cách để chúng ta đặt gánh nặng mà mình cưu mang trong tâm xuống. Việc tự mang vác gánh nặng thế này không có lợi ích gì cho ta cả. Cần phải khôn ngoan để biết thương mình đúng cách: đừng ghi nhớ tội lỗi của người khác nữa.
2. Nghĩ đến những cái được và mất
Tự hỏi và giải đáp thỏa đáng các câu hỏi  như là, những vấn đề gì gây cho mình đau khổ như vậy? Liệu nó có tác động gì đến mối quan hệ với người này không? Các mối quan hệ với những người khác có bị ảnh hưởng không? Điều  này có làm ảnh hưởng đến công việc và gia đình của mình không? Nó có ảnh hưởng đến việc mình thực hiện ước mơ hoài bão của mình không? Mình có bất an vì điều này không? Nghĩ đến tất cả phương diện mà vấn đề này có khả năng gây ảnh hưởng để nhận ra rằng, chúng ta cần phải thay đổi thái độ của mình. Thế rồi nghĩ đến lợi ích của việc tha thứ. Nếu tha thứ, chúng ta sẽ có nhiều an lạc hạnh phúc hơn, giải phóng khỏi buồn đau trong quá khứ ra khỏi lòng mình, và cải thiện các mối quan hệ với người xung quanh.

3. Nhận ra rằng chúng ta có quyền lựa chọn
Chúng ta không thể điều khiển được hành động của người khác, do đó, đừng cố gắng làm điều này. Thế nhưng, đối với bản thân mình, chúng ta có thể. Chúng ta có khả năng điều khiển không chỉ hành động mà ngay cả ý tưởng của bản thân mình. Chúng ta có thể dừng lại mà không ngồi đó hồi tưởng gặm nhấm nỗi đau, chúng ta có thể chọn lựa cách vượt qua và đi tiếp. Mỗi một con người đều có năng lực để làm việc này, vấn đề là chúng ta cần học cách để ứng dụng nó thế nào cho hiệu quả mà thôi. Hãy lựa chọn khôn ngoan để cuộc sống nhẹ nhàng, ý nghĩa vì ai cũng chỉ có một cuộc đời để sống!

4. Thông cảm
Hãy cố gắng thực hành điều này: hãy đặt mình vào vị trí của người đối diện. Hãy cố gắng hiểu và giải tại sao người ấy hành xử như vậy. Bắt đầu từ giả thuyết rằng người ấy không phải là một người xấu, mà chỉ là người trong một thời điểm không chánh niệm, không kiểm soát được hành vi và dòng cảm xúc của mình mà làm điều gì đó không đúng mà thôi. Những gì đã xảy ra với người  ấy trước đó, những gì người ấy nghĩ trước đó để rồi người ấy đã hành động như vậy? người ấy nghĩ gì trước khi hành động và sau khi hành động? bây giờ người ấy có cảm giác thế nào? Chúng ta không cần nói rằng những gì người kia đã làm là đúng, nhưng thay vì cứ nhìn đúng-sai, hay-dở của người, hãy cố gắng hiểu và thông cảm.

5. Hiểu trách nhiệm bản thân
Cố gắng nhìn lại sự việc một cách khách quan hơn để thấy rằng, dù ít hay nhiều, chúng ta cũng chịu trách nhiệm một phần với những gì đã xảy ra. Liệu trong tình thế đó, mình lẽ ra cần phải làm gì để tránh sự việc đáng tiếc đã xảy ra? hoặc nếu có tình huống tương tự như vậy xảy ra sau này, liệu mình nên làm gì? Làm như thế không có nghĩa mình là nơi để người khác đổ thừa, hoặc mình nhận hoàn toàn trách nhiệm của người khác về mình, nhưng rõ ràng, chúng ta không phải là nạn nhân, mà là người sống trong cuộc đời này.

6. Tập trung vào hiện tại
Bây giờ chúng ta hãy nghĩ xem. Những gì đã xảy ra trong quá khứ, nó đã trở thành dĩ vãng. Nó không thể tái diễn lại, vì lịch sử không bao giờ lặp lại nguyên vẹn. Những gì còn lại là dư âm vang vọng từ trong tâm, mà mỗi lần sống với ký ức, sự việc ấy lại được tái diễn ảo, để cho tâm thăng trầm với các cảm giác ít ảo hơn (vì đau khổ và bất an là có thật!), đó là tiếc nuối (với quá khứ đẹp) hoặc đau buồn khổ sở (với quá khứ không đẹp). Cả hai trạng thái tâm lý này đều là thuốc độc làm cho tâm bất an. Tương lai ư? mịt mù xa lắc xa lơ. Cái thiết thực nhất là hiện tại. Hiện tại nhiệm mầu là quà tặng của cuộc sống. Hãy chú tâm nhiều hơn vào hiện tại và bắt đầu từ nơi ta đang đứng. Hãy xem, chúng ta đang làm gì? Liệu ta tìm thấy được niềm vui nào với những gì đang xảy ra trong ta và quanh ta? Hãy tìm niềm vui trong dòng sống đang tuôn trào. Hãy dừng lại việc tiếc nuối hay đau buồn quá khứ, mơ tưởng tương lai. Mỗi khi tâm nhảy lui về quá khứ hoặc nhảy vọt đến tương lai mà ta không biết chắc, hãy nhẹ nhàng, tế nhị đưa tâm về hiện tại.

7. Hãy đem sự bình an vào cuộc sống của mình
Khi tập trung vào hiện tại, chúng ta nên cố gắng tập trung vào hơi thở. Chúng ta nên nhận ra rằng hơi thở thiết thân với mình nhất, là yếu tố quyết định sự sống còn của chúng ta trong hiện tại. Hơi thở là nguồn năng lượng sống, ra vào giữa thân và môi trường, rồi luân lưu khắp toàn thân thân. Trên đường đi của mình, nguồn năng lượng hơi thở đồng thời mang theo luồng không khí ra vào chứ không phải hơi thở là luồng không khí. Nguồn năng lượng ấy đem sự sống năng động đến, đem sự chết ảm đạm đi. Hãy gởi vào hơi thở vào những tâm niệm tích cực và bình an và gởi theo hơi thở ra những tâm lý tiêu cực và bất an. Hãy đem sự bình an vào cuộc sống của mình theo từng nhịp thở vào ra. Bằng cách này, chúng ta dừng được việc hồi tưởng quá khứ và mơ tưởng (lắm khi hoang tưởng) về tương lai.

8. Nuôi dưỡng tâm từ
Cuối cùng, tha thứ cho một người nào đó, hãy tha thứ thật sự tận đáy lòng  mình. Khi làm được như vậy, chúng ta nhận ra rằng, chính mình là người được chứ không phải đối tượng mình tha thứ. Cái mình được là tâm từ bi rộng mở hơn, bình an trong tâm được nuôi dưỡng và trở nên dày chắc hơn.  Tha thứ, trước và trên hết, là để cho bản thân ta được bình an, hạnh phúc. Khi có tâm từ tròn đầy, ta không chỉ biết cách chế tác hạnh phúc cho bản thân mình mà còn khởi tâm mong muốn người khác, thậm chí ngay cả người đã từng làm tổn thương mình, được an vui hạnh phúc. Điều kỳ diệu này sẽ đến với những ai thực hành mà không phải dành cho người chỉ nói suông trên lý thuyết. Mà thực hành là cả một quá trình và như bất cứ một kỹ năng nào, sự thiện xảo, tinh tế và chất lượng của yêu thương sẽ tăng dần trong quá trình thực hành.

Nên nhớ rằng, tha thứ và hỷ xả  không phải là điều chúng ta làm cho người khác, mà là điều chúng ta làm cho chính mình, vì lợi ích cho chính bản thân mình.

Hãy tha thứ và hỷ xả, bình an và hạnh phúc sẽ ngập tràn lòng ta.
(Nên đọc thêm bài “Thiện, Mỹ và chân (kỳ 3) trên trang blog này để biết cách thực hành tâm từ)