Tuesday, April 24, 2018

YÊU THƯƠNG LÀ THIỆN CHÍ


Yêu thương ai cũng có nhưng yêu thương đúng cách không phải là điều dễ dàng. Hầu hết chúng ta nghĩ rằng, thương yêu là phải thân cận đối tượng mình có cảm xúc yêu thương. Sự thật không hẳn như vậy.
Thương yêu một ai đó đúng nghĩa là thể hiện thiện chí, tâm lành với người đó, chứ không nhất thiết ở gần. Đức Phật dạy chúng ta tập thương tất cả mọi đối tượng, ngay cả người không ưa mình, thậm chí ghét mình nữa. Với người không ưa mình, thân cận họ là một nguồn khổ đau hơn là an lạc; do vậy, thương yêu những người này là tránh xa khỏi tầm ngắm của họ. Thậm chí nếu bạn có thể bao dung, bỏ qua, không giận dai mà người kia còn ôm hiềm hận, sự nỗ lực gần gũi, thái độ thân thiện để xóa bỏ ranh giới sân hận lúc này dễ bị hiểu lầm là “đạo đức giả”.
Cũng có người khi thấy bạn muốn thể hiện lòng yêu thương, liền nhanh chóng lợi dụng lòng tốt ấy. Với những người này, thương yêu là không yếu lòng trước những kịch bản thảm thiết mà họ rất khéo dàn dựng để lợi dụng bạn. Với người lười biếng, yêu thương là làm thế nào đánh động tâm thức họ để họ chịu đi làm, dù bị ghét cũng được.
Và rồi có rất nhiều loài động vật ngoài kia có thể cảm thấy sợ hãi với cách thể hiện tình thương bộc lộ ra bên ngoài của con người. Đối với chim trời cá nước, thương yêu chúng là tôn trọng môi trường sống tự nhiên của chúng, đừng bắt giữ, giam nhốt chúng trong lồng trong chậu để thỏa mãn đam mê của mình. Trong những trường hợp này, thiện chí được thể hiện từ một khoảng cách xa cần thiết, rằng bạn tự hứa với lòng mình không bao giờ làm hại những con người và những chúng sanh kia, trải rộng tâm thương yêu của mình bao phủ họ, mà không cần thân thiện, gần gũi hay chiếm hữu. 
Điều quan trọng là bạn cần biết thể hiện thiện chí thế nào cho phù hợp với từng đối tượng, từng thời điểm, từng tình huống cụ thể. Nên nhớ, yêu thương là thiện chí, chứ không phải cứ một bề thân thiện, vỗ về, gần gũi và quan tâm mới là yêu thương!

Tuesday, April 10, 2018

THUẬN THEO NHÂN QUẢ

Gặp gỡ, quen biết ai trong cuộc sống này, ngẫm lại, có duyên mới gặp. Những mối quan hệ mà xã hội đặt để trách nhiệm như quan hệ huyết thống, quan hệ hôn nhân… lại càng có duyên sâu dày hơn, có thể duyên kết từ nhiều kiếp trước, chứ không chỉ một kiếp. Các mối quan hệ xã hội khác cứ ngỡ là mình có quyền chọn, thật ra là do “nghiệp của mình chọn” cũng quanh quẩn trong những duyên mình đã tạo từ trước.
Vậy đủ biết: người thân kiếp này phần lớn là người đã thân quen từ kiếp trước; bạn tốt kiếp này phần nhiều là người bạn đã đối xử tốt ở một hoặc nhiều kiếp trước; người gây phiền phức cho bạn hầu hết là người bạn đối xử tệ bạc ở kiếp trước. Hiểu như vậy để bạn không quá bận tâm vào những điều tưởng chừng như vô lý ở đời. Hiểu như vậy để bạn tiếp tục nuôi dưỡng những mối quan hệ tốt đẹp đang có, hóa giải những hiềm hận, mâu thuẫn với những người bạn cho là “oan gia” với lòng bao dung, tha thứ để đừng dây dưa nợ nần qua những kiếp sau nữa.

Vì vậy, hãy sống tốt với người thân, hết lòng với bạn bè, rộng lượng thứ tha cho những người làm bạn tổn thương và coi đó là cách xin lỗi cho những sai lầm của mình đã trót làm trong vô minh ở những kiếp quá khứ.
Nhân quả là một quy luật khách quan vận hành qua nhiều kiếp sống, chứ không chỉ ở kiếp hiện tại này. Nếu bạn tin sâu nhân quả, bạn mới có thể ngưng thắc mắc về những điều bạn không thể lý giải bằng suy luận thuần túy. Nếu tin sâu nhân quả, bạn mới có thể sống hết lòng với người, dấn thân vì cộng đồng trong tinh thần thương yêu, bao dung và tha thứ.
Luật nhân quả mạnh lắm, nếu chọn cách sống thuận theo nhân quả, bạn sẽ có an lạc, thảnh thơi; nếu chọn cách đi ngược lại, bạn không đủ sức chống chỏi, như một mình đi ngược dòng thác đang ầm ào đổ xuống, bạn chỉ chuốc lấy đau khổ mà thôi.

Wednesday, April 4, 2018

NGÀY VÍA QUAN ÂM


Lễ lạy bồ-tát Quan Âm thật sự có ý nghĩa và lợi ích khi bạn đem tâm thành hướng về Ngài, một bậc bi-trí viên dung, coi Ngài là tấm gương sáng để soi lại chính bản thân mình, nỗ lực phát huy hai đức tính bi và trí vốn có nơi mỗi người chúng ta.
Hôm nay 19 tháng 2 ân lịch là ngày lễ vía Quan Âm.
Hình tượng bồ-tát Quan Âm trở thành hình ảnh vô cùng quen thuộc với tất cả mọi người. Tôi vẫn thường thấy một số Phật tử về chùa, ra quỳ trước tượng đài Quan Âm, lâm râm khấn vái một hồi lâu và lạy có vẻ vô cùng thành tâm. Xong họ lại sát tượng, đưa hai tay chạm vào đài sen, nhón chạm đôi bàn chân trên tượng đài rồi vuốt lên tóc, miệng không ngớt thì thầm cầu nguyện. Ở nhiều chùa, nơi thân tượng Quan Âm, chỗ vừa tầm tay với, là một đoạn mòn bóng chỉ vì có quá nhiều người thường vuốt tượng rồi vuốt lên đầu như thể làm vậy sự cầu xin của mình thành tựu như ý. Người ta tha thiết cầu nguyện  như thể xin sự ban phát mọi điều tốt đẹp từ vị bồ-tát này.
Đây không phải là trường hợp hiếm gặp, mà là rất phổ biến ở mọi vùng miền trên khắp nước ta. Theo tín ngưỡng văn hóa người Việt, mỗi năm có ba ngày lễ vía Quan Âm: 19/2, 19/6 và 19/9 âm lịch. Trong những dịp này, như một thói quen tâm linh, nhiều người quy tụ về chùa, hướng về bồ-tát Quan Âm, nguyện cầu Ngài từ bi hộ độ cho bản thân và gia đình được vạn sự an lành.
Tín ngưỡng Quan Âm trở nên phổ biến trong quần chúng, không chỉ đối với người theo đạo Phật mà với cả người không theo tôn giáo nào (theo đạo Ông Bà) bởi lẽ, hầu hết mọi người tin rằng có một vị bồ-tát có lòng từ vô lượng, trí tuệ siêu tuyệt, có khả năng nhìn thấu hiểu đúng, lắng nghe tiếng khổ của chúng sanh trong ba cõi mà ứng hiện cứu giúp. Vì lẽ đó mà họ ra sức cầu nguyện, tha thiết van xin để được cứu khổ, ban vui và đón nhận những gì may mắn nhất về phần mình.
Khổ ở khắp nơi: ngay cả trong tự thân của mỗi người, trong mỗi một tập thể nhỏ nhất là gia đình, ngay thềm cửa nhà mình cho tới nơi làm việc, chợ búa, hàng quán… đâu đâu cũng có nỗi khổ niềm đau có mặt. Do vậy, nếu có một vị bồ-tát có thể tiếp cứu vô số khổ đau cho chúng sanh ba cõi, thì không gì tuyệt vời hơn. Thế nhưng,  nếu hiểu rằng cứ thụ động ngồi đó chờ cứu giúp thì bạn đã sai rồi. Tin rằng có một đấng toàn năng có thể hô biến với đau khổ là điều hão huyền, bởi lẽ vạn pháp vận hành không ngoài sự chi phối của luật nhân-quả.
Hoàn toàn đặt niềm tin vào tha nhân là “phiên bản lỗi” về niềm tin trong Phật giáo. Đạo Phật nguyên chất không dạy con người nuôi dưỡng niềm tin mù quáng và thiếu cơ sở như vậy. Các chùa thường tổ chức cúng vía là dùng phương tiện để tiếp cận với nhiều thành phần trong xã hội. Đây là cách làm để tạo cơ hội cho bà con Phật tử có dịp về lễ Phật, tỏ lòng tôn kính đối với chư Phật và bồ-tát để nương vào các hạnh lành của chư Phật và bồ-tát, hâm nóng tâm nguyện lành, làm mới thân tâm… Tuy nhiên, nhiều người Phật tử bỏ qua tất cả những giá trị này mà thiên về lễ lạy, cúng bái, cầu nguyện chư Phật và bồ-tát với những gì mình mong ước, là không phù hợp với chủ trương của một đạo Phật – đạo của trí tuệ và từ bi.
Lễ lạy bồ-tát Quan Âm thật sự có ý nghĩa và lợi ích khi bạn đem tâm thành hướng về Ngài, một bậc bi-trí viên dung, coi Ngài là tấm gương sáng để soi lại chính bản thân mình, nỗ lực phát huy hai đức tính bi và trí vốn có nơi mỗi người chúng ta. Tin vào bồ-tát Quan Âm là một lòng tin tưởng vào những gì đã Ngài thành tựu, bạn cũng có thể thành tựu, bằng sự nỗ lực không mệt mỏi của mình, chứ không phải tin rằng Ngài có thể làm thay phận việc của bạn để bạn rảnh tay ngồi đó đợi hạnh phúc chạy về.
Niềm tin là mẹ của các công đức, là điểm xuất phát cho mọi hành trình và là nhân tố ban đầu quyết định mọi thành công. Tuy nhiên, chỉ có niềm tin chân chánh mới có thể đem lại những kết quả ấy.
Niềm tin chân chánh là phải tin vào chính mình. Niềm tin đúng sẽ cho ta động lực, năng lượng và sức mạnh để làm việc mình muốn. Ý tưởng tự tin vào chính mình là điều đức Phật nhấn mạnh ngay cả lúc Ngài sắp rời xa chúng đệ tử. 
Trước sau như một, đức Phật khẳng định vai trò chủ đạo của tự thân để những người bình thường như bạn và tôi, đừng có ảo tưởng mà giao hết vận mệnh của mình vào các thế lực bên ngoài. Chỉ có bản thân bạn mới có vai trò quyết định mức độ thành tựu những gì mình mong muốn. Tất cả những gì ngoài thân đều có giá trị trợ giúp và bạn chỉ có thể nhận được sự trợ giúp ấy khi đã nỗ lực tự thân vận động không ngừng nghỉ.
Thay vì cầu, nguyện, mong, chờ thì hãy tự tin bắt đầu làm phần việc của mình đi thôi!