Sunday, August 21, 2016

LÀM CHỦ BẢN THÂN

Sống theo bản năng: liều lĩnh và nguy hiểm

Khi không làm chủ được mình, người ta sống theo phản ứng bản năng hơn là sự điều khiển của ý thức qua việc quản lý tâm ý và hành vi. Thông thường khi ấy, người nguyên tắc nhất cũng dễ vi phạm những quy tắc mà bình thường họ tự lập ra và nghiêm túc thực hiện. Luật lệ, xét cho cùng, là phạm vi chúng ta xác định để tự mình thể hiện đầy đủ nhân vị làm ‘người’; vượt qua ngưỡng ấy, chúng ta tự hạ thấp nhân cách của mình và đôi khi phải chuốc họa vào thân. Ví như người đi đường, một khi không làm chủ được mình, thay vì đi bên phải và đi đúng làn dành cho phương tiện mình đang điều khiển theo luật định khi tham gia giao thông, họ lại đánh võng vòng vèo từ bên phải sang bên trái; thế là họ va quẹt vào người đi ngược chiều và gây ra tai nạn, rước họa cho mình và gieo khổ cho người. Nhiều người trẻ bốc đồng không làm chủ mình, đua xe tốc độ, không lường đến hiểm nguy, chỉ vài lời nói khích của bạn bè thì không còn biết tôn trọng luật lệ, coi mạng sống con người chẳng là gì cả và kết cuộc gây ra tai nạn giao thông nghiêm trọng, dẫn đến khổ đau cho mình và người.

Saturday, August 20, 2016

BIẾT ƠN – NỀN TẢNG CỦA HƯỚNG THIỆN

Biết ơn, tiếng Pāli là kataññutā và thường đi đôi với từ katavedi. Kataññutā nghĩa là khởi tâm biết ơn khi mình có được lợi ích từ việc thọ nhận vật gì hay sự tử tế nào từ người khác, katavedi nghĩa là thể hiện sự biết ơn đó qua lời nói hay hành động. Kataññutā khi đứng một mình bao hàm cả nghĩa của từ katavedi. Biết ơn, tiếng Anh là gratitude, xuất  phát từ  gốc La-tinh là gratia, nghĩa là ơn huệ, biết ơn. Theo Pruyser (1976), tất cả những từ xuất phát  từ gốc gratia đều có nghĩa là “phải làm tất cả mọi điều với lòng tốt, tâm lượng rộng rãi, như là một món quà, cao đẹp trong việc cho và nhận một cái gì đó một cách không vụ lợi” (tr. 69). Emmons và Shelton (2002) định nghĩa biết ơn là “cảm giác kỳ diệu, cảm giác mang ơn và ghi nhận giá trị cuộc sống” (tr. 460). Trên phương diện đạo đức, biết ơn là cơ sở để hình thành và nuôi dưỡng các tâm niệm lành, các hành động thiện và những suy nghĩ tích cực trên con đường hướng thiện được cụ thể hóa qua các nội dung sau:

Sunday, August 14, 2016

Ý NGHĨA GIÁO DỤC QUA PHÁP HÀNH TỰ TỨ

Pháp tự tứ là một pháp hành độc đáo trong đạo Phật dành cho chư tăng ni xuất gia và truyền thống này được duy trì từ thời Phật còn tại thế cho đến ngày nay. Pháp tự tứ được thực hiện định kỳ theo luật mỗi năm một lần vào cuối mùa an cư kiết hạ. Khi ba tháng an cư tu tập hoàn mãn, chư đệ tử xuất gia của Phật tập trung tại một giới trường để cùng nhau làm lễ tự tứ. Tự tứ nghĩa là thỉnh cầu người khác chỉ lỗi của mình ra, để cho mình biết mà sám hối cho sạch lỗi lầm, trả lại sự thanh tịnh vốn có cho tâm. Trong phần nội dung của buổi lễ Tự tứ, với tinh thần cầu tiến, mỗi cá nhân cần phải khẩn thiết thỉnh cầu chư Tôn đức và toàn thể đại chúng, qua ba phương diện thấy, nghe và nghi, hoan hỷ chỉ bảo cho mình biết thêm được những sơ sót, sai lầm, tội lỗi đã phạm mà bản thân không tự biết. Người tự tứ, đối chiếu những lời chư tôn đức nhận xét về mình với giới luật mình đã thọ trì, nếu có tội, thành khẩn sám hối những lỗi lầm đã phạm và hứa nỗ lực chuyển hóa. Lễ tự tứ là cái mốc để sau khi tự tứ xong, chư tăng ni hoàn toàn thanh tịnh, sạch lỗi lầm và được tính thêm một tuổi đạo. Đây là một ngày đặc biệt, đáng nhớ cho mỗi người đệ tử xuất gia. Vì lẽ đó, ngày tự tứ còn gọi là ngày thọ tuế, ngày sinh nhật trong Đạo vậy.

OBON-LỄ HỘI VĂN HÓA CỦA NGƯỜI NHẬT


Có được một số thông tin từ vài người bạn có mặt tại xứ sở hoa anh đào trong lễ hội truyền thống Obon và những gì tìm hiểu được, tôi viết entry này để lưu lại làm tài liệu cho bản thân mình. Hiểu và biết thêm một tí về lễ hội văn hóa các nước cũng là điều thú vị. Nghĩ vậy, tôi chia sẻ với các bạn vài nét về một lễ hội văn hóa lớn của đất nước Phù Tang.


Ở Việt Nam và Trung Quốc, nhân ngày Rằm tháng Bảy, Phật tử tổ chức lễ hội Vu lan với ý nghĩa báo hiếu, một lễ hội lớn hội tụ sự giao thoa, tiếp biến và hòa quyện nhuần nhuyễn giữa tôn giáo và truyền thống văn hóa. Tương tự như vậy, ở Nhật, Phật tử và dân chúng tổ chức lễ Obon (お盆) vào ngày 13 đến ngày 16 tháng 8 dương lịch (ngày lễ chính là 15) hằng năm với ý nghĩa tương tự.