1. Biểu tượng là di sản văn hóa
Theo Nguyễn Văn Hậu (1996), giảng viên khoa Văn hóa học,
trường đại học Văn hóa Hà Nội, “Nói đến đời sống văn hóa không thể không nói đến biểu tượng. Nó được xem
như là “hạt nhân cơ bản” của văn hóa, góp phần làm nên bản sắc
văn hóa của mỗi cộng đồng, dân tộc”. Cụ thể hơn, trong bài viết “Biểu tượng Phật giáo trong đời sống
văn hóa - tín ngưỡng là một bộ phận của di sản văn hóa dân tộc”, ông Nguyễn Như Hảo, Ban Tôn giáo Thành phố Hà Nội cho rằng “Các biểu tượng
Phật giáo đã hình thành nên những “di sản văn hóa vật thể” và “di sản văn hóa phi vật thể”. Chúng là một trong những yếu tố cốt
lõi nhất làm nên “bản sắc văn hóa” của cộng đồng - dân tộc Việt Nam”. Chu Hy, một triết gia đời Tống đã
giải thích: “Tượng là lấy hình này để
trỏ nghĩa kia”, tức là dùng cái tri giác để nói lên cái khó có thể tri
giác, hay dùng cái tĩnh để nói cái động, dùng cái cụ thể để nói cái trừu tượng,
dùng cái hữu hình để nói cái vô hình v.v… Như vậy, rõ ràng biểu tượng luôn chứa đựng, hàm chứa
trong nó những giá trị văn hóa nhất định.