Tuesday, June 17, 2014

HỌC TỪ CUỘC SỐNG

Có mặt trên cuộc đời, mỗi người chúng ta có một cuộc sống. Để có được một cuộc sống chất lượng trong quãng thời gian sống, ta cần biết học từ cuộc sống và ý thức rằng:
1. Mỗi người có một cơ thể, một và chỉ một mà thôi. Dù ta thích nó hay ghét nó, thì nó cũng vẫn là của ta và đây là chất liệu chính để chúng ta tạo dựng cuộc đời mình. “Thân thể” là bạn đồng hành không khi nào tách rời; khi nào nó không còn vận hành tốt và đảm nhiệm các chức năng vi diệu của nó một cách hoàn hảo, cuộc sống chúng ta ổn định. Thời gian sống và chất lượng cuộc sống phụ thuộc rất nhiều vào thân thể này. Do đó, chúng ta cần có ý thức giữ gìn nó cho tốt. Thân cần được nuôi bằng thức ăn thực phẩm phù hợp, đủ dinh dưỡng hơn là thỏa mãn khẩu vị của mình. Bên cạnh đó, một phương diện quan trọng hơn cả thức ăn thực phẩm là thức ăn tinh thần và tâm linh. Cần có một cuộc sống lành mạnh, đạo đức, thái độ sống tích cực, lạc quan thì thân thể mới có sự cân bằng cần thiết để đủ khỏe mà học trong suốt hành trình tạo dựng cuộc sống.
2. Trường Đời là ngôi trường học mãi không tốt nghiệp. Những kiến thức chúng ta thu thập được ở các cấp bậc học đường làm hành trang để bước vào ngôi trường đời với những cuốn sách không chương, không có số trang này. Bao lâu mình còn sống, còn gia nhập vào cuộc đời thì cuốn sách đời, trường học đời vẫn còn đó với ta. Trong suốt thời gian dài đi tới, ta sẽ học được nhiều bài học bổ ích làm chất liệu sống và góp phần làm nên chất lượng sống củ mình.
3. Trong ngôi trường đời ấy, nơi cuốn sách đời ấy, có những bài học thực tế rất đa dạng và phong phú mà cách học của mình cũng làm nên nhiều bài học mới. Cuốn sách đời không có chỗ cho lý thuyết mà chỉ có thực hành, trải nghiệm. Lỗi lầm thực chất là những bài học nhờ đó chúng ta trưởng thành hơn, bản lĩnh hơn và hiểu hơn cuộc sống sinh động này. Trưởng thành là một quá trình của những trải nghiệm, thử thách, sai lầm và kinh nghiệm từ những sai lầm này. Chừng nào ta thất bại mà vẫn dám tiếp tục trải nghiệm, đứng lên từ nơi mình ngã và tiếp tục đi tiếp và sẵn sàng đối mặt với thử thách, chông gai là ta sẽ chóng trưởng thành hơn so với thái độ rút lui tiêu cực.
4. Các bài học trong cuốn sách đời sẽ lặp đi lặp lại cho tới khi ta học được chúng. Khi chưa “thuộc” bài học nào đó nghĩa là ta thất bại tạm thời và chính mỗi thất bại trở thành một bài học kinh nghiệm để giúp ta học tiếp một cách dễ dàng hơn. Mỗi một bài học sẽ xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, với nhiều cái giá phải trả khác nhau và chỉ chấm dứt cho tới khi ta học được chúng. Cứ mỗi bài học chiếm lĩnh được, ta có nhiều kiến thức và trải nghiệm thực tế để hiểu người quanh ta, cuộc sống quanh ta nhiều hơn và không gì thú vị hơn. Ngay cả khi hiểu nhiều hơn, thấy tình người đen bạc hơn, cuộc sống bẽ bàng hơn cũng là điều quá ý nghĩa đối với ta trên chặng đường dài của đời mình.
5. Việc học không bao giờ kết thúc. Không có quãng thời gian nào trong cuộc đời của ta không đi kèm với việc học. Hễ còn sống, có nghĩa là vẫn còn những bài học dành cho ta. Càng học, càng biết; càng biết, càng thấy cuộc đời ý nghĩa cho nên ta đừng bỏ qua một cơ hội nào, dù nhỏ  nhất, để học từ cuộc đời có quá nhiều sắc màu này. Sự đổi thay (cả tích cực  lẫn tiêu cực) là một bài học sống động mà chỉ khi nào mình là nhân vật trong ấy, mới cảm nhận, thấm thía và chỉ biết cảm ơn người, cảm ơn đời, cảm ơn tất cả. Cứ thế, mỗi ngày mỗi ngày trôi qua, bao nhiêu bài học mới bên cạnh nhiều bài học cũ chưa thuộc phải học lại, cuộc sống thêm màu sắc và ta lại có cơ hội lắng nghe những cung bậc cảm xúc khác nhau của chính mình qua từng nhịp thở. Hít sâu thở  chậm và lắng lòng nghe, huyền nhiệm vô cùng!
6. Hiện tại là quà tặng của cuộc sống. Hãy mở lòng, mở đầu óc, mở vòng tay và nhớ là… mở mắt để đón nhận hiện tại. Ngày mai không phải là thời điểm tốt hơn hiện tại. Thế nhưng, với tâm vọng – vốn là tài sản cố hữu của con người – thì con người bỏ qua hiện tại nhiệm mầu mà nuối tiếc về quá khứ,  lo nghĩ cho tương lai. Chúng ta không nhận ra được một điều rằng khi cái “ngày mai” của mình đến và trở thành hiện tại, ta sẽ lại so sánh nó với cái “ngày mai” khác. Cái “bây giờ” mới chính là khoảng thời gian hoàn hảo nhất dành cho ta mà ta. Hiện tại chỉ có một: khoảnh khắc bây giờ, ở ngay tại đây mà ta khờ dại từ chối món quà tặng vô giá này.
7. Những người xung quanh là cái gương phản ánh chính ta. Người khôn ngoan biết nhìn vào gương để sửa mình cho  ngày càng tốt hơn, lau chùi những vết dơ trên khuôn mặt mình qua sự lắng nghe sự phản chiếu của chiếc gương bên ngoài một cách khách quan để hoàn hảo hơn; người si mê ghét bóng của mình trong gương và nếu có thể, họ cố gắng sửa cái bóng của mình, ảnh hiện nơi những người xung quanh. Luôn tự nhắc mình rằng, đừng vô ích đi sửa cái bóng của một cây cong. Muốn trưởng thành hơn, đừng “xù lông nhím” tự vệ theo kiểu bản năng mà hãy nhìn thấu, lọc kỹ và công bằng và nghiêm túc với chính mình để hoàn thiện bản thân ngày càng tốt hơn.
8. Chúng ta chính là kiến trúc sư kiêm người xây dựng đời mình. Vật liệu chúng ta có chính là bản thân với tất cả những gì mình có: đôi tay thiện xảo, khối óc tinh nhạy, trái tim tràn ngập yêu thương và thông cảm… và hoàn cảnh sống hiện tại. Những gì ta “có” khi đến với cuộc đời này không tùy thuộc vào sự chọn lựa của mình. Không ai có thể chọn cha mẹ, xứ sở để sinh ra, không người nào lựa được hoàn cảnh xuất thân của mình cũng như vóc dáng dung mạo, giới tính của chính mình. Đây là “tài sản thừa hưởng” của mỗi người, là quà tặng của cuộc sống, mà theo quan điểm nhà Phật gọi là “nghiệp thừa hưởng”. Tất cả những thứ này là tiềm năng, là vật liệu và mỗi người đều sử dụng để xây lấy cuộc sống của mình. Cuộc đời nằm trong tay ta. Với tất cả những vật liệu, tài nguyên đang có, ta làm gì với nó là quyền của mình. Sự lựa chọn là của mỗi cá thể và hạnh phúc cũng như khổ đau là sản phẩm của chính mình tạo nên trong cuộc sống.
Hãy chịu trách nhiệm đời mình!