Thursday, September 13, 2012

VƯỢT QUA MẤT MÁT THƯƠNG ĐAU


Mất mát, thương đau là một sự thật ở đời không ai tránh khỏi. Nếu có thể tránh được, có rất nhiều người trong chúng ta mong muốn điều này. Thế nhưng, nếu bình tâm nhìn vào những gì cuộc sống năng động này đang diễn ra trong ta và quanh ta, chúng ta phải chấp nhận mất mát là một sự thật hiển nhiên, một phần của cuộc sống, gắn liền với thân phận mỗi con người. Vấn đề là chúng ta đương đầu và vượt qua chướng ngại này như thế nào. Mất mát để lại trong lòng một khoảng trống tưởng chừng không thể san lấp được. Mất mát tạo tâm lý hụt hẫng, vì tưởng thức về sự hiện diện, đầy đủ đã tạo một thói quen trong tâm lý. Do vậy, thiếu thốn có khi được cường điệu đến mức lớn hơn thực tế rất nhiều, nhất là đối với người mà làm chủ cảm xúc chưa được tốt. Để có thể lập lại thế cân bằng mới, ta cần làm chủ cảm xúc của mình, giữ tâm xả. Nghĩa là trong tình huống hụt hẫng ấy, cần phải giữ tâm an tịnh, trầm tĩnh, vững chãi, không để có cảm tính làm chủ và chi phối tâm mình.

Khi chúng ta làm chủ được tâm mình tạm thời trong một thời điểm nào đó, đừng vội nghĩ rằng mình có khả năng tạo được tâm an tịnh, định tĩnh ấy mãi mãi. Đừng quá phấn khích vì điều này và nhất là đừng sanh tâm tự hào, tự mãn với bước đầu điều phục tâm ý mà ta vừa làm được vì ta thành công trong lúc này có thể lại thất bại trong lúc khác. Nếu chủ quan, tự mãn thì lại càng nguy hiểm hơn. Ngược lại, nếu chúng ta đã nỗ lực nhiều để vượt qua cảm giác thương đau này nhưng có quá nhiều chướng ngại trên đường chúng ta đi và ta có cảm giác như mình không có đủ năng lượng để về đến đích, đừng vì vậy mà nản tâm thối chí. Cái mất đi có thể là một người thân trong gia đình, một đồ vật quý, một địa vị, một danh vọng hay một mối quan hệ đẹp mà ta muốn duy trì. Trong tâm lý hụt hẫng đó, chúng ta cần thấy rõ bản chất của các sự vật hiện tượng. Mất mát là một trạng thái tan rã, không hòa hợp của các duyên. Các duyên bên ngoài không phải là bất di bất dịch. Chúng sẽ thay đổi và các duyên tương tác với nhau để tái tạo,  và kết hợp theo một mô thức khác, một dạng tồn tại khác. “Mất” thật ra là một sự thay đổi, chuyển hóa mà thôi. “Mất” mà không mất, nhưng ta cảm thấy khổ vì sự thay đổi, chuyển hóa này thường là không theo ý muốn của mình. Do đó, khổ là vấn đề của tâm. Cần phải duy trì tâm xả trong mọi tình huống để chúng ta không quá khổ đau với cảm giác mất mát vửa trải qua. Khi có được tâm xả, hoàn cảnh, tình huống, ngoại duyên không chi phối tâm ta và nhờ đó, nguồn tâm được an tịnh, có sức mạnh và sáng suốt vô cùng.
Giữ tâm xả không có nghĩa là ỳ ra, hay thụ động. Chúng ta vẫn cứ phải chu toàn những bổn phận, tránh nhiệm ở đời, mà không để cảm xúc buồn nản do mất mát gây ra chế ngự và làm chủ cảm xúc của mình. Trạng thái mất căng bằng do sự mất mát tạo ra sẽ sớm được điều chỉnh và tái tạo một thế cân bằng mới nếu ta có thái độ sống tích cực. Cuộc sống còn nhiều điều khác có khả năng bù đắp cái chúng ta vừa mất đi…
Trước sự vơi đầy của lòng người, mặn nhạt của nhân tình thế thái, thăng trầm của cuộc sống, nếu ta giữ được tâm dao động trong một biên độ nhỏ và rèn luyện cho biên độ dao động cảm xúc ấy giảm dần, tâm ta được ổn định trong an tịnh. Đây là lúc tâm xả được thực hành một các hiệu quả nhất. Thực hành hạnh xả ly, không vướng mắc, hãy nhìn vạn pháp theo gió cuốn đi để lòng thanh thản nhẹ nhàng!

Thursday, September 6, 2012

DẠY HỌC LÀ TRỒNG CÂY CHĂM VƯỜN (kỳ 2)

Nhựa sống của cây là nước. Nếu người làm vườn tưới nước đầy đủ cho cây, nước sẽ mang chất dinh dưỡng đến tận lá cành, gốc rễ để nuôi cây. Nước chính là môi trường của trường học đối với vườn hoa lớp học. Nước đôi khi lại khan hiếm, lại chứa đầy những chất khoáng có hại nữa, nhưng thiếu nước, vườn hoa không thể tồn tại. Nước được chảy qua hệ thống ống dẫn để đến vườn hoa và được chảy ra qua các co nối, cũng như công tác quản lý của trường qua hệ thống làm việc của Ban giám hiệu và người quyết định cuối cùng là hiệu trưởng. Rất may cho vườn hoa lớp học, hệ thống lọc được bắc ở vòi chảy, đó là hệ thống điều hành cân nhắc kỹ lưỡng cẩn thận trong công tác quản lý, chắc chắn những cây hoa sẽ phát triển khỏe mạnh và rộ đầy hoa trên cành khi đến mùa hoa nở. Đôi khi ống nước dẫn nước đến cho cây có vài giọt nhỏ theo đường ống, đó là lúc ban giám hiệu đi dọc hành lang kiểm tra các lớp học với thái độ ân cần, cởi mở hài hòa và thân mật. Phần lớn nước cho chảy vào thùng và người làm vườn trực tiếp mang nước đến từng cây một. Giáo viên chủ nhiệm là người mang thùng nước như thế đi phân phát giữa cuộc đời này.
Những gốc rễ của cây giống như phụ huynh học sinh. Hầu hết các gốc rễ đều khỏe mạnh, có thể giúp cây đứng vững để hút muối khoáng và dinh dưỡng nuôi cây. Nếu chẳng may bộ rễ không còn vững chắc vì sâu bệnh, cây trở nên èo uột không phát triển nổi. Gốc rễ cũng cần được chăm sóc kỹ lưỡng. Mặc dù thầy cô không thể can thiệp quá sâu vào hoàn cảnh cũng như thái độ của phụ huynh, nhưng có những cách thầy cô có thể tư vấn, hỗ trợ phụ huynh trong vấn đề nuôi dạy con em tốt hơn.
Ví như người làm vườn bón phân và mùn cho rễ cũng tuỳ theo mùa vụ thích hợp. Cũng vậy, thời điểm bắt đầu năm học là lúc tốt nhất người cho giáo viên chăm sóc “bộ rễ” phụ huynh qua kỳ họp mặt trao đổi đầu năm học. Người giáo viên luôn có ý thức trong việc tạo nên một mối quan hệ tốt đẹp với phụ huynh học sinh. Mỗi khi gặp phụ huynh, bất cứ trong trường hợp nào, giáo viên nên đề cập đến những ưu điểm của con họ trước tiên. Giáo viên là người đánh động tâm thức của những bậc làm cha mẹ, hãy trân trọng sự nỗ lực và tiến bộ của con mình. Bộ rễ nằm trong lòng đất, làm việc miệt mài, thầm lặng, để cho cây đứng vững trên đất và phát triển. Người phụ huynh là thế, suốt ngày làm việc vất vả để chu cấp những nhu cầu cần thiết cho con đến trường. Người giáo viên là người hỗ trợ đắt lực, là người làm nhiệm vụ bên trên mặt đất, để phụ huynh yên tâm trong công việc thầm lặng của mình dưới mặt đất. Đây là một sự hợp tác chặt chẽ, hữu cơ và mỗi người với một phận sự riêng trong quá trình cùng nhau giáo dục con em nên người.
Người làm vườn luôn để tâm theo dõi khu vườn của mình, khi có dấu hiệu sâu bệnh hay cây lá úa vàng hay kém tươi là kịp thời dùng các biện pháp xử lý. Người giáo viên cũng thế, theo dõi trong lớp để lỡ khi có dấu hiệu của những triệu chứng tiêu cực như chán học, bỏ giờ, mất đoàn kết trong lớp thì kịp thời dùng nhiều phương cách phù hợp khác nhau để củng cố lớp học. Thỉnh thoảng người làm vườn cần xới đất cho tơi xốp để không khí lồng vào cho cây phát triển, người giáo viên cần khuyến khích các em tích cực tham gia vào các hoạt động ngoài giờ như các hoạt động xã hội, các hoạt động thi đua của trường, giao lưu trao đổi học tập bằng nhiều cách để các em năng động hơn.
Nhưng dù sao, người làm vườn chỉ hỗ trợ bên ngoài, tự thân những cây hoa quyết định sự phát triển của chính bản thân chúng. Quá trình quang hợp cần thiết để cây sinh thưởng và quá trình ấy diễn ra bên trong cây với sự tiếp nhận ánh sáng mặt trời và chất cac-bon-nic từ ngoài không khí. Cây duy trì quá trình này để phát triển. Tương tự như vậy, học sinh phải là người tự quyết định cho sự tiến bộ về mặt tri thức của mình và giáo viên là người hy vọng và tạo điều kiện để quá trình này xảy ra một cách tự động vì nó cần thiết để rồi những nụ hoa đượm mật ngát hương được hình thành từ đó.
Dù người làm vườn có nỗ lực thế nào chăng nữa,cỏ dại cũng mọc đây đó trong vườn. Cũng như vậy, người giáo viên có tâm huyết bao nhiêu, vẫn tồn tại một sự thật là có đôi bài học học sinh không hiểu hết và vài hoạt động dường như vô ích với một số học sinh. Giống như cỏ lấn át sự phát triển của cây, những bài học học sinh không tiêu hóa được như thế sẽ kiềm hãm sự phát triển ở học sinh. Ánh mắt của những học sinh không tiếp thu được bài làm nhói đau tim người giáo viên cũng như bông cỏ dại làm xốn mắt người làm vườn. Điều khác nhau là người làm vườn xử lý một bông cỏ dại hoàn toàn đơn giản. Chỉ cần tưới một tí nước cho đất dưới gốc mềm ra và người làm vườn có thể nhổ bật gốc cây cỏ dại, hay đơn giản hơn, cứ ngắt bông cỏ dại bỏ đi là xong, lần sau, nó ra bông khác, lại làm tương tự như vậy. Đối với người giáo viên, giúp một đứa trẻ mất căn bản trong việc học không dễ dàng như vậy. Nếu không có thiện chí, em học sinh ấy không có cơ hội tiến bộ. Một khi cỏ lấn át như thế thì một bông hoa dù nhỏ cũng khó mà trổ được. Do đó, làm cỏ liên tục là việc cần thiết để giữ vườn hoa luôn tươi thắm sum suê. Cũng như thế, tự đánh giá phản ánh công tác giảng dạy của chính bản thân, kiểm tra giáo án cũng như đánh giá liên tục quá trình học của học sinh là điều cần thiết để đảm bảo sự thành công của học sinh trong quá trình học.
Cuối năm, tất cả các cây đều có hoa trĩu cành. Một số bông hoa nở lớn hơn những bông hoa khác, có những hoa màu tươi tắn hơn. Người làm vườn mỉm cười mãn nguyện khi nhìn vườn hoa ngạt ngào sắc hương. Cũng vậy, sau một năm thầy cô cùng các em làm việc miệt mài, tất cả các em đã thành công trong học tập. Có một số em thành đạt hơn bạn bè cũng là lẽ tự nhiên. Thầy cô cảm động đến rơi lệ khi thấy công sức và tình cảm cùng tinh thần tận tụy với các em không hề hoài phí. Những đêm khuya miệt mài trên trang giáo án với cả một tấm lòng của thầy cô đã thăng hoa thành hương sắc thành công của học sinh biểu hiện trên nét mặt vui tươi rạng ngời của những người thành công. Tất cả các cây trong vườn đều vui tươi, cành lá nô đùa đu đưa trong nắng mai với làn gió nhẹ thoảng. Các em học sinh vẫy tay chào thầy cô và mái trường thân yêu sau một năm học và kết quả các em đem về cho gia đình và xã hội là những bông hoa tươi đẹp ngát thơm của sự trưởng thành về mọi mặt.