Tuesday, July 25, 2017

BIỂU TƯỢNG HOA SEN VÀ NGỌN ĐÈN TRONG PHẬT GIÁO KHẤT SĨ – SỰ GẶP GỠ GIỮA VĂN HÓA VÀ TÔN GIÁO (tt và hết)

Liên Trí
(Bài trình bày tại Hội thảo “Vùng ASEAN và Nam Á: Nơi giao hòa của văn hóa và tôn giáo ở Đông Nam” Á- 9-11/7/2017)

1. Sự hòa quyện giữa hoa sen và ngọn đèn trong Phật giáo

Ngày nay, biểu tượng hoa sen và ánh sáng quyện vào nhau trong văn hóa Phật giáo. Trong các buổi lễ, thả hoa đăng và đốt nến cầu nguyện trở thành một trong những cách thể hiện tâm nguyện yêu chuộng hòa bình, phồn vinh, hạnh phúc của người con Phật tại các nước Châu Á là điều thường thấy.
Ở Hàn Quốc, vào ngày Phật đản, hàng vạn người Phật tử nô nức ra đường tham gia lễ hội “Yeon Deung Hoe” (Lễ rước lồng đèn hoa sen) với ý niệm khơi dậy tinh thần trí tuệ và từ bi của đạo Phật. Người người nô nức tham gia rước đèn với niềm tin rằng, ánh sáng từ đèn hoa sen tượng trưng cho ánh sáng giác ngộ của đức Phật soi rọi vào cõi ô trược của thế gian này.

Ở những nước Đông Nam Á có nền văn hóa lúa nước, cuộc sống gắn liền với sông nước và thiên nhiên, truyền thống thả phóng hoa đăng nhằm cảm ơn thần nước đã hộ trì cho dân chúng bình an, đồng thời dâng lên chư thần lời cầu nguyện những gì tốt đẹp, an lành nhất trong cuộc sống, tồn tại lâu đời cho đến ngày nay. Ở Thái Lan, lễ hội Loy krathong (hoa đăng) diễn ra trên toàn quốc vào ngày rằm tháng 12 (theo lịch Thái Lan – khoảng tháng 11 dương lịch), còn ở Việt Nam, lễ hội hoa đăng cũng có từ lâu đời trong văn hóa dân tộc. Người ta thường thả đèn hoa sen xuống dòng sông thường gởi theo lời cầu nguyện mọi điều tốt đẹp, an lành đến với họ và gia đình. Đây là sự kết hợp giữa ánh sáng và hoa sen trong nền văn hóa thấm đượm tinh thần Phật giáo ở Thái Lan và Việt Nam.
Nhiều chùa chọn hệ thống đèn trang trí có hình dáng ngọn đuốc có hoa văn sen bao quanh trụ trông thật trang nghiêm, hài hòa và đẹp mắt. Biểu tượng kết hợp giữa hoa sen và ánh sáng cụ thể hóa bằng ngọn đèn là những hình ảnh quen thuộc, trang nghiêm chứa đựng ý nghĩa trí tuệ và thanh tịnh xuất hiện rất phổ biến trong văn hóa Phật giáo, các loại đèn hoa sen cúng Phật là một ví dụ cụ thể.

2. Biểu tượng hoa sen và ngọn đèn trong Phật giáo Khất sĩ

Đạo Phật Khất sĩ, một thành viên trong ngôi nhà Phật giáo Việt Nam, không là ngoại lệ. Đức Tổ sư Minh Đăng Quang đã thể hiện tâm nguyện đem chánh pháp thanh tịnh có khả năng đưa đến giác ngộ của chư Phật qua hình tượng vô nhiễm của hoa sen để soi đường dẫn lối cho người hữu duyên tìm đường về bến giác qua hình tượng ngọn đèn chơn lý. Với ý nghĩa đó, Ngài chọn “hoa sen” và “ngọn đèn” làm biểu tượng cho dòng pháp “Nối Truyền Thích Ca Chánh PhápĐạo Phật Khất Sĩ Việt Nam”, nay là Hệ phái Khất sĩ.
Tư tưởng chủ đạo của đức Tổ sư được trình bày trong bộ Chơn Lý – kho tàng Pháp bảo Ngài để lại cho đời. Bàng bạc ở các bài Chơn Lý, đức Tổ sư dùng hình ảnh hoa sen với ý nghĩa thanh tịnh, vô nhiễm. Ngài nhận trách nhiệm giáo hóa người là in dấu hoa sen thanh tịnh, không ô nhiễm vào tâm trí họ, để đánh thức tánh thiện lành, mầm sen nơi mỗi con người. Ngài dạy “Khất sĩ cảm hóa kẻ ác, dạy dỗ người thiện, để dấu hoa sen không ô nhiễm vào nơi trí óc tâm người, vạch hàng chữ đạo nơi cửa ngõ đường đi, khoe sự tốt đẹp của giới hạnh, nhắc nhở sự yên úy đến cho người” (Chơn Lý – Khất sĩ, tr.150). Để cụ thể hơn và thiết thực hơn trên phương diện hành trì để thanh tịnh hóa tự thân, đức Tổ sư dùng hình ảnh hoa sen để chỉ cho ba nghiệp thân, khẩu, ý thanh tịnh. Ngài dạy “Lời nói của người tu ví như hoa sen, việc làm của người tu ví như lá sen, ý niệm của người tu ví như gương sen. Cả thảy các pháp đều ở trên cao không trung, và không còn phải ô nhiễm nước bùn theo thế sự” (Chơn Lý – Trên mặt nước, tr. 259).
Hoặc:
Thân cùng khẩu ý trọn lành
    Xa lìa tội lỗi gần cành hoa sen (Chơn Lý – Bài học cư sĩ, tr. 209)
Đức Tổ sư dùng hình ảnh hoa sen chỉ cho sự toàn thiện, viên mãn từ bi và trí tuệ ở người thực hành pháp. Ngài viết “Đời sống của hoa sen, lá sen, quả sen thật là từ bi và trí huệ, sống trong khoảng không trung bao quát mà không thiếu phần ích lợi cho cả chúng sanh phía dưới. Thế sao chúng ta lại chẳng noi gương theo?” (Chơn Lý – Trên mặt nước, tr. 268). Hơn thế nữa, đức Tổ sư đặt trách nhiệm cho người xuất gia là giáo hóa, dạy dỗ người khác cùng tiến hóa trên con đường thực hành pháp. Ngài nói người xuất gia phải làm cho người khác tỉnh ngộ, chuyển hóa tâm tánh, ví như cọng sen phải có bổn phận nâng đỡ lá, trái và bông sen. “Sự việc của người tu là giáo hóa dạy dỗ chúng sanh, cũng như lá trái sen phải ở nơi cọng sen, bông hoa sen ở nơi cọng sen” (Chơn Lý – Trên mặt nước, tr. 268).
Bằng ngôn ngữ bình dân, đức Tổ sư giải thích ẩn dụ hoa sen trong kinh “Pháp Hoa” rằng “Diệu Pháp Liên Hoa mà đức Phật nói ra đây là Ngài muốn chỉ rõ sự bình đẳng, sự bằng thẳng trong sạch của đời. Đời là một cái mặt hoa sen, nâng đỡ chứa đựng tất cả chúng sanh ngồi trên; nó không cho ai tham lam, cố chấp, nhiễm ô bùn bụi”(Chơn Lý – Pháp Hoa, tr. 636).
Cùng trên ý tưởng này, bên cạnh giáo hội Tăng già, đức Tổ sư thành lập giáo hội Ni giới Khất sĩ, Ni trưởng Huỳnh Liên đứng đầu, lấy tên là “giáo hội Liên Hoa” trong đó, pháp danh của chư Ni Khất sĩ đều có chữ “Liên” (sen), với ý niệm đây là một hồ sen, nâng đỡ, chứa đựng tất cả chư Ni ngồi trên đó, để cùng nhau thực hành pháp, cùng vươn lên khỏi sự ô uế của bùn nhơ thế tục.
Bên cạnh biểu tượng hoa sen, hình ảnh ngọn đèn có ý nghĩa vô cùng thâm thúy và là hình ảnh quen thuộc trong Phật giáo Khất sĩ. Đức Tổ sư ví giáo pháp của đức Phật là Chơn lý muôn đời, là ánh sáng mặt trời tràn ngập khắp mọi nơi. “Pháp là giáo lý ánh sáng của trí huệ, của thức trí, của trí si” (Chơn Lý – Pháp chánh giác, tr. 655). Nhiệm vụ của người xuất gia Khất sĩ là thâu nhận ánh sáng từ mặt trời và làm ngọn đèn rọi đường cho mình và tha nhân nương theo để cùng tu tập và tiến hóa. Ngài viết “Khất sĩ là nhựt nguyệt tinh quang, là ánh sáng giữa đêm trời tối để chỉ dắt người ra khỏi cảnh rừng nguy (Chơn Lý – Đạo Phật Khất sĩ, tr. 732). Nếp sống chung bình đẳng là mô hình lý tưởng mà đức Tổ sư nỗ lực xây dựng trong cộng đồng đệ tử xuất gia của Ngài. Ngài viết “Giáo lý Khất sĩ là con đường sáng của nhựt nguyệt tinh quang, là ánh sáng để chỉ rõ con đường trong sạch giải thoát, là hạnh phúc quý báu của sự sống chung tu học, yên vui, tiến hóa, là cảnh sáng giữa ban ngày” (Chơn Lý – Đạo Phật Khất sĩ, tr. 734)
Giữa lúc đất nước chiến tranh, Tăng Ni chia rẽ, niềm tin Phật tử lung lay vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, đức Tổ sư thành lập đạo Phật Khất sĩ và tự nhận cho mình sứ mạng đốt đuốc giữa đêm thâu. Ngài viết “Giáo pháp Khất sĩ đến Sài Gòn năm 1948, ánh sáng của y vàng phất phơ thổi mạnh làm bật tung cánh cửa các ngôi chùa tông giáo, kêu gọi Tăng chúng tản cư khắp xứ, kéo nhau quay về kỷ luật” (Chơn Lý – Đạo Phật Khất sĩ, tr. 732). Biểu tượng “ngọn đèn” là phương châm sống, là tôn chỉ của một người xuất gia Khất sĩ: xin để cho, học để dạy trong mối quan hệ tương duyên nhau trong cuộc sống, nương nhau để cùng tồn tại và tiến hóa. “Cái sống của Khất sĩ là đang vay của tất cả chúng sanh vạn vật các pháp, vay xin từ vô thỉ đến bây giờ, cho đến sau này khi đạt thành chánh đẳng chánh giác, chừng ấy mới sẽ đem giáo lý ánh sáng trả lại ơn người” (Chơn Lý – Đạo Phật Khất sĩ, tr. 733)
Ngài khuyến tấn mỗi người xuất gia khất sĩ cần phải học thấu đáo, thâm nhập pháp lý, mới có thể nhận nguồn sáng từ mặt trời mới có thể làm ngọn đèn để soi rọi thế gian tăm tối. “Chơn lý như mặt trời, pháp lý như đèn sao, thế sự như hang tối. Vậy nên cái học của chúng ta là học chơn lý, thấu chơn lý mới gọi là thật học” (Chơn Lý – Học chơn lý, tr. 256). Với ý nghĩa tương tự, ở một bài Chơn lý khác, Ngài viết “tên Phổ Quang Phật là phổ tế ánh sáng giác ngộ cho chúng sanh” (Chơn Lý – Sám hối, tr. 679).
Đức Tổ sư nhìn thấy ánh sáng của chơn như là mặt trời. Một khi sự tu học rốt ráo, thấu nhập bản chất của vạn pháp thì không còn phân biệt gì nữa. “Chơn như là chánh pháp, chánh lý, đạo tâm của chúng sanh, hay đạo tâm ấy là đạo Phật. Vậy thì những ai tu học chơn như, tức là tu học với tất cả vạn pháp rồi. Bởi vạn pháp là ánh sáng của chơn như túa ra, mà người đã đến chơn như, ấy  là vạn pháp đã ở nơi mình, tự mình túa ra, chớ không còn nương theo vạn pháp. Hiểu như thế là chơn như rất quý báu, vì đi theo bao nhiêu ánh sáng là cũng chỉ có đến một mặt trời chơn như đây thôi” (Chơn Lý – Chơn như, tr. 792).
Vài nét phác họa ở trên cho chúng ta thấy, ý nghĩa tổng hợp từ biểu tượng hoa sen và ngọn đèn hàm chứa trọn vẹn hạnh nguyện độ sanh của đức Tổ sư và tôn chỉ hành trì của đạo Phật Khất sĩ. Hoa sen xin nhận dưỡng chất từ đất bùn và nước, ngọn đèn xin nhận ánh sáng từ mặt trời. Tất cả những điều xin nhận đó cũng có nghĩa là sự học hỏi, đúng nghĩa của từ “Khất sĩ” – người học trò đi xin! Được sinh ra từ bùn nhơ, sen vươn lên khỏi mặt nước và trổ hoa tỏa hương khoe sắc cho đời mà không bị bùn làm ô nhiễm. Người khất sĩ sống trong trần cũng giống như vậy. Sen một khi vượt thoát khỏi bùn và tỏa hương ngào ngạt là lúc người Khất sĩ vững chãi về phần “tự độ”, vượt thoát trần thế trược ô trên con đường nhập thế tích cực để hoàn thiện sứ mạng của người con Phật về phần “độ tha” vậy.
Ngọn đèn đem ánh sáng soi rọi vào nơi tăm tối là để thể hiện tinh thần biết ơn, nhớ ơn và đền ơn chúng sanh muôn loại. Ngọn đèn tỏa sáng là lúc người Khất sĩ đem cái hiểu, cái tu dạy lại cho đời trong tinh thần vô nhiễm, từ đó đem lại sự bình an, lợi lạc cho người, cho môi trường xung quanh. Triết lý xin và cho, học và dạy là tư tưởng chủ đạo của đức Tổ sư và là sự hành trì xuyên suốt của mỗi người Khất sĩ được gói gọn qua hình tượng thâm thúy này. Trí tuệ và vô nhiễm là hai yếu tố vô cùng cần thiết cho người thực hành nếp sống Tứ y pháp: pháp hành căn bản và đặc trưng của đạo Phật Khất sĩ.
Khất thực không nài vật uống ăn
Mặc y phấn tảo hạnh thanh bần
Tàng cây, nhà vắng tu Thiền quán
Rễ lá sơ sài dụng thuốc thang (NT. Huỳnh Liên)
Khi đức Tổ sư còn hành đạo, trên đường du hóa, đi đến đâu, Ngài thường phổ biến những bài Chơn Lý đã viết đến quần chúng Phật tử. Trên những ấn phẩm đầu tiên này, biểu tượng hoa sen có ngọn đèn ở giữa xuất hiện trên bìa các tập Chơn Lý. Điều này chứng tỏ hình ảnh hoa sen có ngọn đèn ở giữa được đức Tổ sư chọn làm biểu tượng cho giáo pháp của Ngài ngay từ những ngày đầu thành lập đoàn Du Tăng Khất sĩ. Từ đó, biểu tượng này trở thành “nhãn hiệu” duy nhất được sử dụng trên bộ Chơn Lý cũng như các ấn phẩm văn hóa khác của Phật giáo Khất sĩ.
Bên cạnh đó, logo trang mạng của Khất sĩ cũng dùng biểu tượng này.
Thời đức Tổ sư hành đạo, Tịnh xá được làm bằng tre lá đơn sơ nên biểu tượng hoa sen và ngọn đèn chưa có cơ hội đưa vào kiến trúc hội họa. Theo xu hướng phát triển chung cùng xã hội, các ngôi Tịnh xá ngày càng được xây dựng quy mô hơn. Từ đó, hoa sen ngọn đèn là motif chủ đạo trong kiến trúc và trang trí các ngôi Tịnh xá.
Biểu tượng hoa sen và ngọn đèn được chọn làm biểu tượng đắp trên nóc các Tnh xá,
 trên trụ cổng, trên những khung hoa văn cổng và trên những bức phù điêu tường thành mà chúng ta thường thấy ở các ngôi Tnh xá.
Như vậy, biểu tượng hoa sen và ngọn đèn được đức Tổ sư vận dụng một cách sáng tạo và hài hòa làm biểu tượng đặc trưng cho hệ phái Khất sĩ. Ý nghĩa của hai hình ảnh này nhắc người xuất gia phải thể hiện một đời sống tu tập trong sáng, thanh thoát, thắp lên ngọn đèn chơn lý, ngọn đèn pháp hiến tặng cho đời mà vẫn thong dong sống đời vô nhiễm. Biểu tượng này là một di sản quý giá chư Tăng Ni hệ phái Khất sĩ được thừa hưởng, giữ gìn và phát huy trong đời sống thực tế của mình để đem đạo vào đời một cách hiệu quả.
Hình ảnh hoa sen và ngọn đèn trong biểu tượng đặc trưng của Hệ phái Khất sĩ là một sự tổng hòa, dung hợp những ý nghĩa tâm linh đã có từ trong nếp sống văn hóa trên đất nước Ấn Độ - nơi đạo Phật được hình thành, cũng như các nước trong khu vực, và nhất là trong kinh điển Phật giáo. Đây chính là lý tưởng và hoài bão của đức Tổ Sư về một quốc độ, một cuộc sống an vui, thuần thiện của tất cả mọi người. Trong đó, người xuất gia phải thể hiện một đời sống tu tập trong sáng, thanh thoát, thắp lên ngọn đèn chơn lý phụng hiến cho đời. Đây là cách mỗi người Khất sĩ phụng thờ chánh pháp một cách tốt đẹp nhất. Biểu tượng này thể hiện chủ trương của đức Tổ sư rằng tất cả mỗi người phải tự là ngọn đèn của chính mình, tự mình tìm đến chân lý, tự soi đường chính mình, đồng thời thực hiện hạnh nguyện giáo hoá người khác, như lời Đức Phật đã từng dạy: “tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn”.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Kinh Pháp cú. H.T. Thích Minh Châu dịch. Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, 1997.
Kinh Tăng chi bộ. H.T. Thích Minh Châu dịch. Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, 1996.
Kinh Tập. H.T. Thích Minh Châu dịch. Tu thư Phật học Vạn Hạnh ấn hành, 1982.
Kinh Trung bộ. H.T. Thích Minh Châu dịch. Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, 1997.
Kinh Trường bộ. H.T. Thích Minh Châu dịch. Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, 1991.
Kinh Tương ưng bộ. H.T. Thích Minh Châu dịch. Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, 1997.
Siddiqui, Kiran Shahid. Significance of Lotus Depiction in the Gandhara Art. Pakistan Historical Society. Journal of the Pakistan Historical Society, 60 (3), 2012.
Swami Vivekananda. Work and Its Secret.  Kolkata: Advaita Ashrama publication, 2011.
Tổ Sư Minh Đăng Quang. Chơn Lý. Nhà xuất bản TP. Hồ Chí Minh, 1952-53/2016.