Tôi có dịp quan sát vài người quanh mình khi bị bệnh và cách hành xử với bản thân và thái độ đối với bệnh cũng như đối với người xung quanh không ai giống ai. Bằng kinh nghiệm bản thân, tôi thấy tựu trung, có hai khuynh hướng thể hiện phổ biến có thể nhận thấy nơi người bệnh mà lẽ ra họ không nên làm vậy. Ở một số người, nỗi đau của thân được họ kết nối với khổ của tâm và cái đau được họ thổi phồng, nhân hóa lên nhiều lần trông thật nực cười. Họ muốn những người xung quanh chú ý và cảm nhận được ‘tôi đang đau (lắm) đây!’. Người thuộc tuýp này hầu như không có một chút khả năng chịu đựng, khoan nói đến kiên nhẫn, ý chí… Họ đang quan trọng hóa bản thân và muốn truyền thông điệp ‘tôi là người quan trọng’ đến với tất cả những ai có thể. Để diễn tả tuýp người này, có lẽ không có câu nào hay hơn “con nhà giàu đứt tay bằng con ăn mày đổ ruột”. Đau một tí, họ làm như thể trời long đất lở. Họ làm như thể một chút động tĩnh gì của họ là ảnh hưởng đến toàn bộ nhân loại không bằng! Họ có thể tỏ dáng vẻ tiều tụy với một vết đau nho nhỏ hay chỉ vài dấu hiệu cảm xoàng. Họ nằm dài ra đó đợi người săn sóc đến từng chi tiết nhỏ nhất như thể không thể tự làm một điều gì. Tôi thấy tội cho những người tự giao nộp quyền của mình cho người khác dễ dàng đến thế. Tôi thấy thương cho họ khi sống với hoang tưởng của nỗi đau ảo và vị trí quan trọng tự phong cho mình cũng ảo. Tôi từng gặp một người như thế và họ cứ biểu hiệu như thế trong nhiều năm qua như thể tri thức và tâm thức họ không bao giờ lớn lên được nữa.
Một khuynh hướng trái ngược với cách thổi phồng nỗi đau và nhân hóa vị trí của mình như vừa nói, tôi gặp vài người có thái độ hoàn toàn ngược lại mỗi khi họ bị bệnh. Những người này coi bệnh là một cái gì đó xấu xa, tệ hại và lẽ ra không nên đến với họ. Mỗi khi có bệnh, những người này có khuynh hướng che giấu các biểu hiện của bệnh, không cho người ngoài biết và họ cũng tự lừa dối mình. Họ tự chích morphine tưởng tượng để tạo một lớp biểu hiện ảo rằng họ đang mạnh khỏe. Không ai được quyền thấy họ trong trạng thái không khỏe. Để làm được điều này, họ dối mọi người, tự dối mình và phí sức để tô phết vẻ bề ngoài mạnh khỏe trong mắt mọi người. Người thuộc tuýp này hay liều lĩnh, có khi cả liều mạng, đơn giản hóa vấn đề và coi thường mọi lời khuyên về cách chăm sóc và dưỡng bệnh. Tuân theo sự liệu trình chữa trị của bác sĩ đối với họ là cả một vấn đề khó khăn vì họ thấy không cần thiết! Họ không cho phép họ nghỉ ngơi vì họ nghĩ, họ là người của công việc và không có họ, chắc thế giới này cũng hụt hẫng lắm, hay ít ra, một khối công việc còn tồn đọng ở một góc nào đó của quả địa cầu nếu họ phải nghĩ ngơi vì bệnh. Sâu thẳm trong tiềm thức, những người thuộc tuýp này cũng có một sự tự cao, cho mình là quan trọng, ngạo đời lắm lắm mà chắc hẳn họ không nhận ra và sẽ không bao giờ chấp nhận nếu ai đó nói về họ như vậy.
Theo tôi, hai thái độ trên là hai thái cực cần tránh khi mình bị bệnh. Thật ra, bệnh là một phần của cuộc sống mà không lúc này thì lúc khác, con người đều kinh qua. Không phải một mình ai chịu đựng kinh nghiệm này nên rõ ràng không cần phải khuếch trương và phát tán tâm lý tiêu cực ra những người xung quanh làm gì. Bệnh là tự nhiên, là điều ắt đến với mỗi sinh vật, ta không cần che giấu hay làm ra vẻ mạnh khỏe theo kiểu lừa mình dối người. Hãy trung thực với chính mình, hãy đối xử tử tế với thân thể và chấp nhận những quy luật tự nhiên chi phối sự tồn tại của con người. Khi bệnh, tùy mức độ mà xử lý đúng mức là điều cần thiết và giải pháp khôn ngoan nhất đối với chính mình. Hãy bình tâm, thuận theo quy luật cuộc sống, đừng quá mong cầu vào những điều không thể, vì như thế chẳng lợi ích gì, chỉ nhọc tâm trí thôi. Khi nào cần can thiệp của các phương pháp trị liệu, hãy hợp tác đúng mức. Về tinh thần, mình cần trang bị cho mình một sức chịu đựng, kiên trì và ý chí để vượt qua những bất an về thân một cách nhẹ nhàng nhất. Hãy chấp nhận những giới hạn của kiếp người, trong đó có bệnh, ta sẽ thấy cuộc sống nhẹ nhàng hơn.