Tuesday, October 15, 2013

KHÔNG NÊN QUÁ NUÔNG CHÌU TRẺ EM

Tâm lý muốn đáp ứng nhu cầu của mình ở một đứa trẻ gắn liền với bản năng sinh tồn, hình thành từ rất sớm nơi trẻ sơ sinh. Khi đói, bé khóc; lúc khó chịu trong người, bé khóc. Khóc là cách thể hiện mong muốn được đáp ứng nhu cầu của bé. Nhu cầu của bé được mẹ, và những người thân trong gia đình đáp ứng đầy đủ nhất, tốt nhất trong khả năng có thể. Nếu bé muốn gì cũng được đáp ứng ngay, dần dần bé có tâm lý “muốn gì được nấy”. Cùng với thời gian, tâm lý này được nuôi dưỡng qua sự chìu chuộng quá đáng, chăm sóc quá mức cần thiết, hy sinh một cách mù quáng và nhanh nhạy đáp ứng mọi nhu cầu không cần xem xét từ phía cha mẹ và những người thân trong gia đình trong quá trình nuôi nấng và dạy dỗ đứa bé.

Ngày nay, theo đà phát triển của xã hội, nhu cầu vật chất trong cuộc sống không còn quá khó khăn, cha mẹ sẵn sàng chìu chuộng con, với quan niệm sống cho con, sống vì con. Hơn nữa, khi nhiều người ý thức được rằng nuôi con đã khó, dạy con còn muôn phần khó hơn, phần lớn các gia đình đều có một hoặc hai con. Thế là bao nhiêu tình thương, sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ và cả những người thân cùng sống trong gia đình đổ dồn vào một hoặc hai đứa trẻ. Tình cảm này được hiện thực hóa bằng sự đáp ứng nhu cầu vật chất cho trẻ. Trẻ em thì vòi vĩnh không giới hạn, người lớn thì thương yêu trẻ vô biên. Điểm gặp gỡ ở đây là đáp ứng tất cả những gì trẻ đòi hỏi, từ đó tạo cho trẻ có tâm lý “muốn gì được nấy”. Khi bé còn nhỏ, những đòi hỏi thậm chí vô lý của trẻ, người lớn cũng dễ dàng bỏ qua mà sẵn sàng đáp ứng, vì nghĩ “trẻ em mà! Những gì trẻ muốn kể ra cũng có đáng bao nhiêu đồng bạc đâu…” Cha mẹ và cả ông bà cô chú cậu dì… không nghĩ tới hậu quả của việc chìu chuộng này là gì, mà chỉ nghĩ trị giá của những thứ trẻ em muốn không nhiều, nên không ngần ngại tính toán. Trong thời đại tiêu thụ ngày nay, chúng ta dễ dàng nhận ra rằng:



Người lớn chúng ta rất nhạy trong việc đáp ứng những gì trẻ em vòi vĩnh mà không lập ra giới hạn cho những đòi hỏi của trẻ. Đây là cách nuôi dưỡng ở trẻ tính vô kỷ luật, ỷ lại, ích kỷ, bướng bỉnh, thiếu tự lập, thiếu tôn trọng người khác và thiếu hòa đồng, hợp tác với người khác. Trẻ em nào mà chẳng thích những điều ước trong các câu chuyện cổ tích, thậm chí, nếu có được điều ước, sẽ ước có thêm ngàn điều ước khác. Sự ham muốn, đòi hỏi của trẻ là vô cùng tận khi hòa mình vào thế giới muôn màu, muôn vẻ. Bản năng của con người là thích được đáp ứng, ưa hưởng thụ, muốn có người phục vụ mình và rất hài lòng khi ai ai cũng làm theo ý mình mà không được chống trái. Nuông chìu quá đáng trẻ em là nuôi lớn những bản năng có nguy cơ làm hại đứa trẻ.



Người ta nói “được voi, đòi tiên”, khi được voi, trẻ em đòi có cả… sở thú đấy. Khi “đòi liền được”, cái thành trì “tôi” của trẻ sẽ được tô đắp kiên cố hơn, cái ý niệm chỉ biết có mình ta thôi sẽ choáng hết tâm trí trẻ và ảo tưởng rằng mình có vị trí quan trọng và cả gia đình này, cả làng xóm này, cả xã hội này đều phải chìu ý ta sẽ hình thành và phát triển ở trẻ. Nếu không đưa các em vào một nguyên tắc sống ngay từ bé thì sẽ không giúp trẻ rèn luyện nhân cách, đạo đức, nhận thức và thái độ sống tốt, tích cực trong cuộc sống cộng đồng.



Nếu được chìu chuộng quá đáng trong môi trường gia đình, đứa trẻ sẽ trở nên hụt hẫng, shock và mất thăng bằng khi bắt đầu đi học vì ở trường, mọi đứa trẻ đều được đối xử bình đẳng và không phải muốn gì được nấy, muốn lúc nào có lúc đó như ở nhà. Tệ hơn nữa, lớn lên một tí nữa, đứa bé ấy khó hòa nhập vào xã hội, khó sống hài hòa với nhiều thành phần khác nhau trong xã hội vì mọi người không thể hy sinh vô điều kiện, chìu chuộng như những người thân trong gia đình. Đây chắc hẳn không phải là “sản phẩm” mà cha mẹ và người thân muốn ở con em mình. Vậy tập cho bé một kỷ luật sống, biết giới hạn trong các nhu cầu, đòi hỏi, hình thành một nhận thức tốt trong mối quan hệ và tương trợ với người khác, có thái độ sống tích cực, bao dung, chấp nhận mà không chỉ thỏa mãn những sở thích, ham muốn của mình là điều cần thiết ở các bậc phụ huynh.



Người lớn chúng ta không bao giờ muốn trẻ em lớn lên trong sự sợ hãi vì những cơn giận dữ của người lớn. Vậy mà chúng ta chìu chuộng trẻ vô điều kiện nghĩa là đang nuôi dưỡng nỗi sợ hãi của trẻ cũng như đang ấp ủ, nuôi lớn những cơn giận của mình. Tôi dám nói như vậy vì thấy được viễn cảnh không mấy tích cực như là hệ quả tất nhiên của sự nuông chìu quá đáng này. Ngay từ đầu, chúng ta không hề đặt ra giới hạn cho phép trong sự đòi hỏi của trẻ, rằng mình chỉ đáp ứng cho con những thứ này, chứ không thể cứ muốn là được. Thế nhưng, sự chịu đựng của ta có giới hạn và khi những đòi hỏi của trẻ vượt quá ngưỡng này, ta sẽ nổi trận lôi đình, còn trẻ thì ngơ ngác trong sợ hãi không hiểu vì sao, trong khi những lần trước, đòi là được. Ngầm quy định cho con một nguyên tắc sống nghiêm túc mà vẫn thể hiện được tình thương yêu dạt dào, sự quan tâm, thân thiện đối với trẻ là điều cần thiết và cả một nghệ thuật sống không kém thử thách đối với các bậc cha mẹ cũng như những người thân trong gia đình.



Cha mẹ khôn ngoan và lo xa là người hướng cho con một cách sống bản lĩnh, có tính tự lập cao, quyết đoán vấn đề, chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình, bởi lẽ, dù thương yêu và muốn bảo bọc con luôn khi, bạn không thể bên cạnh con mãi mãi. Hãy để con chúng ta “lớn” không chỉ theo tuổi tác mà còn trong nhận thức và trải nghiệm cuộc sống. Cuộc sống vốn nhiều biến động, lắm thăng trầm đến mức dù chúng ta có tính toán, lo lường mọi bề, chúng ta cũng không đủ sức che chắn, chịu thay và giải quyết những vấn đề cuộc sống đến với con em mình. Không ai có thể thở bằng buồng phổi của người khác, nên cách tốt nhất là chúng ta trang bị cho con em mình những kỹ năng sống cần thiết để chúng ta tự tin nhìn con em mình sống vững chãi, khi gặp tình huống thì giải quyết vấn đề thấu lý đạt tình. Muốn vậy, cần tập cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ thấu hiểu được những giới hạn và tương đối của cuộc sống vốn bất toàn và bất an này. Nguyên tắc vàng trong việc giáo dục con em chúng ta là ngay từ bé, cần phải thể hiện tình thương yêu có nguyên tắc, luật lệ và nên nhớ, cái gì cũng có giới hạn của nó, vì cuộc sống chúng ta đang có mặt vốn giới hạn.

Monday, October 14, 2013

Về nhà

Hơn một năm rồi, mình không post bài ở đây. Vẫn biết rằng "everything happens, happens for a reason". Lý do thì nhiều... nhưng giờ đây, mình trở lại với trang blog này vì mình nhận thấy, viết là cách mình trở về với chính mình bên cạnh các phương pháp trở về nội tâm mà mình đang thực hành. Viết là một cách học, một cách trải lòng, một cách chia sẻ với những người có duyên. Thế là mình quyết định viết trở lại và post bài lại ở đây như một cách học, hiểu, sống và chia sẻ vậy...


Chúc mọi người an lành!