Sunday, August 30, 2015

TRÌ HOÃN SỰ HÀI LÒNG

Trì hoãn sự hài lòng: ngày càng hiếm
Tất cả chúng ta ai cũng hiểu rằng, xã hội chúng ta đang sống là xã hội hướng đến tiêu thụ, khuyến khích con người tiêu thụ, phục vụ tối đa cho nhu cầu tiêu thụ của con người. Các nhà sản xuất không ngừng nghiên cứu xu hướng thị hiếu của  con người để liên tục đưa ra thị trường các sản phẩm mới ngày càng tiện nghi hơn, thẩm mỹ hơn, tinh tế hơn nhằm thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của người sử dụng. Thỏa mãn đem lại niềm vui cho con người, thế nhưng vui được bao lâu? Sau niềm vui tạm bợ ấy là gì, mấy ai chịu suy ngẫm? thật ra, được đáp ứng, được thỏa mãn những gì phục vụ cho cuộc sống của mình cũng giống như khát mà uống nước muối vậy. Cơn khát được giải tỏa trong thời gian chóng vánh, sau đó, khát càng nhiều hơn. Thỏa mãn chỉ là tạm thời, khát khao mới là vĩnh viễn. Đáp ứng chỉ là tạm thời, thiếu thốn mới là dài lâu. Hài lòng, chưa hẳn là một niềm vui vì tuổi thọ của nó ngắn ngủi. Vì lẽ đó, tôi xin trình bày ở đây niềm vui của sự trì hoãn sự hài lòng. Điều này nghe có vẻ lạ, có đúng không?
Trì hoãn sự hài lòng đồng nghĩa với việc tích lũy nhiều sự hài lòng nhỏ để có được sự hài lòng lớn hơn, tích cóp những sự hài lòng tạm thời thành sự hài lòng lâu dài hơn, niềm vui nhiều hơn, có điều “hạn sử dụng” chưa chắc đã lâu hơn. Nguyên lý nằm sau sự trì hoãn sự hài lòng là niềm vui sẽ được bảo lưu và tăng lên, còn yếu tố thời gian thì không phụ thuộc vào sự trì hoãn này.
Đối với các niềm vui mang tính điều kiện trong cuộc sống, cả vật chất và tinh thần, đều chịu sự chi phối của quy luật thay đổi, thuật ngữ nhà Phật gọi là vô thường. Điều này có nghĩa là sự trì hoãn những thỏa mãn nhỏ, niềm vui nhỏ để tích lũy thành sự thỏa mãn lớn hơn, niềm vui lớn hơn đi nữa, thì sự thỏa mãn này cũng nhanh rơi vào trạng thái không thỏa mãn, bất an. Thậm chí, khi niềm vui lớn, sự thỏa mãn nhiều hơn này một khi mất đi, đau khổ càng nhiều hơn.
Ví dụ một đứa bé ngoan được cha mẹ thưởng, hoặc mỗi ngày được cho một cái bánh, hoặc không nhận bánh trong nửa tháng để được cho một chiếc vòng đeo tay bằng mã não. Em chọn chiếc vòng mã não vì em cảm thấy hạnh phúc và thỏa mãn với chiếc vòng em từng thích từ lâu. Niềm vui này so với niềm vui ăn bánh mỗi ngày thì lớn hơn nhiều. Thế rồi một hôm, chẳng may, một lần vấp té, chiếc vòng mã não bể nát. Em cảm thấy buồn vô cùng.  Khi nhận chiếc bánh mỗi ngày, em bé có niềm vui nhỏ, nên khi lỡ đánh rơi miếng bánh, nỗi buồn cũng nhỏ thôi. Khi có chiếc vòng mã não, niềm vui được gom kết từ nhiều niềm vui nhỏ của việc được ăn bánh mỗi ngày, nên khi bể nát chiếc vòng này, nỗi buồn cũng nhiều lần hơn so với rớt mẩu bánh xuống đất không thể nhặt lên ăn tiếp. Cả chiếc bánh và chiếc vòng mã não đều chịu sự chi phối của quy luật thay đổi – một quy luật khách quan chi phối vạn vật trong mọi lúc, mọi nơi. Do đó, niềm vui thỏa mãn cũng mang tính điều kiện và rất mong manh. Sự hài lòng ấy sẽ nhanh chóng mất đi, thay vào đó là cảm giác căng thẳng, bất an, khổ đau, tiềm tàng lo lắng và sợ hãi… Đây chính là những biểu hiện khác nhau của dukkha vậy.
Thật ra, những niềm vui ở đời là tương đối, là tạm bợ, là vui tạm thời mà khổ miên viễn, nên khi trì hoãn sự hài lòng, thỏa mãn thì đây là cách tuyệt vời để ta vươn đến niềm vui cao hơn, thanh tao hơn và thoát khỏi sự chi phối của khổ đau. Nên nhớ rằng cái gì cũng có giá của nó, và sống ở đời là một sự chọn lựa và đánh đổi với quỹ thời gian ta có. Điều này có nghĩa rằng khi ta làm một việc này, ta không thể làm một việc khác đồng thời. Ta có hai tay nên khi ta cầm hai nắm kẹo thì có ai cho ta một thỏi vàng, ta cũng không thể nắm lấy nếu khư khư không chịu bỏ nắm kẹo ra. Do vậy, trong cuộc sống, chọn lựa là điều vô cùng quan trọng: vào thời điểm nào, nên nắm gì, nên buông gì để ta có “lãi” trong sự đánh đổi ấy. Đổi khổ lấy vui là khôn ngoan; đổi cái tạm thời lấy cái bền chắc hơn là khôn ngoan; đổi các nhu cầu vật chất để thỏa mãn nhu cầu tinh thần, tâm linh là khôn ngoan. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể làm được người khôn ngoan khi ta dễ bị hoa mắt và loạn thị với những thỏa mãn tạm thời trước mắt. Vẫn biết mì ăn liền là độc mà nhiều người vẫn chọn mì ăn liền như món ăn không thể thiếu hằng ngày là vậy. Đây chính là nguồn gốc khổ đau. Biết thì dễ, làm mới là điều đáng nói!

Trì hoãn cái gì?

Trì hoãn sự hài lòng, hay còn gọi kiểm soát ham muốn là một từ dùng để chỉ khả năng của một người có thể kềm chế ham muốn, trì hoãn sự thỏa mãn nhất thời chờ đợi để đạt được một mục đích sau này với quyền lợi lớn hơn, thật hơn, ý nghĩa hơn. Khả năng trí tuệ này còn được gọi là sức mạnh ý chí, tự kiềm chế, làm chủ bản thân. Kiểm soát ham muốn được coi là một biểu hiện tâm lý tích cực của bản thân cũng như của xã hội và ngược lại, mất kiểm soát ham muốn là một biểu hiện tiêu cực.
Trì hoãn sự hài lòng không có nghĩa là chối bỏ những niềm vui trong cuộc sống, mà là sự từ chối những niềm vui nhỏ, tạm thời để tích lũy vào niềm vui lớn sau cùng. Đây là một quá trình tích lũy hạnh phúc có nghệ thuật, chứ không phải sự đè nén vô vọng nhu cầu thỏa mãn niềm vui trong khi đó, cuối đường hầm chẳng có tia hy vọng le lói nào. Ví dụ một chế độ ăn kiêng hợp lý cho người bị bệnh huyết áp, bệnh tiểu đường hay mỡ máu thật ra không phải là sự đè nén sự thỏa mãn về nhu cầu ăn uống,  mà là một sự chọn lựa khôn ngoan để duy trì sức khỏe của mình với một chế độ ăn lành mạnh và hợp lý. Vẫn biết thỉnh thoảng, ta có thể ăn uống không kiêng cử trong một số tình huống không thể từ chối, nhưng căn bản cần duy trì một chế độ ăn kiêng là biểu hiện của sự làm chủ bản thân.
Điều gì xảy ra nếu chúng ta không thực hành trì hoãn sự hài lòng? Xã hội hiện đại với sự hỗ trợ của khoa học kỹ thuật đang khuyến khích con người mọi tầng lớp xã hội càng ngày càng có nhiều nhu cầu và nó cung cấp những công cụ, tiện nghi đáp ứng ngay những nhu cầu ấy với vài cái nhắp chuột, hay một cuộc điện thoại ngắn. Một xã hội “tôi muốn tất cả, hễ muốn là có ngay” như thế không hẳn là tốt, vì có nhiều vấn đề nảy sinh từ đó. Từ béo phì đến nợ ngoài tầm kiểm soát nơi thẻ ngân hàng vì không làm chủ được trong ăn uống cũng như chi tiêu là “sản phẩm” của một xã hội khuyến khích “muốn gì, hãy đáp ứng ngay!” Thêm vào đó, sự nhẫn nại, chịu khó, kiên trì dần mất đi trong thế hệ lớn lên giữa xã hội muốn gì, có ngay.
Cần đâu, có đấy ai mà chẳng thích. Thế nhưng, mặt trái của vấn đề là việc chúng ta cần suy nghĩ. Khi cần là có, có xong lại cần tiếp với nhu cầu ngày càng nhiều là tâm lý mang tính bản năng ở con người. Chu trình này cứ thế mà tiếp tục theo vòng xoắn ốc chứ không có điểm dừng. Cái tiện nghi bên ngoài hầu như không liên quan gì với hạnh phúc nội tâm, cụ thể càng được đáp ứng, càng khát khao nhiều thứ khác và khi những thứ này có trong tay, ta lại nảy sinh nhiều ham muốn khác nữa. Cứ chạy theo sức hút của thị trường, lao theo lực cuốn của số đông quanh ta, ta không hề tự chủ với mình và lao vào vòng xoáy ham muốn-thỏa mãn-ham muốn để rồi chuốc lấy khổ đau.
Sống nhanh, sống vội, hài lòng với hạnh phúc tạm bợ, phù du do vật chất và tiện nghi cuộc sống đem lại, con người không thể cảm nhận hạnh phúc chân thật của cuộc sống vốn đòi hỏi thời gian, nỗ lực và tận tâm. Cái hạnh phúc thỏa mãn tức thời không thể bì được với hạnh phúc được chiết xuất từ nội tâm. Không thể sánh mùi vị của tô mì ăn liền với tô phở được nấu đúng điệu. Một tòa nhà được xây trong 6 tháng sao có thể đem so với kim tự tháp Ai Cập? Vấn đề lớn nhất trong thời đại “muốn là có ngay” là các nguồn kích động vào não bộ chúng ta cứ diễn ra thường xuyên, lượng thông tin đến với chúng ta quá tải mỗi ngày, nên tâm ta không thể nào yên. Nhiều người nghiện facebook đến mức nếu không đăng nhập một ngày, họ không chịu nổi. Lắm người thú thật, chiếc điện thoại là vật bất ly thân của họ, nghĩa là họ không thể rời chiếc điện thoại trong mọi lúc, mọi nơi. Nếu chúng ta tạm thời xa rời môi trường này, không sử dụng máy tính, điện thoại và để sang một bên tất cả các thiết bị điện tử khoảng một tuần hoặc hơn, ta sẽ cảm nhận được sự an tịnh nội tâm và có thể nuôi dưỡng hạnh phúc nội tâm ấy dễ dàng hơn trong một môi trường thiếu các thiết bị điện tử như vậy. Không cần cập nhận facebook, không sử dụng điện thoại thông minh, đừng bận tâm trả lời tin nhắn hay email, không lướt web và lang thang tìm tin nóng hổi trên các tờ báo lá cải, lòng bình yên và hạnh phúc trong tĩnh lặng nhuần gội khắp người. Sự trải nghiệm này ngọt ngào, sâu lắng hơn nhiều so với niềm vui chớp nhoáng với những bận rộn đời thường.
Tôi không khuyên bạn không sử dụng email nữa, không dùng điện thoại để liên lạc và cắt đứt đường truyền internet. Điều tôi muốn nói là tạm xa cuộc sống xô bồ hằng ngày chúng ta mới có thể cảm nhận được hạnh phúc chân thật của nội tâm để rồi biết rằng, những ứng dụng của khoa học kỹ thuật giúp đời sống chúng ta tiện nghi hơn nếu chúng ta biết làm người chủ chứ không phải nô lệ cho chúng. Làm được như thế là ứng dụng nếp sống trung đạo của đạo Phật vào cuộc sống. Ta vẫn sử dụng những ứng dụng này để hỗ trợ công việc của  mình trong cuộc sống, nhưng hoàn toàn làm chủ và có thể dừng không sử dụng chúng nếu cần. Khi ta có cảm giác “tôi sống không thể thiếu..” nghĩa là ta giao nộp quyền tự do cá nhân của mình cho các ứng dụng khoa học kỹ thuật điện tử này rồi đó. 

Tại sao phải trì hoãn sự hài lòng?


Trì hoãn sự hài lòng, nghĩa là không đáp ứng ngay những nhu cầu hưởng thụ của mình. Đây là cơ hội để tự bản thân mỗi người thẩm định lại, giữ tâm thăng bằng hơn và  là cách ngăn ngừa chúng ta không trở thành nạn nhân của những thói quen hưởng thụ không lành mạnh và đây là cách để cải thiện chất lượng cuộc sống của mình.  Trì hoãn sự hài lòng đưa đến những lợi ích sau:

1. Trì hoãn sự hài lòng sẽ đem lại niềm vui nhiều hơn


Nếu ta đang đi trong một đường hầm tối, khi chạm luồng ánh sáng cuối đường hầm, ta cảm nhận hạnh phúc vô biên. Nếu ta đang đi ngoài trời, ngập tràn ánh sáng, thì ta chẳng biết quý ánh sáng chan hòa khắp mọi người, bao phủ con người mình. Điều này đúng với tất cả. Khi chúng ta trì hoãn sự hài lòng, không có nghĩa rằng ta không được lợi ích của sự thỏa mãn, mà ta sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn khi ta “để dành” để rồi mức độ hài lòng, cảm nhận hạnh phúc được tăng lên nhiều hơn. Khi ta không khát nước, ai mời mình ly nước, nể tình, ta uống nhưng không có cảm giác ngon. Thế nhưng, đang đi ngoài trời nắng, ta khát nước. Không thể dừng lại nửa chừng để uống vì nhìn ven đường, không thấy quán nước nào. Ta lại không mang theo nước. Thế là ráng, ráng chạy thêm chặng đường khá dài nữa, về đến nhà, việc đầu tiên là uống ngay một ly nước. Ly nước lọc bình thường thôi, uống trong thời điểm ấy, ta có cảm giác ngon lạ, ngon hơn bất cứ loại nước nào ta đã từng uống. Ai từng trải qua cảm giác này rồi sẽ hiểu hạnh phúc được nhân lên nhiều lần khi cảm nhận thỏa mãn cơn khát sau khi chịu khát một thời gian dài như vậy.
Nói như vậy không có nghĩa là ta cứ chịu đựng, đày đọa mình và mong rằng, với sự trì hoãn này, ta có hạnh phúc nhiều hơn, vì “mong” như thế là tăng trưởng lòng tham, mà tham là nguồn cội của khổ đau. Điều tôi muốn nói là trong bất cứ hoàn cảnh nào, đừng bao giờ thấy mình thiệt thòi, chịu đựng mà khởi tâm buồn nản, tiêu cực mà cần hiểu rằng cái gì cũng phải đủ duyên mới thành tựu. Kết quả chưa như mong đợi là do đang trong quá trình tích lũy đó thôi. Hãy xem đây là một sự đầu tư lâu dài, như thể gửi tiết kiệm ngân hàng dài hạn và nhận “lãi cuối kỳ” sẽ cao hơn là nhận lãi hàng tháng vậy. Bằng phép tính cộng đơn giản, ta dễ dàng chấp nhận gộp nhiều niềm vui nhỏ lại thành niềm vui lớn, nên không cần nôn nóng, vội vã thỏa mãn ngay những gì có thể trong tầm mắt của mình.

Trì hoãn sự hài lòng giúp ta tự chủ tốt hơn

Muốn gì có nấy, đòi gì được đáp ứng ngay có thể làm thỏa mãn tạm thời cho chúng ta, nhưng tác hại của nó rất nhiều. Khi dễ dàng có cái mình muốn, ta vui vẻ lắm khi bản ngã được nuông chìu. Thế nhưng, người ta thường nói “túi tham không đáy”, những điều ta muốn là vô hạn, trong khi tất cả những nguồn phục vụ cho cuộc sống là có giới hạn. Sẽ không khó để ta hình dung ra đến một ngày “không đẹp trời” nào đó, điều ta muốn, cái ta đòi không được đáp ứng. Tâm lý ta lúc đó thế nào? Ai cũng có thể hiểu rằng, rất tồi tệ: căng thẳng, buồn bực, chán nản, bất mãn, nổi loạn… Điều này phản ánh sự phản ứng tâm lý của tất cả con người bình thường, không có ngoại lệ. Cha mẹ nào cưng chìu con quá mức và quá đáng, con sẽ hư ngay.